Tướng không quân Mỹ hé lộ dàn máy bay tuần tra Biển Đông, "dằn mặt" Trung Quốc

Minh Thu |

​Không quân Mỹ đã cho điều động các máy bay và nhiều khí tài khác thực hiện sứ mệnh tự do hàng không ở Biển Đông nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý từ Trung Quốc.

Hôm 8/12, Philstar dẫn lời Chỉ huy Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, Tướng Charles Brown cho biết các hoạt động tự do hàng không trên Biển Đông được tiến hành song song với các cuộc tuần tra trên biển (FONOPS) nhằm bảo đảm sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Chúng tôi đã bay ra và bay vào Biển Đông trong suốt 15 năm qua, chúng tôi tiếp tục làm vậy trong tuần này. Thực ra không có gì đáng chú ý khi nhắc tới tự do hàng hải và môi trường biển, nhưng bây giờ Trung Quốc lại gọi cho chúng tôi vì chuyện này”, Tướng Brown nói.

Cũng theo ông Brown, không quân Mỹ đã cho triển khai các máy bay ném bom, máy bay trinh sát tầm cao U-2, máy bay giám sát P-3 Orion và P-8 Poseidon cùng máy bay không người lái RQ-4 tới Biển Đông.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng David Goldfien từng cho biết so với thời điểm năm 1991, dù không quân Mỹ đã cho cắt giảm số lượng binh sĩ và khí tài triển khai, nhưng tầm nhìn của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương không hề thay đổi.

Ông Goldfien nhấn mạnh, dù số lượng binh sĩ và khí tài đã bị cắt giảm ở khu vực châu Âu, nhưng sự hiện diện của không quân Mỹ ở Thái Bình Dương ngày càng ổn định. Bởi đây là khu vực nằm trong trọng tâm ưu tiên số 1 trong Chiến lược Quốc phòng quốc gia Mỹ.

Liên quan tới chuyến thăm tới Philippines mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Thomas Esper, Tướng Brown cho biết các cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tập trung vào “Hiệp ước Hợp tác quốc phòng tăng cường” (EDCA) giữa hai nước.

Ông Brown cho hay, EDCA là một hiệp ước mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Philippines, trong bối cảnh không quân Mỹ muốn xây dựng thêm các sân bay nhằm hỗ trợ chính phủ Philippines tiến hành hoạt động cứu trợ nhân đạo và đối phó với thảm họa.

“Đây thực sự không phải là cuộc thảo luận về việc quân đội Mỹ hiện diện hay tăng cường sự hiện diện ở Philippines. Đây là cuộc thảo luận về phương thức chúng tôi có thể cho xây dựng các sân bay nhằm hỗ trợ Philippines mà cụ thể là không quân Philippines tiến hành hoạt động cứu trợ nhân đạo và đối phó với thảm họa”, ông Brown chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại