Flour gây ung thư, khuyết tật bẩm sinh?
Cụ thể, trên trang cá nhân của một phụ nữ có tên B.N.T. chia sẻ thông tin có nội dung như sau:
"Lừa gạt: Flourua (flouride) là chất phụ gia vô hại có trong kem đánh răng và nguồn cung cấp nước của chúng ta. Nó ngăn ngừa sâu răng, giúp duy trì răng khỏe mạnh và là một khoáng chất thiết yếu.
Sự thật: Florua là chất thải độc hại tích tụ, bị cấm ở ít nhất 13 quốc gia. Florua có thể gây ra các khuyết tật bẩm sinh, ung thư, loãng xương và nhiều vấn đề về sức khỏe khác...".
Thông tin Flour gây ung thư làm dậy sóng mạng xã hội.
Nhận định này ngay lập tức gây dậy sóng mạng xã hội. Một số bà mẹ ủng hộ ý kiến trên và thậm chí chia sẻ đã bỏ dùng kem đánh răng trong một thời gian dài.
Một phần không nhỏ khác tỏ ra hoài nghi thông tin trên nhưng cũng hoang mang, lo lắng không biết mình đã chăm sóc răng miệng cho gia đình và trẻ nhỏ đã đúng hay chưa.
Thậm chí, một bác sĩ gốc Việt đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ cũng chia sẻ bài viết trên và bày tỏ quan điểm phản đối kịch liệt về thông tin trên.
Anh lo ngại trào lưu anti-flouride xuất hiện, khiến các bác sĩ nha khoa phải làm việc nhiều hơn vì những hậu quả xảy ra sau đó.
Thông tin flour gây ung thư làm nhiều chuyên gia lo ngại trào lưu tẩy chai kem đánh răng.
Sự thật là gì?
Chia sẻ về vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, tình trạng ngộ độc fluor trong kem đánh răng ở trẻ em là có thật.
Theo Trung tâm kiểm soát ngộ độc Mỹ, mỗi năm có khoảng 23.000 ca báo cáo ngộ độc từ kem đánh răng fluoride. Trong số này, có vài nghìn ca phải nhập viện cấp cứu.
Hơn 95% kem đánh răng đang được bán trên thị trường đều có chứa fluor. Trẻ con rất dễ bị trúng độc fluor do khả năng tự ý thức của bé còn kém, nguy cơ nuốt phải kem đánh răng rất cao.
Một tuýp kem đánh răng dành cho trẻ em chứa lượng fluoride (143mg) đủ để giết một đứa trẻ cân nặng dưới 30kg.
Một nghiên cứu đã tiến hành đo lượng kem đánh răng nuốt vào bụng của các bé 3-4 tuổi. Kết quả phát hiện các bé này nuốt rất nhiều kem đánh răng, từ 1/8 đến 1/4 lượng kem cho mỗi lần sử dụng.
Trước những nguy cơ mắc phải nếu lỡ nuốt phải kem đánh răng, năm 1997 Cơ quan Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã buộc các nhà sản xuất phải thêm dòng chữ cảnh báo trên trên vỏ hộp của tất cả các loại kem đánh răng fluor được bán tại nước này.
Thực tế, nhiễm độc fluoride cấp tính (xảy ra ở liều thấp khoảng 0.1-0.3mg trên mỗi kg trọng lượng) thường có triệu chứng như đau dạ dày, buồn nôn, nôn, nhức đầu, chóng mặt, và các triệu chứng giống cúm.
Một đứa trẻ nặng 10kg chỉ cần nuốt 1-3gram kem đánh răng đã có thể có một hoặc nhiều các triệu chứng kể trên.
Còn người lớn chủ yếu hấp thu fluor qua niêm mạc khoang miệng, lượng fluor nuốt vào cơ thể thông qua kem đánh răng khá ít nên không gây ảnh hưởng quá lớn.
Theo bác sĩ Vũ, ngộ độc flour tuy có xảy ra nhưng vẫn có thể phòng ngừa được vì flour không thể là triệu chứng cấp tính hay gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nếu sử dụng đúng cách và đúng liều lượng.
Lời khuyên cho người lớn và trẻ nhỏ
Vì fluor là một chất độc được tích lũy, theo thời gian có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng lên sức khỏe chứ không phải là sự tiếp xúc ngay lập tức với fluor nồng độ cao.
Do đó, bác sĩ đưa ra một vài khuyến cáo để sử dụng kem đánh răng hiệu quả và an toàn:
- Đối với người lớn, mỗi lần đánh răng chỉ cần lấy lượng kem đánh ngang kích cỡ một hạt đậu.
- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, chỉ nên dùng lượng kem tương đương một hạt gạo.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thăm khám cho trẻ.
- Nếu lỡ nuốt kem đánh răng, bạn cũng không nên quá lo lắng, hãy uống nhiều nước để cơ thể tự đào thải ra ngoài và lưu ý cẩn thận hơn trong lần sau.
- Vì lý do an toàn, nhiều mẹ chọn kem đánh răng cho bé nuốt được cho dù con chưa biết nhổ hoặc đã biết nhổ thành thục. Khi đó mẹ cần chú ý xem trên tem nhãn sản phẩm các từ ngữ sau: Fluoride free, safe to swallow, training toothpaste, độ tuổi sử dụng…
- Nếu có thể, hãy vệ sinh răng miệng bằng kem đánh răng với thành phần là những thảo dược thiên nhiên, dầu dừa...
Fluor được biết đến nhiều nhất với chức năng ngăn ngừa sâu răng, được xem là 1 trong 10 thành tựu của y tế cộng đồng thế kỷ 20. Nếu thiếu fluor sẽ dẫn đến nguy cơ sâu răng và loãng xương, còn thừa fluor hoặc ở những vùng ô nhiễm fluor sẽ dẫn đến ngộ độc, hỏng men răng (răng xỉn màu, ố vàng, đục), nặng hơn là hội chứng giòn, gãy xương.