Nga tập trận đặc biệt với máy bay khó bắn hạ nhất thế giới

Kiệt Linh |

Lực lượng chiến đấu cơ Su-25SM3 thuộc trung đội không quân Quân khu Miền Nam đóng tại khu vực Stavropol, phía nam nước Nga, vừa chuyển sang huấn luyện các kỹ năng hoạt động ở tầm cực thấp trong những chiến dịch bí mật sử dụng các đặc điểm về địa hình, văn phòng báo chí của quân khu hôm 5/8 cho biết.

"Các chuyến bay huấn luyện đang được thực hiện theo cặp và theo đội hình, trong đó có những chuyến bay diễn ra trong các điều kiện thời tiết bất lợi và vào buổi đêm. Trong khi thực hiện các nhiệm vụ bay ở tầm cực thấp, các phi công học cách di chuyển bí mật, sử dụng các đặc điểm về địa hình, và tránh các hệ thống phòng không của kẻ thù giả định", văn phòng báo chí Quân khu Miền Nam cho biết trong một tuyên bố.

Các phi công lái Su-25SM3 đang tập bay ở độ cao chỉ trên 25m so với mặt đất. Họ cũng huấn luyện các chiến dịch trong những trường hợp khẩn cấp như thiết bị hỏng. Cuộc tập trận với máy bay Su-25SM3 có sự tham gia của hơn 100 binh sĩ và hơn 10 chiến đấu cơ.

Sukhoi Su-25 là loại chiến đấu cơ tấn công mặt đất với hai động cơ và một chỗ ngồi. Su-25 do tập đoàn chế tạo máy bay quân sự lừng danh Sukhoi của Nga thiết kế và chế tạo. Loại máy bay chiến đấu này đã phục vụ trong Không quân Nga hơn 25 năm và nó đã được xuất khẩu đi hàng chục nước trên thế giới.

Su-25 được trang bị vũ khí mạnh với một khẩu pháo 30 mm Gryazev-Shipunov GSh-30-2 và vũ khí tấn công mặt đất. Nó có thể mang hơn 4.000kg vũ khí. Su-25 đã từng tham gia cuộc chiến ở Chechnya năm 1995 và tác chiến trong ngày đầu tiên của cuộc xung đột kéo dài 5 ngày giữa Nga và Gruzia vì vấn đề Nam Ossetia và Abkhazia.

Máy bay chiến đấu Su-25 của Nga xứng đáng được gọi là “xe tăng bay”, chủ bút chuyên mục của tạp chí National Interest – ông Sebastien Roblin bình luận.

Cái tên xe tăng bay ban đầu được sử dụng để miêu tả phiên bản trước đó thời Xô-viết của Su-24 – đó là chiếc máy bay tấn công mặt đất Il-2 Sturmovik. Chiếc cường kích Il-2 Sturmovik đã tạo được uy tín vang dội trong Chiến tranh Thế giới thứ II khi vừa có thể nã đạn liên tiếp trong khi thả bom và bắn rocket vào các xe tăng Đức.

Là “người kế nhiệm” của Il-2, Su-25 nổi danh với tư cách là chiếc máy bay khó bị bắn hạ nhất thế giới. Nhanh nhẹn và được trang bị vũ khí hạng nặng, những chiếc máy bay tấn công Su-25 đã được đưa vào sản xuất từ năm 1978. Loại máy bay này được thiết kế cho “một trận đánh lớn giữa lực lượng mặt đất của NATO và khối Hiệp ước Warsaw".

Vì thế, nó có thể bay ở tầm thấp và bay chậm để quan sát chính xác trận địa. Bay tầm thấp đồng nghĩa với việc nó không thể bị hạ gục bởi tên lửa đất đối không tầm xa của NATO cũng như bởi hệ thống súng máy phòng không.

Để đảm bảo chiếc máy bay được bảo vệ, cục thiết kế của Sukhoi đã phát triển một cái gọi là “ống” titan bảo vệ cả phi công và hệ thống điện tử trong máy bay. Những tấm bọc thép với độ dày lên tới 10 đến 25 milimet được bọc xung quanh cabin. Vì vậy, không ngạc nhiên khi Su-25 trở nên nổi tiếng vì sống sót được trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, khó khăn nhất trên chiến trường.

Phiên bản Su-25SM3 nâng cấp được trang bị hệ thống dẫn đường được cải tiến và có thể phóng tên lửa hoặc thả bom ở khoảng cách khá xa so với mục tiêu và trong điều kiện thiếu tầm nhìn trực tiếp.

Một nguồn tin từ tờ Itar Tass trước đó tiết lộ, phiên bản chiến đấu cơ Su-25SM3 nâng cấp sẽ được trang bị hệ thống phát hiện và truy đuổi mục tiêu với những yếu tố tình báo nhân tạo giúp các phi công có thể tấn công mục tiêu lựa chọn mà họ không cần phải thực sự tham gia vào cuộc tấn công.

Su-25SM3 cũng được trang bị công nghệ PNK SVP-24-25 (SVP-24 Gefest) của hệ thống định vị vệ tinh Glonass. Điều này sẽ cho phép máy bay lập trình mục tiêu cuối với độ chính xác lên tới 10 mét và sẽ giúp tăng độ chính xác của những vũ khí không dẫn đường được phóng đi từ trên không lên mức độ vũ khí dẫn đường.

Máy bay mới còn có khả năng tấn công các cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ ở dưới mặt đất vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày hoặc đêm. Hệ thống nâng cấp sẽ cải thiện hiệu quả chiến đấu của máy bay lên gấp 3 lần so với các phiên bản khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại