Hải quân Nga trả giá đắt: Động vào Crimea và Ukraine - Hậu quả khôn lường!

Trung Phạm |

Truyền thông Nga hết lời ca ngợi tàu hộ vệ Aldar Tsydenzhapov mới được hạ thủy nhưng họ đã bỏ qua 3 vấn đề nghiêm trọng gắn liền với con tàu này cũng như lực lượng hải quân Nga.

Bước phát triển "đột phá" hay tinh thần lạc quan thái quá?

Ngày 21/10/2019, các nhà máy đóng tàu hải quân Nga đã cho hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa Aldar Tsydenzhapov thuộc Dự án 20380. Đây là một phần trong kế hoạch đóng các tàu chiến thế hệ mới nhằm thay thế cho các tàu đã có tuổi từ thời Liên Xô nhưng hiện vẫn đang được Quân đội Nga tin dùng.

Đưa tin về sự kiện này, hầu hết các phương tiện truyền thông ở Moscow đều không tiếc lời ca ngợi Tsydenzhapov, coi đó như một "bước phát triển đột phá" và cho rằng hải quân phương Tây không thể có tàu chiến cùng loại nào tương tự như thế.

Tuy nhiên, bị phủ bóng bởi tinh thần lạc quan "có phần thái quá đó" mà báo chí Nga đã bỏ qua 3 vấn đề nghiêm trọng gắn liền với con tàu này nói riêng và lực lượng hải quân Nga nói chung.

Thứ nhất, so với hầu hết các trang thiết bị quân sự khác, tàu chiến chủ lực thường có thời gian sản xuất khá dài. Điều này lại càng đặc biệt đúng với Nga khi khoảng thời gian kể từ lúc được phê duyệt kế hoạch cho tới thời điểm hải quân nước này chấp nhận đưa con tàu vào biên chế thường kéo dài hơn một thập kỷ.

Hệ quả là, Hải quân Nga đã không được tiếp nhận các tàu chiến mới nhanh như các tàu cũ bị loại biên. Trong khi đó, xét tới các kế hoạch sản xuất và những khó khăn về tài chính hiện nay, Nga khó có thể bổ sung thêm các tàu chiến mới trong thời gian sớm.

Theo thông tin được nhà phân tích quân sự Aleksandr Golts đưa ra hồi tháng 9/2019 thì "cách đây 2 năm, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng hải quân của họ sẽ có trong biên chế 35 tàu chiến mới trong vòng 2 năm tới". Thế nhưng khi đó Hải quân Nga cũng mới chỉ tiếp nhận có 25 chiếc.

Những cắt giảm chi tiêu quân sự mà Tổng thống Vladimir Putin mới tuyên bố gần đây có thể còn tác động nghiêm trọng hơn tới hoạt động mua sắm của Hải quân Nga so với lực lượng mặt đất.

Hải quân Nga trả giá đắt: Động vào Crimea và Ukraine - Hậu quả khôn lường! - Ảnh 1.

Aldar Tsydenzhapov, tàu hộ vệ lớp Steregushchiy (Dự án 20380) đang tồn tại rất nhiều vấn đề hạn chế. Ảnh: Sputnik

Thứ hai, Nga không những chưa tiếp nhận được các tàu chiến mới như Moscow tuyên bố mà nhiều tàu trong số này, cũng giống như các hệ thống vũ khí khác của Nga nói chung, dù chưa được thử nghiệm kỹ lưỡng nhưng vẫn được chấp nhận đưa vào biên chế.

Vấn đề này thể hiện rõ qua những gì diễn ra ở Syria, nơi nhiều hệ thống vũ khí của Nga đã thất bại hoặc phải loại bỏ hoàn toàn, hoặc phải chuyển về hậu phương vì những sai sót nghiêm trọng giống như số phận hẩm hiu của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Thứ ba, và có lẽ cũng là vấn đề nghiêm trọng nhất, các tàu chiến mới xuất xưởng thường gặp phải những hạn chế rất lớn. Nguyên nhân một phần nảy sinh từ chính các nhà máy đóng tàu Nga khi họ thiếu nguồn nhân lực và thiết bị cần thiết để sản xuất các tàu chiến hiện đại đáp ứng tốc độ mà Moscow mong muốn.

Một vấn đề khác nữa xuất phải từ thực tế rất nhiều hệ thống tối quan trọng trang bị cho các mẫu tàu mới này phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây sau sự kiện Nga xâm phạm Ukraine và sáp nhập Crimea năm 2014.

Hải quân Nga trả giá đắt: Động vào Crimea và Ukraine - Hậu quả khôn lường! - Ảnh 2.

Sovershenny dự kiến sẽ được chuyển giao cho Hạm đội Thái Bình Dương. Ảnh: Sputnik

Phớt lờ khuyết điểm chỉ để làm hài lòng TT Putin?

Theo chuyên gia phân tích quân sự Aleksandr Kovalenko ở Kyiv, đây là vấn đề của tất cả các tàu hải quân Nga hạ thủy trong suốt 5 năm vừa qua, trong đó Tsydenzhapov là một ví dụ điển hình.

Aleksandr Kovalenko cho rằng, trong số những hệ thống chủ chốt khiến Tsydenzhapov không thể hoạt động đầy đủ theo chức năng có đài thủy âm Zarya-2, do bị thiếu các bộ xử lý thuật số (DSP) mà các công ty Mỹ không thể bán cho Nga vì các lệnh trừng phạt.

Để đáp ứng các mục tiêu mở rộng lực lượng của Tổng thống Putin, các nhà máy đóng tàu và tư lệnh hải quân Nga đã phải sản xuất và chấp nhận đưa vào sử dụng các tàu chiến chưa có khả năng hoàn thành đầy đủ chức năng của mình.

Những tàu hải quân mới này nhìn thì có vẻ khá "hoành tráng" trên biển nhưng chúng lại thiếu các thiết bị điện tử cần thiết cho chiến tranh hiện đại. Theo Kovalenko, tình trạng này cho thấy văn hóa sản xuất cực thấp và các vấn đề kỹ thuật tiềm ẩn của Nga.

Hải quân Nga trả giá đắt: Động vào Crimea và Ukraine - Hậu quả khôn lường! - Ảnh 3.

Đô đốc Kuznetsov được xem là tàu sân bay duy nhất còn có thể hoạt động của Hải quân Nga. Ảnh:

Moscow vẫn chưa thể phát triển được các thiết bị nhập khẩu thay thế đảm bảo chất lượng và kịp thời. Bên cạnh đó, vấn đề còn bộc lộ thái độ thiếu trách nhiệm của hải quân Nga khi "nhắm mắt chấp nhận" những lỗi kỹ thuật đáng báo động chỉ để làm hài lòng Tổng thống Putin.

Giới phân tích Nga cho rằng, các vấn đề gắn với chương trình phát triển hạm đội tàu chiến mới không chỉ giới hạn ở việc bị phương Tây cấm vận.

Viết trên tạp chí Armeiskii Vestnik, Ilya Legat đã chỉ ra rằng trên thực tế những trở ngại này cho thấy những kế hoạch trước đây của Nga phải phụ thuộc vào việc mua sắm các hệ thống vũ khí và toàn bộ tàu từ phương Tây, chẳng hạn như tàu tấn công đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp, thay vì tự sản xuất nội địa.

Một số vấn đề khác hoàn toàn gắn liền với những yếu kém trong chính ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Chuyên gia Ilya Legat lập luận, Liên Xô trước đây đã gần như chẳng đưa ra định hướng gì cho việc đóng các thế hệ tàu chiến mới đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Trong khi đó, những người lập kế hoạch ở Nga lại cũng chẳng làm gì nhiều ngoài việc tiếp tục thực hiện theo những người tiền nhiệm, do vậy đã đẩy hải quân Nga tụt hậu sâu hơn.

Những vấn đề này, đến lượt chúng, lại càng trở nên nghiêm trọng khi các tàu chiến từ thời Liên Xô bắt đầu già cỗi và các xưởng đóng tàu Nga đã không phát triển kịp để có thể lãnh trách nhiệm sửa chữa các tàu hiện có cũng như đóng mới.

Hậu quả là, ít nhất trong một thập kỷ tới, hạm đội tàu chiến Hải quân Nga sẽ vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng những mục tiêu đặt ra của Tổng thống Vladimir Putin như những gì ông tuyên bố.

Hải quân Nga vẫn có thể thực thi được nhiều sứ mệnh nhưng lực lượng này sẽ chưa hoặc không thể sớm hội tụ được các khả năng vươn xa ngoài biển khơi mà Liên Xô có thời từng mong mỏi.

Video cuộc tập trận của tàu chiến Nga trên biển Bering.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại