Morocco "đâm đầu" đi mua vũ khí từ thời CT Việt Nam: Kẻ thất bại và lỗi thời trước T-90?

Hoài Giang |

Mới đây Morocco đã mua của Mỹ 2.400 tên lửa TOW 2A cùng 400 bệ phóng BGM-71 TOW. Vậy tên lửa xuất hiện từ thời Chiến tranh Việt Nam này đã lỗi thời hay chưa?

Là tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) chủ lực của các mũi tấn công cơ giới của Hoa Kỳ, được gắn trên các xe bọc thép Bradley và xe bọc thép chống tăng chuyên dụng LAV-AT, nhưng với các tiến bộ công nghệ phòng thủ xe tăng hiện nay, liệu BGM-71 TOW có còn theo kịp?

BGM-71 TOW ngày nay khác gì lúc tham chiến ở Việt Nam?

ATGM BGM-71 TOW ngày nay khác xa so với biến thể BGM-71A từng tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam, nó đã được dẫn đường bằng sóng vô tuyến - radio (ban đầu TOW được dẫn hướng bằng dây), đầu đạn kép (tandem) và cách thức tấn công được cải tiến.

Cách thức hoạt động của TOW khá đơn giản. Là tên lửa điều khiển bán tự động thế hệ thứ hai (SACLOS), xạ thủ chỉ cần giữ đường ngắm trên mục tiêu và lệnh điều khiển sẽ tự động được gửi tới tên lửa.

Morocco đâm đầu đi mua vũ khí từ thời CT Việt Nam: Kẻ thất bại và lỗi thời trước T-90? - Ảnh 1.

Biến thể đầu tiên của BGM-71A TOW chiến lợi phẩm của Quân giải phóng.

Đèn hồng ngoại ở đuôi tên lửa sẽ được theo dõi bởi bệ phóng, hiển thị vị trí của tên lửa so với mục tiêu. Sau đó, các lệnh được gửi qua dây dẫn hoặc sóng vô tuyến đến tên lửa để điều khiển cho tới khi tiếp cận mục tiêu.

Với 4 cánh điều hướng ở phần giữa của tên lửa (hai cánh điều hướng thẳng đứng và hai cánh còn lại điều hướng theo chiều ngang) tên lửa TOW giữ ổn định (không xoay quanh trục như đạn pháo) trong hành trình, vì vậy việc điều khiển rất đơn giản.

Động cơ ở thân của tên lửa cung cấp lực đẩy (được thiết kế trong phần thân giữa để luồng lửa động cơ không làm cháy dây dẫn và để phù hợp với thiết kế đèn hồng ngoại ở đuôi) cho tới khi tên lửa chạm vào mục tiêu.

Tiếp theo đó, một đầu đạn chạm nổ HEAT (đầu đạn chống tăng liều nổ cao - đạn nổ lõm) sẽ xuyên thủng lớp giáp của mục tiêu.

Morocco đâm đầu đi mua vũ khí từ thời CT Việt Nam: Kẻ thất bại và lỗi thời trước T-90? - Ảnh 2.

Các thành phần của tên lửa chống tăng có điều khiển BGM-71E TOW-2A với đầu đạn kép (tandem).

Sự ra đời của các hệ thống phòng thủ và "câu trả lời" của TOW

Liên Xô (và sau này là Nga) đã nhận ra mối đe dọa của TOW và lên phương án bảo vệ xe cơ giới của họ trong suốt những năm 1970.

Giáp phức hợp có hiệu quả đối với các tên lửa mang đầu đạn HEAT là một trong những cải tiến đầu tiên, tiếp theo là sự xuất hiện của giáp phản ứng nổ (ERA) hiệu quả "đáng kinh ngạc" chống lại đầu đạn HEAT.

Morocco đâm đầu đi mua vũ khí từ thời CT Việt Nam: Kẻ thất bại và lỗi thời trước T-90? - Ảnh 3.

Các hệ thống ATGM của phiến quân Syria thường là BGM-71E TOW-2A, mặc dù biến thể này có đầu đạn kép (tandem) nhưng lại rất dễ bị gây nhiễu bởi hệ thống phòng thủ chủ động Shtora (trang bị trên xe tăng T-90A) và các hệ thống gây nhiễu hồng ngoại do Syria tự sản xuất.

Về phần mình, nhà sản xuất TOW cũng đã phát triển các biến thể để chống lại những nâng cấp này. TOW cải tiến (I-TOW) đã thêm một hệ thống dò tìm mục tiêu độc lập làm tăng hiệu suất và TOW 2A đã tích hợp đầu đạn kép (tandem) để có thể đánh bại lớp giáp ERA.

Đối với biến thể mới nhất TOW 2B, nó thậm chí còn đi xa hơn với việc thay đổi hành trình bay của tên lửa hướng vào lớp giáp trên nóc của xe tăng đối phương (một cải tiến được tiên phong bởi ATGM RBS 56 BILL của Thụy Điển).

Vào những năm 1990, hệ thống phòng thủ chủ động tiên tiến Shtora đã được đưa Liên Xô - Nga đưa vào trang bị trên xe tăng. Hệ thống này đã sử dụng hai đèn rọi hồng ngoại (thường được gọi là các "con mắt" trên xe tăng T-80UK và T-90) để gây nhiễu cơ chế điều khiển quang học.

Morocco đâm đầu đi mua vũ khí từ thời CT Việt Nam: Kẻ thất bại và lỗi thời trước T-90? - Ảnh 4.

Một xe tăng T-90A do Nga sản xuất vẫn sống sót ở Syria sau khi bị ATGM BGM-71E TOW-2A tấn công với giáp phức hợp, giáp phản ứng nổ (ERA) trên tháp pháo và hệ thống Shtora. Cho tới nay TOW vẫn chưa phá hủy được bất kỳ xe tăng T-90 nào ở Syria.

Đèn hồng ngoại của hệ thống Shtora sẽ vô hiệu hóa tín hiệu hồng ngoại của TOW trong thiết bị theo dõi quang học tại bệ phóng, khiến tên lửa không thể được dẫn hướng qua một số điểm nhất định gần xe tăng.

Ngay lập tức, TOW đã có một biến thể tên lửa nâng cấp để chống lại Shrota. Một "bộ mã hóa" đã được cài đặt để giúp tên lửa phát ra tín hiệu được mã hóa mà bệ phóng đã được điều chỉnh có thể nhận biết. Thiết kế này sẽ ngăn chặn việc bị đánh lạc hướng tín hiệu hồng ngoại.

Môt đèn xenon cũng được bổ sung để phát ra hai tần số hồng ngoại khác nhau giúp tên lửa khó bị gây nhiễu hơn. Với các bản nâng cấp kể trên, TOW trở nên "miễn nhiễm" với Shtora.

Morocco đâm đầu đi mua vũ khí từ thời CT Việt Nam: Kẻ thất bại và lỗi thời trước T-90? - Ảnh 5.

Xe bọc thép LAV-AT được trang bị bệ phóng Emerson 901A1 TOW-2. Nó cũng được trang bị súng máy đa năng M240E1 hoặc M240B và có thể mang tổng cộng 16 tên lửa TOW và 1.000 viên đạn 7.62 mm.

Với các điểm yếu chí tử, BGM-71 TOW liệu đã lỗi thời?

Mặc dù luôn cải tiến bản thân trước các hệ thống phòng vệ của xe tăng, bản thân thiết kế của BGM-71 TOW có những nhược điểm "chí tử".

Việc dẫn hướng bằng dây truyền thống phải đối mặt với những hạn chế khi khai hỏa trong môi trường độ ẩm cao và không thể vượt qua được các khu vực có dây kẽm gai hoặc các khu vực có dây điện do các tác động của điện từ lên dây điều khiển.

Các biến thể TOW được điều khiển bằng sóng vô tuyến (radio) gần đây đã khắc phục vấn đề này, tuy nhiên lại đối mặt với khả năng bị nhiễu bởi các thiết bị gây nhiễu sóng radio trên các xe tăng trong tương lai.

Một vấn đề khác của TOW là tốc độ hành trình. Các biến thể tên lửa hiện tại có tốc độ di chuyển khoảng 320 m/giây.

Tốc độ này chậm hơn so với các ATGM của Nga như 9M123 “Khrizantema”, (400 m/giây), 9M120 “Ataka” (từ 400 đến 500 m/giây) và 9M119 “Svir” (khoảng 350 m/giây).

Morocco đâm đầu đi mua vũ khí từ thời CT Việt Nam: Kẻ thất bại và lỗi thời trước T-90? - Ảnh 7.

Tổ hợp tên lửa chống tăng (ATGM) 9P157-2 Khrizantema-S được trang bị 15 tên lửa 9M123 “Khrizantema” với hệ thống dẫn hướng kép có thể kháng được chế áp điện tử và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ngày hay đêm.

Để so sánh, đạn pháo xe tăng hiện đại có tốc độ vượt quá 1500 m/giây.

Có thể hiểu rằng trong cuộc đấu ATGM giữa các hệ thống của Mỹ và Nga, xe cơ giới được trang bị TOW có thể bị phá hủy trước khi tên lửa tiếp cận mục tiêu.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tên lửa TOW có thể sẽ bị phá hủy bởi các hệ thống đánh chặn, vì tốc độ chậm cho phép đối phương đánh chặn dễ dàng.

Quân đội Hoa Kỳ nhận thức được sự thiếu hụt này và đã thử nghiệm các ATGM mới như LOSAT và CKEM có tốc độ hành trình nhanh hơn nhiều (CKEM đạt vận tốc tới hơn 2200 m/giây).

Mặc dù tồn tại những nhược điểm, TOW vẫn là một ATGM đã được thực chiến nhiều năm và chứng tỏ sự tin cậy, sự phát triển ứng dụng điều khiển tên lửa bằng vô tuyến gần đây đồng nghĩa với việc nó có khả năng tiếp tục phục vụ trong tương lai (với các biến thể nâng cấp mới), ngay cả khi công nghệ phòng thủ của đối phương tiến bộ tới đâu.

Tên lửa BGM-71F TOW 2B (với khả năng tấn công từ phía trên tháp pháo) được thử nghiệm trên xe tăng Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại