Israel đứng trước mối đe dọa đến từ các tên lửa Nga
Trong nỗ lực hiện đại hóa hiện nay, Không quân Israel đang đẩy nhanh tiến độ đưa vào biên chế các máy bay chiến đấu tân tiến mới như tiêm kích F-35 và có thể là cả F-15I để dần thay thế cho các chiến đấu cơ F-16 bắt đầu già cỗi.
Song hành với đó, Israel cũng tìm cách sở hữu được các dòng tên lửa không đối không hiện đại nhằm tiếp tục giành ưu thế vượt trội so với các đối thủ tiềm ẩn trong khu vực.
Trước đây, Israel chủ yếu dựa vào sức mạnh chiến đấu của các tên lửa không đối không AIM-7 Sparrow, loại vũ khí được Tel Aviv mua từ năm 1968 sau quá trình nó đã được Quân đội Mỹ kiểm nghiệm thực chiến tại chiến tranh Việt Nam.
Trong một thời gian nhất định AIM-7 Sparrow đã chứng tỏ được ưu thế khi đối đầu với các máy bay chiến đấu do Liên Xô chế tạo. Tuy nhiên, khoảng 10 năm sau đó khi Liên Xô cung cấp cho các quốc gia đối thủ của Israel ở Trung Đông các tên lửa mới như R-23, R-40 và sau đó là R-27 thì "vị thế cửa trên" của Tel Aviv bị suy giảm nghiêm trọng.
Mặc dù chỉ được triển khai với số lượng rất hạn chế trên các máy bay đánh chặn MiG-25 của Iraq và Syria nhưng tên lửa R-40 đã thể hiện được khả năng vượt trội so với AIM-7.
Tiêm kích F-15 Eagle Không quân Israel. Ảnh: MW
Để đối phó với tình hình, ngay khi Chiến tranh Lạnh kết thúc Israel đã quay sang chọn mua tên lửa AIM-120 AMRAAM của Mỹ. AIM-120C với tầm tấn công khoảng 105 km là phiên bản xuất khẩu mạnh mẽ nhất mà Israel hiện đang trang bị cho các đơn vị tiêm kích tiên tiến nhất của nước này.
Qua thời gian, thiết kế của AIM-120C cũng đã nhanh chóng bị lỗi thời và Israel lại đối diện với nguy cơ phải giao chiến với các máy bay trang bị những tên lửa hiện đại hơn đến từ các quốc gia láng giềng trong khu vực.
Đơn hàng 50 chiếc MiG-29M của Ai Cập và một số lượng nhỏ hơn các máy bay MiG-29SMT mà Syria đặt mua đều sẽ được trang bị những tên lửa tấn công tầm xa hơn của Nga. Trong khi đó, các tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-35 mà Moscow triển khai tại Syria cũng được trang bị tên lửa siêu thanh R-37M với tầm bắn 400 km.
Ai Cập được cho là sẽ tiếp nhận các máy bay Su-35 của Nga ngay trong năm 2020 và sẽ mang theo tên lửa R-37M. Số chiến đấu cơ Rafale mà Ai Cập mua từ Pháp, mặc dù hiện tại vẫn dựa chủ yếu vào các tên lửa MICA tầm tương đối ngắn nhưng nhiều khả năng trong tương lai chúng sẽ được trang bị tên lửa Meteor.
Tuy có tốc độ chậm và tầm tấn công cũng ngắn hơn R-37M nhưng Meteor hoàn toàn đủ sức vượt mặt tên lửa AIM-120C mà Israel hiện đang phải phụ thuộc.
Tên lửa không đối không siêu thanh R-37M. Ảnh: MW
David’s Sling phiên bản không đối không: Giải pháp tối ưu?
Trong kế hoạch hiện đại hóa kho tên lửa không đối không của mình cho giai đoạn những năm 2020, Israel có khá nhiều lựa chọn mua sắm: AIM-120D - loại nhiều khả năng cũng sẽ được Mỹ chấp thuận xuất khẩu; Peregrine và AIM-260 hiện đang trong quá trình phát triển; và thậm chí là Meteor, dù kém mạnh mẽ hơn nhưng vẫn tương thích với F-35.
Bên cạnh đó, để đa dạng hóa các lực chọn của mình cũng như để tiết kiệm chi phí Israel đã tính tới phương án cải tiến hệ thống tên lửa đất đối không David’s Sling thành tên lửa không đối không.
David's Sling là sản phẩm phát triển chung giữa Tập đoàn Raytheon của Mỹ và Công ty Rafael của Israel nhằm mục đích thay thế cho các tên lửa Patriot và MIM-23 Hawk hiện đang có trong biên chế. Dòng tên lửa này được Israel đưa vào sử dụng từ tháng 4/2017 và theo một số nguồn tin nó có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 200 km.
F-35 phóng tên lửa không đối không AIM-120C. Ảnh: MW
Mặc dù chủ yếu dùng để đánh chặn các tên lửa tấn công của kẻ thù nhưng tên lửa Stunner của David’s Sling hoàn toàn có thể được hoán cải thành vũ khí tác chiến không đối không trang bị cho các máy bay F-16, F-15 và thậm chí là F-35.
Stunner thuộc dòng tên lửa tối tân nhất hiện nay và những công nghệ chế tạo nó được đánh giá là tiên tiến hơn bất cứ tên lửa nào hiện có trên Trái Đất. Tính năng độc đáo nhất của Stunner chính là khả năng định vị mục tiêu ở cả hai chế độ. Chiếc mũi "cá Heo" của nó tích hợp cả đầu dò hồng ngoại và radar mảng pha quét điện tử chủ động sóng mét.
Đặc điểm này khiến Stunner trở thành vũ khí rất khó bị chế áp hoặc đánh lừa và có độ tin cậy cao hơn về khả năng đánh chặn dù bất kể mục tiêu đó là gì, từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho tới các tên lửa hành trình tàng hình.
Ngoài đầu dò 2 chế độ tân tiến, tên lửa còn được tích hợp các hệ thống thu nhỏ tinh vi, trong đó có cả hệ thống kết nối dữ liệu liên kết với các tổ hợp David's Sling cùng nhiều hệ thống cảm biến khác.
Hệ thống tên lửa đất đối không David's Sling. Ảnh: MW
Tên lửa cũng đặc biệt có tính cơ động cao do được trang bị hệ thống động cơ tiên tiến và ứng dụng công nghệ tấn công phá hủy (hit-to-kill), đồng nghĩa với việc nó sẽ không mang theo đầu đạn truyền thống mà lao thẳng vào mục tiêu đối phương. Thiết kế này giúp Stunner nhẹ hơn, cơ động hơn và tấn công chính xác hơn các dòng tên lửa mang đầu nổ truyền thống khác.
Nếu được cải tiến thành tên lửa không đối không thì Stunner có thể phát huy lợi thế của các đường truyền dữ liệu kết nối với hệ thống cảm biến mạnh mẽ trên các máy bay F-15 và F-35, qua đó giúp tăng cường đáng kể khả năng nhận biết tình huống cho các chiến đấu cơ Israel trong tương lai.
Rõ ràng, các công nghệ từ hệ thống David’s Sling có thể giúp Israel tìm được giải pháp hiệu quả trong kế hoạch hiện đại hóa năng lực tác chiến không đối không. Tất nhiên, điều này cũng sẽ còn phải phụ thuộc vào sự hợp tác của Raytheon vì xuất khẩu dòng tên lửa như thế này sẽ cần tới sự chấp thuận từ phía Mỹ.
Israel thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa David's Sling tháng 3/2015