Đòn bẩy S-400 biến "giấc mơ" Nga thành hiện thực: "Lùi một bước, tiến ba bước", Mỹ chưa thôi phá hoại ở Syria?

Quốc Vinh |

Cái gai lớn nhất trong kế hoạch của Moscow là lực lượng Mỹ còn lại đang bảo vệ các mỏ dầu ở miền Đông Syria.

Ankara lúc này đang rơi vào tình thế khó khăn khi trở thành "con nợ địa chính trị" ngày càng lớn của Nga , Tiến sĩ Theodore Karasik từ Viện phân tích các quốc gia vùng Vịnh nói về tình hình hiện tại ở Syria.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bật đèn xanh cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mở cuộc tiến công vào vùng đông bắc Syria – không ai khác – chính Nga đã không thể giấu được sự sung sướng.

Hiện các cuộc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang được triển khai tại Syria sau khi lực lượng Mỹ rút quân. Đối với Nga, thời điểm này đã mang đến cho họ một bước ngoặt lớn.

Nga nắm thóp Thổ Nhĩ Kỳ

Vị thế của Nga hiện đang trên cơ so với Thổ Nhĩ Kỳ. Với việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào đông bắc Syria để gây áp lực với người Kurd, bàn cờ của khu vực đã thay đổi.

Bên cạnh đó, thủ lĩnh IS khét tiếng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt bởi cuộc đột kích của Mỹ.

Theo Cơ quan Tình báo và An ninh Tổng hợp Hà Lan, khủng bố IS từ lâu đã lợi dụng Thổ Nhĩ Kỳ làm cơ sở chiến lược để tạo dựng các mối đe dọa đối với an ninh châu Âu.

Tiến sĩ Karasik cho rằng, điều này xuất phát từ việc trọng tâm chính của Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay chỉ là chiến đấu với các nhóm người Kurd chứ IS không phải mục tiêu. Định hướng như vậy đã vô tình giúp cho IS có không gian "dễ thở" hơn và dễ khuynh đảo hơn.

Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ không phù hợp với các ưu tiên của châu Âu trong việc chống khủng bố và điều đó cũng khiến cho IS có thể dễ dàng mở rộng hiện diện sang các khu vực khác.

Nga biết rõ trọng tâm này của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì vậy, Tổng thống Vladimir Putin đã sử dụng nó để rút ra những nhượng bộ địa chính trị lớn hơn từ Ankara.

Với tình thế trên, Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu áp lực. Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất, gây ra sự phẫn nộ ở Washington.

Trong khi đó, phần đầu tiên của đường ống khí đốt tự nhiên Nga-Thổ đã hoàn thành và Nga có kế hoạch xây dựng bốn nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ như một phần trong chương trình mở rộng mối quan hệ.

Về phần mình, Ankara đang chi hàng tỷ đô la cho Moscow để đổi lấy sự ưu ái hơn về mối quan hệ song phương với Moscow.

Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khác gây chú ý hơn đối với quan hệ con nợ-chủ nợ này. Nga hiện đang tăng thêm doanh số bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tình hình Syria hiện nay.

S-400 là một minh chứng tiêu biểu khi Ankara vừa nhận hàng trước áp lực trừng phạt vô cùng lớn. Động lực mua vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đang gửi đến thông điệp rằng họ muốn có sự độc lập với phương Tây và đặc biệt là với Mỹ.

Hiện tại, đã có những câu hỏi về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai các tổ hợp S-400 ở các khu vực nào và nhằm mục đích gì.

Đòn bẩy S-400 biến giấc mơ Nga thành hiện thực: Lùi một bước, tiến ba bước, Mỹ chưa thôi phá hoại ở Syria? - Ảnh 2.

Tên lửa S-400 đang giúp đòn bẩy của Nga thành hiện thực.

Về cơ bản, hệ thống phòng không tiên tiến của Nga sẽ hữu ích như một công cụ răn đe từ trong nước, nhưng rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ muốn áp dụng phạm vi phòng vệ của S-400 trên Biển Đen và Địa Trung Hải, nơi căng thẳng có thể gia tăng nhanh chóng, thậm chí có thể khiến các thành viên NATO chống lại nhau.

Ngoài ra, Nga đang tìm cách bán các vũ khí tiên tiến và máy bay chiến đấu Su-57 và Su-35. Mối quan hệ tăng tiến như vậy đang giúp cho giấc mơ của Nga trở thành sự thật và đặt ra câu hỏi hoài nghi về tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ.

Câu chuyện Syria

Đối với Syria, mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đồng nghĩa với việc Tổng thống Bashar Assad sẽ lắng nghe những gì Moscow đinh hướng trong thời gian tới. Lúc này, Tổng thống Putin đang nắm cả hai quốc gia trong tay, Tiến sĩ Karasik đánh giá.

Dù động thái của Thổ Nhĩ Kỳ bị chỉ trích là xâm lược, nhưng nó cũng giúp cho chính quyền Assad củng cố quyền kiểm soát lớn hơn đối lãnh thổ người Kurd và tiến tới các cuộc đàm phán tiếp theo về tương lai của Syria.

Cái gai lớn nhất trong kế hoạch của Moscow là lực lượng Mỹ còn lại đang bảo vệ các mỏ dầu ở miền Đông Syria. Mặc dù tuyên bố rút quân, Tổng thống Trump vẫn để lại một số lính Mỹ ở Al-Tanf, sát biên giới Iraq, cùng nhiều binh sĩ khác đang được gửi đến các mỏ dầu xung quanh Deir Ezzor.

Lầu Năm Góc đã thực hiện một bước đi thông minh khiến cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngạc nhiên, và từ đó khiến cho vấn đề Syria trở thành thách thức lớn hơn đối với Nga trong tương lai gần, đặc biệt là trong mục đích giành lại toàn bộ quyền kiểm soát lãnh thổ đất nước.

Nhìn chung, Nga đang ở một vị thế vượt trội, nhưng Mỹ vẫn không dừng lại hành vi phá hoại công trình địa chính trị mà Moscow đang xây dựng.

Về phần mình, Iran – quốc gia vốn có tiếng nói ở Syria - đang ngày càng suy yếu. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nương theo Moscow nhưng cũng phải đối mặt với cơn thịnh nộ của Washington, cũng như sau đó là cả châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại