Bệnh nhân ung thư di căn khắp nội tạng, tuyệt vọng muốn tự tử và bí quyết sống vui trở lại

Ngọc Minh |

Chăm sóc giảm nhẹ là 1 công cụ rất hữu hiệu, giúp các bác sĩ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối bằng các biện pháp giảm đau, điều trị tâm lý…

Ung thư sống vui khoẻ

Gần đây, Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ (CSGN), Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận điều trị cho người bệnh N.T.M.T (37 tuổi, ngụ tại TPHCM), bệnh nhân vào khoa sau khi đã được phẫu thuật, hóa trị và xạ trị do ung thư buồng trứng.

Trong lần nhập viện này, chị T được chẩn đoán bán tắc ruột do ung thư di căn manh tràng, hồi tràng, ung thư xâm lấn niệu quản. Sau vài ngày được điều trị tại Khoa, chị T được kiểm soát đau hiệu quả và được an ủi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và xuất viện với tinh thần rất lạc quan.

Sau đó không lâu, chị T lại phải nhập viện với chẩn đoán: sảng giảm động do nhiễm trùng, theo dõi bệnh não gan (hôn mê gan), ung thư buồng trứng di căn 2 phổi, xâm lấn bàng quang, niệu quản trái, suy mòn, chấn thương phần mềm đầu.

Chị T cho biết, chị cảm thấy bản thân là gánh nặng của gia đình, không giúp được gì cho chồng con nên đã có ý định tự tử. Các bác sĩ, nhân viên y tế đã thường xuyên tâm sự, động viên và mời Đơn vị tâm lý lâm sàng phối hợp để giúp chị T. vượt qua được những bất ổn tâm lý.

Bệnh nhân đã dần vui vẻ trở lại, tinh thần lạc quan, thường xuyên đọc sách và tập thể dục. Hiện chị đã xuất viện và đang được điều trị bằng thuốc giảm đau tại nhà.

Bệnh nhân ung thư di căn khắp nội tạng, tuyệt vọng muốn tự tử và bí quyết sống vui trở lại - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh vai trò của chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư, ảnh BVCC.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y cho hay: "Với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự thay đổi về môi trường, khí hậu đã kéo theo sự thay đổi về lối sống, chế độ dinh dưỡng… làm tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng cao tại Việt Nam, trong đó có các bệnh ung thư".

Hiện nay, trên thế giới và tại Việt Nam, mô hình chăm sóc người bệnh ung thư là mô hình chăm sóc đa mô thức, phối hợp nhiều biện pháp điều trị như hóa trị, xạ trị, miễn dịch liệu pháp và các biện pháp khác, trong đó có phục hồi chức năng, CSGN.

Trên thực tế, CSGN là một trong những công cụ rất hữu hiệu, giúp cho các bác sĩ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối bằng các biện pháp giảm đau, điều trị tâm lý…

Cái chết êm ái cho bệnh nhân

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM số lượng người bệnh ung thư giai đoạn cuối cần chăm sóc giảm nhẹ nhập viện có xu hướng tăng dần qua các năm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, Khoa Lão – CSGN, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã tiếp nhận số lượng người bệnh chăm sóc nội trú là 5.411 ca, theo dõi tại phòng khám ngoại trú 910 ca.

TS.BS Thân Hà Ngọc Thể - Trưởng Khoa Lão – CSGN, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, CSGN dành cho tất cả các đối tượng người bệnh mắc các bệnh cấp tính lẫn mạn tính không chữa khỏi và gia đình họ.

Các hoạt động CSGN giúp người bệnh giảm đau đớn về thể chất, giải tỏa tâm lý tiêu cực, sống tích cực hơn, có tinh thần mạnh mẽ, vững vàng hơn để chiến đấu bệnh tật, tránh rơi vào trầm cảm hoặc có ý định tự tử.

Trong quá trình CSGN, các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ giúp người bệnh hiểu rõ bệnh, tiên lượng bệnh để lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe trong tương lai một cách phù hợp, giúp người bệnh sống lạc quan hơn cũng như tìm thấy được chỗ dựa đáng tin cậy trong giai đoạn cuối đời.

Theo TS. BS Thân Hà Ngọc Thể các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ được tiến hành trong thời gian nằm viện và sau khi người bệnh xuất viện.

Khi người bệnh nhập viện, các bác sĩ sẽ theo dõi, đánh giá mức độ đau và kiểm soát đau kịp thời cho người bệnh; đánh giá và điều trị thích hợp các triệu chứng cần giảm nhẹ khác như: khó thở, nôn ói, xuất huyết, vết thương ác tính, tổn thương tì đè, phù, báng bụng, thuyên tắc huyết khối…; cung cấp điều trị opioid đúng chỉ định cho các trường hợp có đau hoặc khó thở do ung thư hay bệnh lý mạn giai đoạn cuối.

Các bác sĩ cũng thảo luận cùng người bệnh và người nhà người bệnh mục tiêu chăm sóc, từ đó lên kế hoạch CSGN và đưa ra quyết định chọn lựa các can thiệp y khoa phù hợp.

Ngoài việc điều trị hiệu quả các vấn đề thể chất, các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ còn bao gồm: việc hỗ trợ tâm lý, xã hội, tâm linh cho người bệnh...

Sau khi, người bệnh xuất viện, các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tiếp tục sử dụng thuốc giảm đau hiệu quả và an toàn tại nhà, thường xuyên điện thoại hỏi thăm tình trạng người bệnh và gia đình người bệnh.

TS.BS Thân Hà Ngọc Thể khuyến cáo, người bệnh và gia đình người bệnh mắc các bệnh mạn tính không chữa khỏi như ung thư, suy các cơ quan cần tìm hiểu thêm thông tin và yêu cầu được tư vấn các dịch vụ CSGN, giúp thảo luận mục tiêu chăm sóc phù hợp với giai đoạn bệnh.

Từ đó có kế hoạch cụ thể cho những điều trị y tế trong tương lai, giúp xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần cho người bệnh và giảm thiểu các điều trị không cần thiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại