Những ngày gần đây truyền thông quốc tế liên tục đăng tải thông tin về việc một quả tên lửa đánh chặn Stunner thuộc hệ thống phòng thủ tầm trung David Sling của Israel đã bị rơi xuống lãnh thổ Syria và gần như vẫn còn nguyên vẹn.
Các bản tin báo chí cũng cho biết chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thu giữ được nó và chuyển giao cho Moscow để "nghiên cứu" và "giải mã công nghệ".
Stunner thuộc dòng tên lửa tối tân nhất hiện nay và những công nghệ chế tạo nó được đánh giá là tiên tiến hơn bất cứ tên lửa nào hiện có trên Trái Đất.
Bởi vậy, thông tin cho rằng Nga có thể đã nắm bắt được những công nghệ lõi đầy giá trị của quả tên lửa này thực sự là một mối lo ngại lớn đối với Israel. Với Moscow, những hệ thống tên lửa đất đối không luôn có tầm quan trọng chiến lược và cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu thành không nhất của Nga sang cả các nước đồng minh và đối thủ.
Gần một năm rưỡi trước đây, tờ Jerusalem Post đưa tin 2 quả tên lửa Stunner đã được các hệ thống phòng không Israel phóng lên để đánh chặn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn OTR-21 Tochka (hay SS-21 Scarab theo mã định danh của NATO) được bắn đi từ phía Tây Syria, trước lo ngại nó có thể rơi xuống vùng lãnh thổ Israel gần Biển Galilee.
Tên lửa Stunner rời bệ phóng
Các tên lửa đạn đạo do Nga chế tạo này được Quân đội Chính phủ Syria sử dụng để tấn công các vị trí của phiến quân trong khu vực. Sau khi các tên lửa đánh chặn Stunner rời bệ phóng thì các trắc thủ vận hành hệ thống David Sling mới nhận ra rằng quả tên lửa đạn đạo của Syria không đe dọa tới Israel nên đã lệnh cho tên lửa tự phá hủy.
Tuy nhiên, chỉ có một tên lửa thực hiện được lệnh điều khiển này còn quả kia đã rơi sang lãnh thổ Syria. Đây là lần đầu tiên hệ thống phòng không David Sling được sử dụng tác chiến và cho tới gần đây vẫn chưa có một thông tin nào được công bố về quả tên lửa sai sót đó.
Thế rồi các hãng tin Sina của Trung Quốc, Haaretz của Israel, Asia Times và nhiều kênh truyền thông khác đều đồng loạt đưa tin quả tên lửa đã được lực lượng quân sự Syria thu hồi nguyên vẹn rồi chuyển giao lại cho Nga.
Stunner được hãng chế tạo tên lửa Raytheon của Mỹ và tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rafael Israel cùng phối hợp phát triển. Tính năng độc đáo nhất của Stunner chính là khả năng định vị mục tiêu ở cả hai chế độ. Chiếc mũi "cá Heo" của nó tích hợp cả đầu dò hồng ngoại và radar mảng pha quét điện tử chủ động sóng mét.
Israel thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa David's Sling tháng 3/2015
Đặc điểm này khiến Stunner trở thành vũ khí rất khó bị chế áp hoặc đánh lừa và có độ tin cậy cao hơn về khả năng đánh chặn dù bất kể mục tiêu đó là gì, từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho tới các tên lửa hành trình tàng hình.
Ngoài đầu do 2 chế độ tân tiến, tên lửa còn được tích hợp các hệ thống thu nhỏ tinh vi, trong đó có cả hệ thống kết nối dữ liệu liên kết với các tổ hợp David Sling cùng nhiều hệ thống cảm biến khác.
Tên lửa cũng đặc biệt có tính cơ động cao do được trang bị hệ thống động cơ tiên tiến và ứng dụng công nghệ tấn công phá hủy (hit-to-kill), đồng nghĩa với việc nó sẽ không mang theo đầu đạn truyền thống mà lao thẳng vào mục tiêu đối phương. Thiết kế này giúp Stunner nhẹ hơn, cơ động hơn và tấn công chính xác hơn các dòng tên lửa mang đầu nổ truyền thống khác.
Vì vậy, Nga sẽ vô cùng hào hứng nếu sở hữu trong tay công nghệ của Stunner, thậm chí ngay cả khi ở dạng đã bị hư hại.
Cho tới nay, các lực lượng phòng thủ Israel vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào về những thông tin liên quan tới Stunner.
Sẽ không quá bất ngờ nếu như cuối cùng Nga cũng trao trả lại tên lửa cho Israel vì Tel Aviv và Mỹ được cho là đã đề nghị việc này cách đây không lâu. Thế nhưng khi đó, cái gì cần khai thác thì Nga, có lẽ, cũng đã khai thác hết rồi!