Libya đã trở thành một mục tiêu khác trong chiến dịch chinh phục ngoại giao và quân sự của Nga ở Trung Đông và châu Phi, bao gồm các hợp đồng cung cấp máy bay và nhà máy điện hạt nhân cho Ai Cập, thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn dầu với Thổ Nhĩ và hỗ trợ cho chính quyền hợp pháp ở Venezuela. Ở châu Phi, Nga cũng đã ký hợp đồng cung cấp vũ khí cho hơn 20 quốc gia.
Sự trung lập của Nga
Chiến lược của Nga không chỉ củng cố sự hiện diện ở các khu vực mà Mỹ rút lui, chẳng hạn như Syria, mà còn cố gắng ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, điều này nên đòn bẩy về kinh tế bên cạnh đòn bẩy ngoại giao.
Sự tham gia của Nga vào Libya cũng được dựa trên nền tảng tương tự như ở Syria và Châu Phi. Libya là một quốc gia giàu dầu mỏ, trong khi tình hình chính trị không ổn định, bị nhiều thế lực nước ngoài chi phối. Nga sẵn sàng trở thành một trong những cường quốc bảo trợ cho Libya để đổi lấy những lợi ích cần thiết, theo Haaretz.
Mỹ từ lâu đã tránh xa Libya, một trong những quốc gia mà Tổng thống Trump từng mô tả là chẳng có gì ngoài "cát và cái chết", giống như ông từng nói về Syria.
Vai trò trung gian hòa giải chính trị và quân sự của Mỹ đã được Liên Hợp Quốc và một số nước châu Âu đảm nhận, đặc biệt là Pháp và Italia, nhưng nỗ lực ngoại giao của họ không thể hiện được nhiều.
Vào tháng 4, tướng Haftar, người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya đã phát động một chiến dịch quân sự để chiếm thủ đô Tripoli, với sự hỗ trợ của Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Gần đây, Libya đã trở thành chiến trường cho một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ ở một bên và bên kia là Ai Cập và UAE.
Về phần mình, Nga vẫn được biết đến là quốc gia thể hiện sự trung lập. Trên thực tế, Tổng thống Putin đã từng gặp Thủ tướng Sarraj, thể hiện rõ sự ủng hộ của ông với chính phủ được quốc tế công nhận của Libya.
Nhưng ông cũng bắt tay và trò chuyện thân mật với các nhà ngoại giao ở Benghazi, thể hiện sự ủng hộ của ông dành cho tướng Haftar, người cũng thường xuyên đến thăm Moscow.
Hiện tại, Nga đang mở rộng vòng tay tới Libya, trong khi Washington vốn im ắng thời gian qua cũng đã bắt đầu có các động thái. Các quan chức Mỹ đã gặp tướng Haftar và yêu cầu ông từ bỏ việc nỗ lực chiếm lấy Tripoli và hòa giải với chính phủ của Thủ tướng al-Sarraj.
Về phần mình, Moscow chỉ lên tiếng kêu gọi hai bên giảm căng thẳng mà không lên tiếng chỉ trích bất kỳ bên nào, đồng thời ngăn chặn nghị quyết phản đối của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với cuộc tiến công của tướng Haftar.
Không rõ chính quyền Mỹ có thể trao đổi gì với tướng Haftar để có được nhượng bộ, khi lực lượng quân sự của ông mạnh hơn chính quyền Libya, trong khi có sự hậu thuẫn của nhiều thế lực.
Ngoài các nỗ lực thuyết phục của Mỹ, Quốc hội Mỹ đang thảo luận về một số biện pháp trừng phạt cũng như một chương trình viện trợ cho chính phủ của al-Sarraj. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là liệu những động thái này có thể thay đổi lập trường của tướng Haftar hay thu hẹp sự hiện diện của Nga hay không.
Các nhà phân tích cho rằng, rõ ràng Nga đang cẩn trọng chờ đợi tình hình thay vì công khai đứng lên hậu thuẫn cho một thế lực ở Libya, đặc biệt khi cuộc chiến đang trở nên phức tạp với sự tham gia của các đối tác của Moscow.
Đối đầu với Ankara
Nga-Thổ đang trở thành đối thủ ở Libya.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã tham gia vào cuộc cạnh tranh ở Libya. Tuy nhiên, nước này lại hỗ trợ cho chính quyền Thủ tướng al-Sarraj với các hợp đồng mua bán vũ khí.
Quan trọng hơn, hai quốc gia đã đồng ý phân định biên giới kinh tế hàng hải. Thỏa thuận này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò và sản xuất dầu khí trong một khu vực rộng lớn và tính phí quá cảnh cho bất kỳ nỗ lực vận chuyển dầu nào đi qua đây.
Thỏa thuận được cho là xâm phạm lợi ích của Ai Cập, Israel, Hy Lạp và Síp. Các nước sẽ phải đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về các khoản thanh toán tiền cho các ống dẫn khí đi qua lãnh thổ.
Hy Lạp và Ai Cập đã tuyên bố thỏa thuận này là bất hợp pháp và họ không có ý định công nhận nó. Nhưng về mặt pháp lý có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ đang có nền tảng vững chắc.
Tuy nhiên, thỏa thuận bán vũ khí cho Libya đang đẩy mạnh các bước đi của Nga. Từ giờ Nga sẽ coi Thổ Nhĩ Kỳ là đối thủ về ảnh hưởng ở Libya.
Nga dường như có đòn bẩy ngoại giao chống lại Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Về mặt lý thuyết, Nga có thể phản đối sự hiện diện liên tục của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và thậm chí hành động để khiến nước này rút lực lượng và ngừng chiến đấu với người Kurd.
Nhưng Nga cần sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria để vượt qua lực lượng phiến quân vũ trang ở khu vực Idlib mà không phải tiến hành một cuộc chiến toàn diện. Nga cũng không muốn đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi sau nước này công khai đối đầu với Mỹ và vừa có hợp đồng mua S-400.
Với việc Libya chia làm hai, với tiềm lực giữa hai bên không chênh lệch nhau quá nhiều, bất cứ thế lực nước ngoài nào có thể đảm bảo sự hỗ trợ quân sự cho một trong các bên, chiến thắng được cho là tất yếu và nước đó sẽ có được lợi nhuận khổng lồ.
Không đứng ngoài cuộc, Nga đã xác định tiềm năng ở Libya và tiến về đây với những tính toán lợi ích.