Liên tục "đánh võng" với Nga...
Trong một ngày, Ankara đã cùng lúc khiến người ta nghi ngờ liên quan tới tuyên bố về lô tên lửa S-400 thứ hai và lời kêu gọi Mỹ ngồi vào bàn đàm phán về việc bán cho Thổ Nhĩ Kỳ các máy bay tiêm kích F-35.
Theo ý kiến của các chuyên gia, Tổng thống Erdogan đang dùng cách này để đùa giỡn với những bất đồng của hai nước lớn, mà vẫn khiến họ phải chấp nhận điều đó.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nghĩ tới việc lùi thời hạn tiếp nhận lô tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf thứ hai, thông tin này do lãnh đạo Ban thư ký tổ hợp công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ismail Demir đưa ra.
Theo lời của quan chức này, việc lùi thời hạn nói trên có thể liên quan tới quá trình đàm phán hoạt động chuyển giao công nghệ và phối hợp sản xuất các tổ hợp này. Bên cạnh đó, ông Demir lưu ý rằng giai đoạn bàn giao S-400 thứ hai có thể được thực hiện vào cuối năm 2020.
"Liên quan tới thời hạn bàn giao S-400 lần thứ hai, chúng tôi có kế hoạch trong năm tới. Trong lần này, khác so với giai đoạn 1, kế hoạch còn liên quan tới việc phối hợp sản xuất và chuyển giao công nghệ.
Hoạt động phối hợp sản xuất có thể thay đổi kế hoạch định sẵn chút ít, khi nó có khả năng sẽ được lùi xuống cuối năm 2020", ông Demir cho biết và bổ sung thêm rằng hiện nay giữa Moscow và Ankara đang tiếp tục diễn ra các hoạt động tư vấn kỹ thuật liên quan tới khả năng sản xuất một phần những linh kiện của S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
... và "nhùng nhằng" với Mỹ
Ngoài ra, cũng chính quan chức này trước đó, vào buổi sáng, đã tuyên bố về mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ nối lại đàm phán với Washington về việc mua các máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ.
Ông cũng bổ sung thêm rằng Ankara không đồng ý với "những tuyên bố về việc một nước không thể sở hữu đồng thời cả F-35 và S-400". "Chúng tôi không thấy bất cứ vấn đề pháp lý nào", ông Demir lưu ý, nhưng vẫn úp mở rằng Ankara tiếp tục xem xét đề nghị của Moscow bán các tiêm kích do Nga sản xuất.
Tên lửa S-400.
Xin lưu ý rằng hồi tháng 7, Mỹ đã tuyên bố về việc chấm dứt sự tham gia của Ankara vào chương trình F-35 vì Thổ Nhĩ Kỳ đã mua các tổ hợp S-400 của Nga. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cũng đã ủng hộ dự thảo các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau đó, mối quan hệ giữa Ankara và Washington thêm một lần nữa trở nên căng thẳng khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến dịch quân sự "Mùa Xuân Hoà bình" ở miền bắc Syria, tiếp đến là ký với Moscow "Thoả thuận Sochi" nhằm giải quyết tình hình trong khu vực này.
Và trong khi tại châu Âu người ta nói về sự rạn nứt bên trong khối NATO, Nga đã hoàn thành trước thời hạn việc bàn giao tất cả các linh kiện S-400 đợt 1 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Kết quả là Mỹ đã trả thù Ankara đối với cả việc mua sắm các tổ hợp S-400, lẫn thoả thuận về Syria giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách chuẩn bị các biện pháp trừng phạt đối với lãnh đạo quốc gia này và thừa nhận vụ thảm sát những người Armenia.
Điều đó đã chạm tới tâm can không chỉ của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, mà cả tầng lớp trí thức địa phương.
Nga và Mỹ đồng loạt "sập bẫy" Erdogan
Theo ý kiến của Giám đốc Hội đồng về các vấn đề quốc tế của Nga, ông Andrei Kortunov, bối cảnh này khiến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân Tổng thống Erdogan phải tìm kiếm những nhượng bộ với Washington.
"Ankara bằng những tuyên bố về S-400 và F-35 muốn chứng tỏ rằng họ không muốn làm sâu sắc thêm cuộc cãi vã với Mỹ, bởi vì điều đó sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phãi lãnh chịu các hậu quả khó lường về kinh tế và chính trị. Bởi vậy, Erdogan vẫn sẽ tìm kiếm sự nhượng bộ nào đó với Trump", ông Kortunov tuyên bố.
"Mặt khác, người Thổ đúng là vẫn muốn phối hợp sản xuất S-400 với Nga. Nhưng căn cứ vào những bình luận mà chúng ta có được từ các cơ quan chính phủ Nga – ý tưởng này khiến Moscow không hề thích thú chút nào.
Ảnh minh họa.
Thêm vào đó, các khách hàng khác còn đang phải xếp hàng dài để mua S-400, và nếu như người Thổ từ chối những hệ thống này, chúng ta sẽ tìm được người mua", chuyên gia này cho biết.
Erdogan có thể rút khỏi thoả thuận liên quan tới S-400 mà chỉ bị tổn hại chút ít về danh dự. "Nhưng hai nước này có những bất đồng, không chỉ về khí tài quân sự, mà cả về tình hình tại Syria nói chung và về người Kurd nói riêng, về mối quan hệ hợp tác bên trong NATO, và về những vấn đề kinh tế", chuyên gia nghiên cứu chính trị Kortunov lưu ý.
"Ngoài ra, tại Washington ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn những ý kiến về việc Erdogan đang trở thành một kẻ lãnh đạo độc tài. Và trong bối cảnh này, đương nhiên, mong muốn của Erdogan nối lại đàm phán về F-35 sẽ giúp ông ta có được dư địa nào đó để ứng phó", ông Kortunov cho biết.
Theo ý kiến của chuyên gia này, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ «đánh võng» giữa những lợi ích của Moscow, Washington và các nước NATO, ít nhất tới thời điểm trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, mà sẽ diễn ra vào tháng 11/2020.
«Tạm thời vẫn chưa biết được Trrump sẽ giành được thắng lợi tại cuộc bầu cử hay không. Còn nếu giành được – vẫn chưa biết chính sách nào ông ta sẽ lựa chọn trong nhiệm kỳ tiếp theo. Vì thế, phần lớn các nước, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, đang áp dụng chiến thuật nằm chờ.
Ngồi chắc giữa hai chiếc ghế là điều khó cho Erdogan. Nhưng đến cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ là điều hoàn toàn có thể», ông Kortunov cho biết.
Trong khi đó, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông và Trung Á (Nga), ông Semen Bagdasarov cho rằng Erdogan có thể đùa giỡn một cách không biết chán trên những bất đồng của Nga, Mỹ và các quốc gia NATO khác.
"Erdogan là một trong những nhà chính trị mạnh mẽ và khôn ngoan nhất của thời đại. Vì thế, tất cả sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng ông ta. Và hiện nay, ông ấy rất biết cách tận dụng những bất đồng của các cường quốc về vấn đề Syria để giải quyết những nhiệm vụ của mình", ông Bagdasarov nói.
Ngoài ra, chuyên gia này kêu gọi chính phủ Nga không nên chia sẻ với Thổ Nhĩ Kỳ những công nghệ sản xuất các tổ hợp S-400.
"Chúng ta trong quá khứ đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ rất nhiều, nhất là vào thập niên 20 và 30. Nhưng sau đó, vào thời kỳ Thế chiến thứ Hai, quân đội hàng triệu người đã ở sát biên giới của chúng ta. Vì thế ở đây cần phải hành xử cẩn trọng", ông Bagdasarov bổ sung.
Ông lưu ý rằng "Erdogan được bỏ qua nhiều thứ", bởi vì Nga quan tâm tới việc triển khai các dự án kiểu như «Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ» và xây dựng nhà máy điện nguyên tử «Akkuyu».
"Người Mỹ cũng nhìn thấy cách hành xử của Erdogan và điều đó khiến Nhà Trắng cảm thấy khó chịu. Nhưng họ phải nhắm mắt cho qua bởi vai trò và trọng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối NATO.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị đẩy khỏi liên minh này. Thứ nhất, Ankara không muốn rời khỏi đó; thứ hai, không ai muốn để Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi. Bởi vậy, tất cả sẽ còn phải chịu đựng Erdogan cho tới khi thế lực mới sẽ lên nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ", ông Bagdasarov kết luận.