Ukraine biểu tình lớn trước thềm thượng đỉnh với Nga: "Công thức" hòa bình lung lay?

Thi Anh |

Phe chỉ trích sợ rằng Tổng thống Putin sẽ khiến người đồng cấp Ukraine đưa ra nhượng bộ bất lợi để duy trì quyền kiểm soát ở miền Đông Ukraine.

10.000 người biểu tình

Khoảng 10.000 người, trong đó có cả cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, đã xuống đường tuần hành ở trung tâm thủ đô Kiev vào hôm qua, ngày 6/10, để phản đối kế hoạch mở rộng quyền tự trị ở các vùng lãnh thổ ly khai trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao Nga-Ukraine, AFP đưa tin.

Người biểu tình vừa tiến về phía Quảng trường Độc lập của Kiev (Maidan), vừa hô khẩu hiệu "Không nhượng bộ!". Trên tay họ là những tấm biểu ngữ chỉ trích Tổng thống Volodymyr Zelensky.

"Cùng nhau chúng ta sẽ thắng" - vị cựu Tổng thống 54 tuổi đi cùng vợ hô vang giữa đám đông. Đăng tải trên Twitter, ông Poroshenko cảm ơn "hàng chục nghìn" người Ukraine đã tập trung ở Kiev cùng hơn 20 thành phố khác để biểu tình.

Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh ông Zelensky đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong một nỗ lực nhằm khôi phục tiến trình hòa bình đang bị ngưng trệ, tiến tới chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 5 năm qua ở miền Đông Ukraine.

Ukraine biểu tình lớn trước thềm thượng đỉnh với Nga: Công thức hòa bình lung lay? - Ảnh 1.

Người Ukraine xuống đường biểu tình phản đối tổ chức bầu cử ở các khu vực đòi ly khai. Ảnh: Volodymyr Petrov/Kiyv Post

Trước đó, các nhà đàm phán Nga, Ukraine và phe ly khai đã nhất trí về một lộ trình nhằm thiết lập trạng thái đặc biệt cho các vùng lãnh thổ ly khai nếu họ tiến hành các cuộc bầu cử tự do và công bằng theo hiến pháp Ukraine.

Tuy nhiên, phe chỉ trích ông Zelensky sợ rằng Tổng thống Putin sẽ khiến người đồng cấp Ukraine đưa ra những nhượng bộ bất lợi để duy trì quyền kiểm soát đối với các khu vực đòi ly khai ở miền Đông Ukraine.

Nhiều người biểu tình ở Maidan cho rằng việc đồng ý trao quyền tự trị mở rộng cho các khu vực Donetsk, Lugansk đồng nghĩa với hành động từ bỏ lợi ích của Ukraine.

Cựu Tổng thống Poroshenko gọi đây là "Công thức của Putin" và cho rằng thỏa thuận sẽ công nhận việc Crimea sáp nhập vào Nga, cũng như quyền kiểm soát của Moscow đối với các khu vực đòi ly khai ở miền Đông.

Nhận định về vấn đề này, nhà kinh tế học Timothy Ash nói: "Vấn đề của Zelensky là Công thức Steinmeier rất không được đón nhận ở Ukraine và ông ấy đứng trước khả năng bị phản đối nếu tỏ ra quá nhiệt thành với nó".

Công thức Steinmeier

Thỏa thuận tạm thời về lộ trình nói trên là điều kiện chủ chốt do Moscow đặt ra để tiến hành cuộc họp, dự kiến do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì. Kế hoạch này được gọi là "Công thức Steinmeier", đặt theo tên cựu Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, người đưa ra đề xuất.

Trên thực tế, Ukraine và Nga đã ký kết 2 thỏa thuận tại Minsk (Belarus) vào tháng 9/2014 và tháng 2/2015 nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn và đưa ra lộ trình tiến tới hòa bình lâu dài tại miền Đông Ukraine. Mặc dù thỏa thuận Minsk giúp hạ nhiệt xung đột nhưng không chấm dứt được tình trạng này.

Năm 2016, nhằm phá vỡ bế tắc, Ngoại trưởng Đức lúc đó Steinmeier đã đề xuất một phiên bản đơn giản hóa của thỏa thuận Minsk. Cơ bản, đây là cách để Nga và Ukraine nhất trí trình tự các sự kiện đã được vạch ra ở Minsk.

Ukraine biểu tình lớn trước thềm thượng đỉnh với Nga: Công thức hòa bình lung lay? - Ảnh 2.

Cựu Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier. Ảnh: Reuters/Tessier

Cụ thể, công thức của Steinmeier đề nghị tiến hành bầu cử theo hiến pháp ở các vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát, dưới sự giám sát của OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu). Nếu OSCE cho rằng đây là cuộc bầu cử tự do, công bằng thì trạng thái tự trị đặc biệt sẽ được trao cho khu vực này và Ukraine quay trở lại kiểm soát biên giới phía Đông.

Trong bài phát biểu hôm 4/10, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng đã có lời giải thích về thỏa thuận này.

"Công thức này chỉ có một ý nghĩa - Đó là khi nào thì luật về trạng thái đặc biệt của Donbass sẽ bắt đầu có hiệu lực", ông Zelensky nói.

"Ấy là sau khi tiến hành bầu cử địa phương tại đó, sự kiện sẽ được tiến hành theo Hiến pháp Ukraine, luật pháp Ukraine và sau khi có báo cáo của OSCE rằng các cuộc bầu cử đã diễn ra theo đúng tiêu chuẩn dân chủ quốc tế. Đó là những gì Ukraine tán thành trong thỏa thuận Minsk".

Ông Zelensky khẳng định, công thức Steinmeier không đồng nghĩa với việc Ukraine ký thỏa thuận chung với Donetsk và Lugansk, cũng không đồng nghĩa với việc các cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngay ngày mai, mà chỉ là nền tảng để đi các bước kế tiếp.

"Tiếp theo sẽ có một cuộc họp theo hình thức (Bộ Tứ) Normandy cùng với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga. Tại đó, chúng tôi sẽ bàn các cách nhằm chấm dứt xung đột ở Donbass"

"Lập trường của tôi về vấn đề này rất rõ ràng và đồng nhất với mọi người dân Ukraine: Chúng ta đều hiểu rằng Donbass là Ukraine. Hòa bình phải được xác lập ở đó, quá trình đình chiến phải được hoàn thành và các lực lượng quân sự nước ngoài phải rút lui".

Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh ông Zelensky đang vướng vào bê bối điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhà lãnh đạo Ukraine bị nhiều người gọi với biệt danh "Monica Zelensky" sau khi cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến ông Trump bị điều tra luận tội. Biệt danh này ám chỉ tới Monica Lewinsky, thực tập sinh Nhà Trắng từng khiến Tổng thống Mỹ Bill Clinton lao đao trong quá trình tại nhiệm.

Trong một bài phát biểu tuần qua, ông Zelensky tuyên bố, ông tôn trọng quyền biểu tình của người Ukraine nhưng kêu gọi người dân không "khuất phục trước các hành động gây hấn". Ông Zelensky cũng cam kết sẽ không gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại