Bị Mỹ phủ nhận, Đức tung "bằng chứng thép" về lập trường với Ukraine

Minh Đức |

Bộ Ngoại giao Đức cho rằng, sự ủng hộ của Berlin dành cho Ukraine rất có ý nghĩa và chiếm vai trò quan trọng.

Theo một biên bản mới được Nhà Trắng công bố ghi lại nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, Đức hầu như không hỗ trợ gì cho Ukraine.

"Đức gần như không làm gì cho các ông hết. Tất cả những gì họ làm chỉ là nói", ông Trump chia sẻ với ông Zelensky trên điện thoại. "Khi tôi nói chuyện với bà Angela Merkel, bà ấy đề cập tới Ukraine, nhưng không chịu làm gì cả".

Nhận định của ông Trump là một phần trong cuộc đối thoại dài hơn, liên quan tới tới khả năng Mỹ viện trợ cho Ukraine trong tương lai. Nội dung ghi chép còn cho thấy, ông Zelensky thể hiện sự đồng tình với ông Trump khi khẳng định: "Ông nói rất đúng. Không chỉ 100% mà thực sự là 1.000%".

Trong khi chính phủ Thủ tướng Angela Merkel dường như tránh đưa ra những phản hồi công khai đối lập với những gì ông Trump đã nhận xét, thì Bộ ngoại giao Đức lại khẳng định với trang DW rằng, "Đức đã tham gia rất nhiều vào vấn đề Ukraine".

Viện trợ lên tới 1,4 tỷ USD

Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và cuộc chiến tại mình đông Ukraine giữa lực lượng li khai thân Moscow và quân đội chính phủ nổ ra, những hỗ trợ cho Kiev – dưới hình thức viện trợ hoặc trừng phạt (Nga), ngày càng mang nhiều ý nghĩa về mặt địa chính trị.

Hện chưa rõ trong cuộc điện đàm với ông Zelensky, có phải Tổng thống Trump muốn chỉ trích Đức vì đã không thể cung cấp một loại hỗ trợ nhất định nào đó cho Ukraine hay không.

Tuy nhiên, DW dẫn nguồn số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD), Đức hiện là nhà tài trợ lớn thứ ba cho Ukraine, chỉ đứng sau EU và Mỹ.

Ngoài ra, cũng theo Bộ Ngoại giao Đức, kể từ năm 2014, Berlin đã "bơm" gần 1,2 tỷ euro viện trợ tài chính cho Ukraine; trong đó bao gồm khoảng 544 triệu euro dành cho hợp tác phát triển chính thức, 110 triệu euro viện trợ nhân đạo, 500 triệu euro vay tài chính và khoảng 25 triệu euro cho các biện pháp ổn định như giám sát xung đột và thực thi luật pháp… Đức cũng dành ra 200 triệu euro khác cho Ukraine thông qua kênh đóng góp viện trợ EU.

Vai trò trong đàm phán hòa bình

Trong cuộc điện đàm gây tranh cãi, Tổng thống Ukraine cho hay, ông đã gặp gỡ Thủ tướng Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nói với họ, Berlin và Paris đã "không thực thi các lệnh trừng phạt" đối với Nga ngay cả sau khi chúng bắt đầu có hiệu lực. "Họ không cố gắng nhiều như những gì họ nên làm cho Ukraine", ông Zelensky đánh giá.

Tuy nhiên, DW cho rằng, cả Đức và Pháp đã thể hiện ảnh hưởng quan trọng trong quá trình thương lượng hòa bình giữa Nga và Ukraine – cụ thể nhất là sự ra đời của một lệnh ngừng bắn còn có tên gọi là Hiệp định Minsk vào năm 2015.

"Trong đàm phán hòa bình theo thể thức Normandy (bao gồm Ukraine, Nga, Đức và Pháp)… Đức cũng làm việc trong nhiều năm để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine", Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh với trang DW.

Bị Mỹ phủ nhận, Đức tung bằng chứng thép về lập trường với Ukraine - Ảnh 2.

Trong khi Mỹ cho rằng Đức chưa làm đủ cho Ukraine, cả Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron đều tham gia thúc đẩy đàm phán hòa bình Nga - Ukraine (ảnh: getty)

Lập trường của Thủ tướng Merkel về trừng phạt Nga

Trong chính phủ Đức, bà Merkel được coi là người ủng hộ mạnh mẽ cho các lệnh trừng phạt của EU dành cho Moscow. Đầu tháng 9, các lệnh trừng phạt tiếp tục được gia hạn cho tới tháng 1/2020.

Hồi tháng 6, bà Merkel từng phát biểu: "Chừng nào còn chưa có tiến triển trên mặt trận này, các lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ và lệnh trừng phạt liên quan tới Crimea chỉ có thể được dỡ bỏ nếu Crimea quay trở lại Ukraine".

Tuy nhiên, không phải toàn bộ chính giới Đức đều có cùng lập trường với bà Merkel. Một số chính trị gia đang kêu gọi chính phủ giảm nhẹ trừng phạt cho Nga trước khi tổng tuyển cử Đức diễn ra vào năm 2021. Một trong những lý do chính họ đưa ra là, các biện pháp trả đũa mà Moscow áp dụng đã có ảnh hưởng không nhỏ lên ngành nông nghiệp của Đức.

Dự án đường ống khí đốt

Một vấn đề "khúc mắc" lớn trong quan hệ giữa Berlin và Kiev chính là dự án đường ống khí đốt Nga – Đức có tên là Nord Stream 2. Theo dự kiến, sau khi hoàn thành vào cuối năm 2019, nó sẽ giúp vận chuyển khí đốt từ Nga trực tiếp sang Đức qua Biển Baltic mà không phải trung chuyển ở Ukraine.

Ukraine lo ngại rằng, đường ống sẽ đem lại lợi thế cân bằng chính trị cho Nga trước EU. Ngoài ra, giống như các nước láng giềng tại Đông Âu và vùng Baltic, Kiev sợ Điện Kremlin sẽ thực sự cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt tới và đi qua Ukraine, do đó đe dọa an ninh năng lượng nước này.

Trong chuyến công du của Tổng thống Zelensky tới Berlin hồi tháng 6, bà Merkel đã tìm cách trấn an người Ukraine khi khẳng định, bà từng nhiều lần nhắc nhở Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, vai trò của Ukraine là một quốc gia trung chuyển khí đốt là "không thể thiếu và rất, rất quan trọng".

"Tổng thống Putin luôn nhấn mạnh với tôi là ông hiểu điều đó", bà Merkel nói.

Đường ống Nord Stream 2 không xuất hiện trong cuộc điện đàm giữa ông Zelensky và đồng cấp Trump. Tuy nhiên, trong những nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, Ukraine đã tìm tới Mỹ. Tháng 8 vừa qua, Washington và Kiev đã thống nhất tăng cường hợp tác cung cấp khí đốt tự nhiên từ Mỹ cho Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại