Mạnh tay chi 63 tỷ USD cho "siêu tên lửa": Mỹ thách thức Nga-Trung?

Hoài Giang |

Mặc dù xuất phát sau Nga và Trung Quốc, tuy nhiên Mỹ đang có tới 9 chương trình phát triển tên lửa siêu thanh độc lập với ngân sách lên tới hàng chục tỷ USD để bắt kịp các đối thủ.

Nhà thầu mới cho chương trình tên lửa siêu thanh mới

Sáng 18/9 tờ Sputnik đưa tin Aerojet Rocketdyne, một nhà thầu quốc phòng tương đối mới của Hoa Kỳ, đã nhận được vị trí tương đối quan trọng trong chương trình phát triển Tên lửa siêu thanh và răn đe chiến lược mặt đất (GBSD), một loại tên lửa đạn đạo hạt nhân thế hệ mới.

Trong cuộc đua giữa các nhà thầu nhằm phát triển hệ thống tên lửa mới, Aerojet Rocketdyne đã thành công khi được Lầu Năm Góc trao cho một phần quan trọng nói trên của chương trình do khả năng phát triển liên quan tới phần quan trọng nhất của tên lửa - động cơ.

Mạnh tay chi 63 tỷ USD cho siêu tên lửa: Mỹ thách thức Nga-Trung? - Ảnh 1.

Một nguyên mẫu của chương trình tên lửa GBSD

Hôm 16/9, nhà sản xuất động cơ tên lửa tuyên bố sẽ hợp tác với các công ty khác để phát triển tên lửa hành trình siêu thanh có khả năng đạt vận tốc Mach 5 (khoảng 6.174 km/h), cũng như thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới.

Trên thực tế Aerojet Rocketdyne sẽ hợp tác với Northrop Grumman với tư cách là một phần không thể thiếu của chương trình GBSD trị giá 63 tỷ USD. GBSD được cho là sẽ thay thế các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III cũ của Hoa Kỳ.

Mạnh tay chi 63 tỷ USD cho siêu tên lửa: Mỹ thách thức Nga-Trung? - Ảnh 2.

Mô hình tấn công của các ICBM như Minuteman III với các đầu đạn hạt nhân.

9 chương trình tên lửa đồng loạt triển khai nhằm bắt kịp Nga-Trung

Cựu đại tá quân đội Hoa Kỳ Steve Warren, phát ngôn viên của Aerojet Rocketdyne bình luận với trang Military.com rằng họ đang nghiên cứu về chế tạo nguyên mẫu động cơ cho tên lửa siêu thanh.

Với động cơ nói trên, tên lửa có thể bay với tốc độ siêu vượt âm khiến phòng không đối phương khó có thể theo dõi và đương nhiên là cũng khó có khả năng đánh chặn.

Lầu Năm Góc tuyên bố họ đang có 9 chương trình phát triển tên lửa siêu thanh khác nhau diễn ra đồng loạt trong một nỗ lực để bắt kịp với các đối thủ là Nga và Trung Quốc, cả hai đều đã đưa ra mô hình hoạt động của vũ khí siêu nhanh do họ phát triển.

Mạnh tay chi 63 tỷ USD cho siêu tên lửa: Mỹ thách thức Nga-Trung? - Ảnh 4.

Tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal được Nga thử nghiệm năm 2018.

Đại tá Warren bình luận rằng việc hoàn thiện vũ khí siêu thanh hiện là ưu tiên kỹ thuật hàng đầu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Điều đó trở nên cấp thiết hơn kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào ngày 2/8, xóa bỏ rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của tên lửa hạt nhân phóng từ lục địa có khả năng tiếp cận mục tiêu chỉ sau vài phút.

Bộ trưởng lục quân Hoa Kỳ Ryan D. McCarthy vào cuối tháng trước đã nêu rõ sự quan tâm tới các vũ khí siêu thanh, lưu ý rằng Mỹ chắc chắn sẽ tung ra một loạt các vũ khí mới với tầm bắn nằm trong khoảng từ 500 tới 5.500 km trong vài năm tới.

Các tên lửa GBSD sẽ tạo thành phần tấn công từ mặt đất của "Bộ ba hạt nhân" (các nền tảng tấn công hạt nhân từ mặt đất - trên không và trên biển), đảm bảo khả năng đáp trả hạt nhân trước bất kỳ loại hình tấn công hạt nhân nào, bất kể phạm vi cuộc chiến tranh toàn diện như thế nào.

Vào tháng 6/2019, Không quân Mỹ đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh được gọi là Vũ khí phản ứng nhanh - phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A do Lockheed Martin chế tạo được phóng từ một chiếc B-52.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại