Chính quyền Mỹ bước vào "chế độ sinh tồn" trước viễn cảnh TT Trump đẩy bất đồng leo thang với TQ, Iran, Triều Tiên

Thi Anh |

Dưới áp lực luận tội, ông Trump có thể sẽ trở thành phiên bản cứng rắn hơn, đẩy cao bất đồng hiện có với Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và thậm chí cả các đồng minh của Mỹ.

"Chế độ sinh tồn"

Kể từ tháng 1/2017, chính trị Mỹ đã trở thành hiện tượng được chú ý khắp toàn cầu, tuy nhiên điều này vẫn chưa là gì so với những chuyện sắp xảy ra, cây viết Ankit Panda của The Diplomat nhận định trong bài viết mới đăng tải trên SCMP.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang nhanh chóng bước vào chế độ sinh tồn (survival mode), khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội đối với ông Trump về cáo buộc lạm dụng quyền lực tổng thống.

Trước tình hình đó, ông Trump lại quyết định kết hợp lợi ích chính trị của mình với lợi ích của nước Mỹ khi sử dụng quyền lực của chính quyền Mỹ để kêu gọi các quốc gia nước ngoài điều tra đối thủ chính trị của mình.

Mặc dù "ngọn lửa" đã châm ngòi cho quá trình luận tội là một khiếu nại liên quan tới cách xử sự của ông Trump với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, nhưng ngày càng nổi lên nhiều bằng chứng về những hành vi không đúng đắn. Sự sống còn dường như trở thành mục tiêu duy nhất của chính quyền ông Trump ở thời điểm hiện tại.

Chế độ sinh tồn của chính quyền Mỹ khi TT Trump đối mặt mối đe dọa kép - Ảnh 1.

Quá trình luận tội bắt nguồn từ cuộc điện đàm của ông Trump với người đồng cấp Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo hiến pháp, quá trình luận tội được thiết kế để buộc một tổng thống phải chịu trách nhiệm cho "những hành động phi pháp và trọng tội" gây ra trong khi tại nhiệm. Điều này tương đối hiếm trong lịch sử Mỹ.

Ngoài các Tổng thống Richard Nixon và Bill Clinton, một tiền lệ khác - có lẽ là tương đồng nhất với trường hợp của ông Trump - là trường hợp của Tổng thống Andrew Johnson.

Nixon - trong bối cảnh mất hết ủng hộ chính trị - đã quyết định từ chức trước khi quá trình luận tội chính thức diễn ra. Clinton, mặc dù bị Hạ viện luận tội, nhưng đã vượt qua được quá trình xét xử của Thượng viện Mỹ.

Johnson, vị Tổng thống thứ 17 của nước Mỹ, cũng đã vượt qua tình thế khó khăn một cách chật vật ở Thượng viện nhưng sự tín nhiệm dành cho ông bị sụt giảm tới mức ông không được chính Đảng của mình ủng hộ cho nhiệm kỳ thứ hai.

Tương tự, quá trình luận tội có thể khiến ông Trump gây ảnh hưởng tiêu cực tới Đảng Cộng hòa mặc dù đây vẫn là câu hỏi còn để ngỏ. Không ít người trong Đảng Cộng hòa băn khoăn về hành động của tổng thống, về việc ông sử dụng chính quyền của mình để khuyến khích các quốc gia nước ngoài điều tra đối thủ.

Viễn cảnh bất đồng tăng cao

Dù cuộc điều tra của Đảng Dân chủ diễn tiến theo hướng nào thì nó cũng ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump.

Cho tới nay, thực tế mà quá trình luận tội mang lại là ảnh hưởng đối với chính sách đối ngoại. Nixon, người đã từ chức trước khi có kết luận luận tội, đã duy trì chính sách về vấn đề Việt Nam. Clinton, người chứng kiến Hạ viện bỏ phiếu luận tội mình, nhìn chung cũng tìm cách giữ hướng đi của các chính sách đối ngoại.

Mặc dù mới đang bị điều tra, ông Trump nhiều khả năng không làm như những người tiền nhiệm.

Chính quyền Mỹ vốn hoan nghênh sự trở lại của "cuộc cạnh tranh cường quốc" với Trung Quốc nhưng ông Trump đã mời Bắc Kinh điều tra Joe Biden, cựu phó Tổng thống Mỹ, hiện là ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ.

Đáp lại lời mời này, phía Trung Quốc nhấn mạnh chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ.

Trong khi đó, những bên được xem là đối thủ của Mỹ như Triều Tiên có vẻ quyết tâm chớp lấy cơ hội ngoại giao này, coi ông Trump là một mục tiêu dễ dàng, có xu hướng nhượng bộ hơn bao giờ hết.

Sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm mới nhất - tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có tầm bắn xa nhất từng được Triều Tiên thử nghiệm - và hệ thống có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên được thử nghiệm kể từ tháng 11/2017 - có vẻ ông Trump chỉ "nhún vai".

Theo nguồn tin Nhà Trắng được Time viện dẫn trong một bài báo mới đăng tải, Trump nói ông "không quan tâm" tới hoạt động thử nghiệm của Triều Tiên, mà chỉ đơn giản muốn tiến trình ngoại giao tiếp diễn.

Trong bối cảnh này, người Triều Tiên có thể thấy đây là cơ hội tốt nhất để lấy được bất cứ thứ gì họ muốn từ Mỹ. Tuy nhiên, đó có lẽ không phải một tính toán khôn ngoan. Hơn bao giờ hết, ông Trump có thể trở về với bản năng cơ bản nhất của mình trước các vấn đề đối ngoại. Kết quả là sự khó đoán và tính tư lợi có thể gia tăng.

Đặc biệt khi 2020 đang tới gần và quá trình luận tội cũng như bầu cử nổi lên như "mối đe dọa kép" thì ông Trump có thể sẽ tìm cách phản ứng bùng nổ. Đối với Triều Tiên, điều đó đồng nghĩa với việc viễn cảnh quay trở lại những ngày tháng của "lửa và cuồng nộ" cũng nhiều khả năng như việc thỏa hiệp với yêu cầu của Bình Nhưỡng.

Với Trung Quốc, kịch bản tốt nhất là một Nhà Trắng rối loạn không còn quan tâm tới lợi ích trong thương chiến. Tuy nhiên, đối với những cử tri trung thành của ông Trump, thì một cuộc thương chiến leo thang có thể mới là điều cần thiết trong thời điểm nhạy cảm này.

Ông Trump đã chứng minh mình là người chấp nhận rủi ro và có vẻ không hề nghi ngờ bản năng của mình. Dưới áp lực luận tội, ông Trump có thể sẽ trở thành phiên bản cứng rắn hơn, đẩy cao bất đồng hiện có với Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và thậm chí cả các đồng minh của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại