Nga cấp tốc đưa tên lửa S-300 tới biên giới với Afghanistan: Sẵn sàng cho mọi điều bất ngờ

Bảo Lam |

Sớm hay muộn thì những phần tử khủng bố tại Afghanistan cũng sẽ sở hữu các loại UAV tấn công tự chế có khả năng gây ra những thiệt hại đáng kể cho Quân đội Nga ở Tajikistan.

Tình thế nguy cấp, Nga mở kho tên lửa chiến lược

Thông báo cuối tháng 10 của cơ quan báo chí thuộc Quân khu Trung tâm Nga cho biết, một đơn vị tên lửa phòng không S-300PS vừa được triển khai tới căn cứ quân sự số 201 của Quân đội Nga tại Tajikistan, nhằm tăng cường khả năng phòng không của căn cứ này, cũng như giúp đồng minh của Moscow bảo vệ không phận dọc khu vực biên giới với Afghanistan.

Dựa trên tuyên bố trên của Quân đội Nga, nhiều khả năng tổ hợp S-300PS trên sẽ được tích hợp vào hệ thống phòng không chung của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) mà Tajikistan là một trong những quốc gia thành viên. Đây là động thái cho thấy Moscow muốn tăng cường tiềm lực quân sự cho các nước đồng minh thuộc CSTO.

Ngoài ra, theo ý kiến của một số nhà phân tích, bằng cách này Quân đội Nga sẽ tăng cường khả năng phòng không của căn cứ 201 trước những mối đe doạ khủng bố tại khu vực biên giới giữa Tajikistan và Afghanistan đang có dấu hiệu gia tăng từng ngày.

Nga cấp tốc đưa tên lửa S-300 tới biên giới với Afghanistan: Sẵn sàng cho mọi điều bất ngờ - Ảnh 1.

Các xe phóng di động thuộc hệ thống phòng không S-300PS được chuyển đến Tadzikistan bằng đường sắt. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Được biết, tổ hợp S-300PS tại căn cứ 201 vẫn đang trong quá trình triển khai, dự kiến hệ thống phòng không này sẽ chính thức đi vào hoạt động trước cuối năm nay.

Cơ quan báo chí của Quân khu Trung tâm cũng tiết lộ, tổ hợp S-300PS được chuyển đến Tajikistan không nằm trong biên chế lực lượng phòng không hiện có của Quân đội Nga mà được lấy ra từ kho dữ trự chiến lược tại Povolzye.

Quân đội Nga bắt đầu triển khai quân tới Tajikistan từ năm 2004 với các căn cứ quân sự tại Dushanbe và Kurgan-Tyube được gọi chung là căn cứ quân sự số 201. Bản thân căn cứ 201 thuộc sự quản lý của Quân khu Trung tâm.

Theo những thông tin mở trước đây, Quân đội Nga đã đưa tới căn cứ 201 khá nhiều khí tài quân sự hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép, xe chiến đấu bộ binh, các tổ hợp pháo, pháo phản lực phóng loạt, trực thăng vũ trang và UAV nhưng lại thiếu vắng các tổ hợp phòng không.

Dựa trên thỏa thuận giữa Moscow và Dushanbe, Quân đội Nga sẽ duy trì sự hiện diện tại Tajikistan đến năm 2042.

S-300PS là một trong những tổ hợp phòng không chủ lực của Quân đội Nga bên cạnh tổ hợp phòng không hiện đại S-400, nó có nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở hành chính, công nghiệp và quân sự quan trọng. Tên lửa S-300PS có khả năng đánh chặn các mối đe dọa từ trên không từ tầm trung cho tới tầm xa như tên lửa hành trình và đạn đạo với tầm bắn hiệu quả lên tới 150km.

Sẵn sàng cho mọi điều bất ngờ

Trả lời phỏng vấn RT về sự hiện diện của S-300PS tại Tajikistan, cựu Đại tá - Quân đội Nga Mikhail Khodarenok nhận xét, S-300PS không phải là hệ thống phòng không tốt nhất nhưng nó vẫn đáp ứng được các yêu cầu phòng thủ cho các căn cứ quân sự của Nga tại Tadzikistan.

"S-300PS không phải là vũ khí mới, tuy nhiên, nó hoàn toàn có khả năng thực hiện tốt vai trò phòng không tầm xa của mình. Căn cứ 201 cần tới một hệ thống phòng không như S-300PS và quyết định cử nó tới đây là hợp lý. Tôi phỏng đoán rằng S-300PS sẽ được tích hợp vào hệ thống phòng không tập thể của CSTO hiện có tại Tajikistan," ông Khodarenok nói.

Nga cấp tốc đưa tên lửa S-300 tới biên giới với Afghanistan: Sẵn sàng cho mọi điều bất ngờ - Ảnh 3.

Dù không quá hiện đại nhưng S-300PS vẫn có thể giúp Quân đội Nga bảo vệ các căn cứ ở Tajikistan. Ảnh: Sputnik.

Phóng viên của Tạp chí quân sự "Kho vũ khí tổ quốc" Dmitri Drozdenko cũng đồng ý kiến. Trong bình luận gửi RT, ông lưu ý rằng việc đưa S-300PS tới Tajikistan nhằm mục đích tăng cường khả năng của hệ thống phòng không của Moscow ở khu vực Trung Á.

"S-300PS có tất cả những tính năng kỹ chiến thuật cần thiết để tăng cường sức mạnh của cho hệ thống phòng không tập thể của CSTO. Việc triển khai tổ hợp này giúp Nga tăng cường đáng kể khả năng giám sát không phận trong khu vực bảo đảm an ninh cho căn cứ 201 cũng như Tajikistan nói chung", ông Drozdenko phân tích.

Trong cuộc nói chuyện với RT, chuyên gia quân sự Yury Knutov phỏng đoán rằng việc đưa S-300PS tới Tajikistan liên quan tới hoạt động khủng bố đang gia tăng tại Afghanistan. Theo ý kiến của ông, căn cứ 201 có thể được xem là "lá chắn" bảo vệ nước Nga từ xa.

"Mối nguy hiểm chính hiện nay xuất phát từ Afghanistan, quốc gia Tajikistan có đường biên giới chung. Tại quốc gia này, các tổ chức khủng bố cực đoan hoạt động công khai, bao gồm cả những phần tử khủng bố IS mối đe dọa chính tới an ninh quốc gia của Nga trong những năm gần đây", ông Knutov.

Lá chắn bảo vệ nước Nga từ xa

Theo dữ liệu của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), sau khi thất bại tại Syria và Iraq, các tổ chức khủng bố quốc tế đang dần di chuyển tới Afghanistan. Cụ thể, một nhánh của phiến quân IS là "Wilayat Khorasan" đang phát triển rất mạnh tại quốc gia Trung Á này.

Tại cuộc họp báo hồi tháng 9 vừa qua, người đứng đầu Hội đồng tham mưu thống nhất của CSTO, Đại tướng Anatoly Sidorov tuyên bố rằng, tại Afghanistan có khoảng gần 4 nghìn phần tử theo IS. Ngoài ra, các phiến quân Taliban cũng là mối hiểm hoạ nghiêm trọng. Trong hàng ngũ của tổ chức Hồi giáo cực đoan này có khoảng 11 nghìn phần tử khủng bố.

Nga cấp tốc đưa tên lửa S-300 tới biên giới với Afghanistan: Sẵn sàng cho mọi điều bất ngờ - Ảnh 4.

Moscow lo ngại căn cứ ở Tajikistan sẽ bị tấn công bằng UAV như ở Syria. Ảnh: Sputnik.

Ông Yury Knutov quan ngại rằng những phần tử khủng bố có thể vận hành hoạt động sản xuất các phương tiện tấn công từ trên không và bằng tên lửa hoặc có được những vũ khí này từ hoạt động buôn lậu.

"Sớm hay muộn thì những phần tử khủng bố tại Afghanistan cũng sẽ sở hữu các loại UAV tấn công tự chế và những tổ hợp tên lửa có khả năng gây ra những thiệt hại đáng kể cho các căn sứ của Nga ở Tajikistan, như những gì đang diễn ra ở Syria. Do đó Moscow cần phải sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ", Knutov bình luận.

Ông Knutov cho rằng, việc căn cứ 201 là căn cứ quân sự lớn nhất của Quân đội Nga tại Trung Á sẽ biến nó thành mục tiêu cho các phần tử khủng bố, do đó việc tăng cường các hệ thống phòng không hiện đại tới Tajikistan là hành động cần thiết.

Chuyên gia quân sự Knutov cũng dự báo rằng, các tổ hợp phòng không tầm ngắn như Tor và Pantsir-S cũng sẽ sớm nối gót S-300PS tới Tajikistan.

"Nếu như sử dụng tên lửa S-300PS để chống lại các UAV của phiến quân khủng bố sẽ là sự lãng phí. Căn cứ từ kinh nghiệm ở Syria có thể đưa ra kết luận cho rằng căn cứ 201 cần những tổ hợp phòng không tầm thấp như Pantsir-S1 và Tor-M2 vốn được sử dụng để bảo vệ căn cứ không quân Khmeimim", ông Knutov dự đoán.

Quân đội Nga thử nghiệm các hệ thống tên lửa phòng không S-400 mới

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại