8 "kẻ thống trị trên không" của Mỹ sắp ra bãi rác: 30 tỷ USD có đáng?

Hoài Giang |

Ít nhất 8 loại máy bay được cho là đã bị đặt trong "tầm ngắm" và "chờ ngày ra bãi phế liệu" để lấy tiền duy trì hoạt động phân bổ cho các dự án khác.

Việc hiện đại hóa trước các thách thức trên thế giới đối với các Lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ được cho là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện tại.

Mới đây, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng 4 sao David Goldfein đã nêu ra quan điểm  tái phân bổ ngân sách lực lượng (khoảng 30 tỷ USD) để tài trợ cho các chương trình kết nối thông tin quân sự, chiến tranh ngoài không gian và tăng cường khả năng hậu cần từ năm 2021.

8 kẻ thống trị trên không của Mỹ sắp ra bãi rác: 30 tỷ USD có đáng? - Ảnh 1.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein bay thử nghiệm máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas của Ấn Độ.

Với câu hỏi là số tiền 30 tỷ USD này sẽ lấy từ đâu, nhà phân tích Todd Harrison của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) bình luận:

"Chỉ có một cách duy nhất đó là loại bỏ những thứ cũ để nhường chỗ cho cái mới. Mặc dù loại biên máy bay không phải là cách duy nhất để huy động 30 tỷ USD, nhưng đây vẫn là cách nhanh nhất để đạt được điều đó.

Hơn thế nữa, một số loại máy bay được sản xuất cho các nhiệm vụ đã lỗi thời, một số máy bay khác hiện đang có các "đàn em" mới hơn và ít nhất một chiếc thậm chí không thể bay do ràng buộc bởi hiệp ước giải trừ quân bị".

Vậy những máy bay nào của Mỹ đang "chờ ngày ra bãi phế liệu" để ngân sách duy trì hoạt động của chúng được phân bổ? Theo quan sát của các nhà phân tích Hoa Kỳ, ít nhất 8 máy bay dưới đây được cho là đã bị đặt trong "tầm ngắm".

1. Máy bay ném bom hạng nặng chiến lược siêu thanh B-1B Lancer

8 kẻ thống trị trên không của Mỹ sắp ra bãi rác: 30 tỷ USD có đáng? - Ảnh 2.

Hai chiếc B-1B Lancer trên bầu trời Biển Đông.

Nay đã 32 "tuổi quân", máy bay ném bom hạng nặng chiến lược siêu thanh B-1B Lancer đang phải vật lộn với tỷ lệ 50% máy bay sẵn sàng chiến đấu.

Được thiết kế như một phương tiện phóng vũ khí hạt nhân, máy bay ném bom có tốc độ nhanh nhất của Không quân Mỹ (Mach 1,25) hiện tại đã bị "trói tay" sau Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START I năm 1994.

B-1B Lancer đã được lên kế hoạch loại biên vào thập niên 2030, nhưng nếu chúng được "nghỉ hưu" ngay vào thời điểm hiện tại sẽ giúp Không quân Mỹ tiết kiệm số tiền duy trì hoạt động lên đến 4,8 tỷ USD.

2. Máy bay ném bom hạng nặng chiến lược tàng hình B-2 Spirit

8 kẻ thống trị trên không của Mỹ sắp ra bãi rác: 30 tỷ USD có đáng? - Ảnh 3.

Máy bay B-2 Spirit thả bom bom xuyên phá khổng lồ có điều khiển GBU-57A/B.

Một ứng cử viên khác cũng đã được lên kế hoạch loại biên vào những năm 2030 là máy bay ném bom hạng nặng chiến lược tàng hình B-2 Spirit có tỉ lệ 61% máy bay sẵn sàng chiến đấu.

Mặc dù tỉ lệ nói trên cao hơn B-1B Lancer, nhưng B-2 đã có một "ứng cử viên" thay thế là B-21 Raider được lên kế hoạch sản xuất hàng loạt vào cuối những năm 2020. Việc loại biên B-2 được cho là có thể tiết kiệm tới 2,9 tỷ USD chi phí hoạt động cho Không quân Mỹ.

3. Cường kích A-10 Thunderbolt II

8 kẻ thống trị trên không của Mỹ sắp ra bãi rác: 30 tỷ USD có đáng? - Ảnh 4.

Một chiếc A-10 Thunderbolt II cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa pháo sáng trong một phi vụ vào năm 2017.

281 chiếc A-10 Thunderbolt II với biệt hiệu Warthog (Lợn lòi) hiện là máy bay yểm trợ đường không chính của Không quân Mỹ, tỉ lệ sẵn sàng chiến đấu của chúng hiện ở mức 73%.

Mặc dù trung bình máy bay A-10 trong Không quân Mỹ đã có 38 "tuổi quân", nhưng chúng vẫn tiếp tục được tin dùng (đặc biệt là do các phản hồi tích cực của binh lính trên mặt đất) và đã được thay thế những đôi cánh mới để tiếp tục tham chiến.

A-10 cũng là một loại máy bay có thể sử dụng nhiều loại vũ khí bao gồm pháo tự động, rocket, bom quán tính, bom dẫn đường bằng laser, tên lửa không đối đất, tên lửa không đối không...

Tuy nhiên, việc Lợn lòi bị loại biên có thể tiết kiệm cho Không quân Mỹ tới 6,7 tỷ USD chi phí hoạt động.

4. Máy bay tiếp dầu KC-10 Extender

8 kẻ thống trị trên không của Mỹ sắp ra bãi rác: 30 tỷ USD có đáng? - Ảnh 6.

Một chiếc KC-10 Extender tiếp dầu cho tiêm kích tàng hình F-22 Raptor.

Nếu loại biên 59 máy bay chở dầu hạng nặng KC-10 Extender trước thời điểm được lên kế hoạch vào năm 2024, Không quân Hoa Kỳ sẽ tiết kiệm được 2 tỷ USD.

Tuy nhiên lựa chọn này khó có khả năng xảy ra, vì những chiếc Boeing KC-46 Pegasus được lên kế hoạch để thay thế KC-10 Extender vẫn chưa đủ số lượng để gánh vác nhiệm vụ của "người tiền nhiệm".

5. Máy bay trinh sát RC-135V/W

8 kẻ thống trị trên không của Mỹ sắp ra bãi rác: 30 tỷ USD có đáng? - Ảnh 7.

RC-135V/W đã được sử dụng để trinh sát Iran trong cuộc khủng hoảng liên quan tới các thủy quân Mỹ bị Iran bắt năm 2016.

Máy bay trinh sát RC-135V/W đã hơn 56 tuổi nhưng vẫn đang tiếp tục phục vụ Không quân Mỹ trong một vị trí chưa thể thay thế.

Chỉ khi chương trình Hệ thống quản lý chiến trường tiên tiến (ABMS) được phát triển nhằm thay thế RC-135V/W hoàn thiện, nó mới được "nghỉ hưu".

Tuy vậy, nếu loại biên RC-135V/W trước năm 2023, thời điểm đã được Không quân Mỹ lên kế hoạch, họ sẽ tiết kiệm được số tiền 3,5 tỷ USD chi phí vận hành.

6. Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) E-3 Sentry

8 kẻ thống trị trên không của Mỹ sắp ra bãi rác: 30 tỷ USD có đáng? - Ảnh 8.

Một chiếc E3-Sentry.

Những chiếc máy bay trinh sát 39 tuổi này chỉ có thể duy trì mức 66% sẵn sàng chiến đấu và đang được hiện đại hóa.

Nếu Không quân Mỹ từ bỏ việc hiện đại hóa chúng trước năm 2023, "cái chết" của E-3 Sentry có thể đem lại cho họ 5 tỷ USD.

7. Máy bay trinh sát tầm cao U-2 "Dragon Lady"

8 kẻ thống trị trên không của Mỹ sắp ra bãi rác: 30 tỷ USD có đáng? - Ảnh 9.

Một máy bay trinh sát U-2 "Dragon Lady".

Máy bay trinh sát có 37 năm phục vụ với lịch sử rơi khắp thế giới (chiếc đầu tiên bị Liên Xô bắn hạ năm 1960, chiếc thứ hai bị bắn hạ vào năm 1962 tại Cuba và chiếc thứ ba rơi ở Việt Nam năm 1966).

Nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát (ISR) của Không quân Mỹ có thể dựa vào máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk sau khi loại bỏ những chiếc U-2. Nếu triển khai sớm, quá trình này sẽ tiết kiệm khoảng 2 tỷ USD cho Không quân Mỹ.

8. Máy bay giám sát và chỉ huy mặt đất E-8C JSTARS

8 kẻ thống trị trên không của Mỹ sắp ra bãi rác: 30 tỷ USD có đáng? - Ảnh 10.

Một chiếc E-8C JSTARS.

Một đối tượng khác đang chờ đợi Không quân Mỹ thay thế bởi Hệ thống quản lý chiến trường tiên tiến (ABMS)  sau RC-135V/W là 16 máy bay E-8C JSTARS.

Hiện nay chúng vẫn chưa được lên kế hoạch loại biên, nhưng nếu loại bỏ các máy bay này ngay bây giờ, Không quân Mỹ sẽ tiết kiệm được số tiền lên tới 2,7 tỷ đô la USD chi phí vận hành.

Nhân viên kỹ thuật Mỹ kiểm tra lần cuối trước khi những chiếc B-1B Lancer xuất kích trong cuộc tập kích Syria năm 2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại