Chiến trường K: Lính tình nguyện Việt Nam sống chung với hổ, ngủ chung với địch - Những khẩu AK đã lên đạn

Trung Sỹ |

Cách khoảng chừng năm chục mét, chúa sơn lâm đang chằm chằm nhìn chúng tôi. Không phải một con mà là một cặp. Lách rách, khóa an toàn súng AK đã mở.

Sống chung với hổ

Tháng 5 năm 1979, mùa mưa chớm bắt đầu đến với rừng đại ngàn dưới chân rặng núi Aoral. Thời gian chuyển mùa là thời gian lính hay lên cơn sốt rét, và cũng là mùa thú rừng sinh sôi.

Nhiều cuộc hành quân, chúng tôi gặp những bầy nai tràn ra những trảng cỏ trong thung lũng. Nai đi ăn lẫn với bò hoang. Chiến tranh liên miên, bò nhà xổng hoặc vô chủ phá bầy lâu dần thành như hoang thú.

Lắm con vẫn còn đeo cả mõ lốc cốc làm lính mình tưởng bò của dân không dám bắn. Đến khi lại gần cả đàn tháo chạy. Những anh lính quê thành phố hay đồng bằng ngẩn người nhìn những con nai cao lớn nâu vàng phi như tên bắn.

Chiến trường K: Lính tình nguyện Việt Nam sống chung với hổ, ngủ chung với địch - Những khẩu AK đã lên đạn - Ảnh 1.

Xuân Tùng (bút danh Trung Sỹ) - Nguyên trung sỹ D4E2F9, Quân đoàn 4 tham gia Chiến tranh Biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc và là Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, tác giả cuốn Hồi ức Chuyện lính Tây Nam, NXB Thanh Niên.

Ban đêm phục gần vũng nước độc lập, rìa suối thoải le mọc thưa dứt khoát bắn được nai. Những con nai bụng mang dạ chửa thèm muối, thường hay lần mò đến những phum hoang cũ, nơi chúng tôi đổ vãi muối dự trữ của địch ra để liếm đất mặn.

Không chỉ nai, lợn rừng, mễn mà thú rừng nào cũng thích muối. Các phum hoang trở thành địa điểm săn bắn cải thiện cho chúng tôi khi tiếp liệu thực phẩm mùa mưa trở nên khó khăn.

Có thú ăn cỏ chắc chắn có thú ăn thịt. Tôi muốn nói đến hổ, chúa sơn lâm của rừng già. Những loại như chó rừng, báo đốm không tính. Mặc dù con báo cũng rất nguy hiểm vì hành tung của nó bí ẩn và leo cây phục kích giỏi.

Hổ vùng này khá nhiều. Chiến trường K khốc liệt, xác lính địch, xác dân chết đói đầy rẫy. Chúa sơn lâm quay sang đổi món, thưởng thức thịt người như một món ăn khoái khẩu.

Nghe tiếng súng trận, thay vì bỏ chạy cong đuôi, những con hổ tinh quái lại mò mò đến chờ đánh chén bữa tiệc thịnh soạn đã được dọn sẵn. Trung đoàn tôi lập cứ dừng chân ở nhà ga xép Bamnak.

Tiểu đoàn 4 đóng quân trong phum hoang Kbal Tahean. Đây là vị trí xa trung đoàn bộ nhất, gần thung lũng A3 dưới chân núi Cardamom. Rừng tự nhiên bao phủ, lấn cả vào những cái phum không người. Lính ta săn địch sống, còn hổ săn địch chết. Có những cái phum còn lớn hơn nữa nằm sâu trong rừng.

Chiến trường K: Lính tình nguyện Việt Nam sống chung với hổ, ngủ chung với địch - Những khẩu AK đã lên đạn - Ảnh 2.

Xe tăng Quân tình nguyện Việt Nam tiến về giải phóng Phnom Penh - Ảnh tư liệu

Dân trong phum bị lính Polpot lùa theo sang Thái lan hoặc đã chết đói hết. Đó thường là nơi viếng thăm của hổ, cũng như thường là mục tiêu hành quân truy quét cấp tiểu đoàn.Chúng tôi bỏ đường lớn, cặp theo con suối nhánh vào phum Kà rọi.

Nhánh suối phụ này mới hình thành sau đợt mưa núi dữ dội, nhưng nước dâng đã tràn bờ. Triền rừng mưa vào mùa chằng chịt những con suối không tên như thế. Những phum hoang không một bóng người, bao giờ cũng gây cảm giác bất an khó tả.

Một vùng cây tối xanh om, lô nhô bóng dừa trải nét ngang sẫm màu trên mặt trảng, giữa rừng khộp ngút mắt. Chỉ vài cây số nữa tới chân núi, rừng khộp sẽ chuyển tiếp sang dạng rừng mưa nhiệt đới, kéo trùm lên tận đỉnh Aoral.

Gần ngã ba suối đội hình ùn lại, vây quanh mấy vết chân hổ to như những cái tô lớn. Nước đọng trong dấu chân còn đục ngầu. Anh Sơn hất hàm bảo chúng mày cẩn thận, nó mới đi qua đây chưa quá dăm phút đâu.

Đang nhớn nhác định giục nhau đi tiếp nhưng chợt nghe có tiếng nước giạt rất lạ tai. Linh tính khiến mọi người quay nhìn sang nhánh suối bên phải. Cách khoảng chừng năm chục mét, chúa sơn lâm đang chằm chằm nhìn chúng tôi. Không phải một con mà là một cặp.

Tôi đứng sững há mồm, chiêm ngưỡng oai linh rừng thẳm vốn từng chỉ gặp trong sách vở. Hổ đang mùa ghép đôi. Có lẽ chính cặp này đã à uôm tình tự với nhau, gây ồn ào suốt đêm hôm qua.

Hết giây phút bất ngờ, nhiều người lách rách lật khóa an toàn súng, nhưng tiểu đoàn trưởng gạt đi không cho bắn. Nhiệm vụ đơn vị hành quân diệt địch chứ không phải đi săn hổ. Cặp hổ lớn chắc cũng đánh giá chúng tôi là những con mồi không thích hợp nên phất đuôi lội qua suối bỏ đi.

Chiến trường K: Lính tình nguyện Việt Nam sống chung với hổ, ngủ chung với địch - Những khẩu AK đã lên đạn - Ảnh 4.

Chiến trường K khốc liệt, xác lính địch, xác dân chết đói đầy rẫy. Chúa sơn lâm quay sang đổi món, thưởng thức thịt người như một món ăn khoái khẩu. Ảnh minh họa.

Chúng nó đi đủng đỉnh, rất tự tin đúng phong thái của chúa sơn lâm. Tụi hổ không sợ người, hẳn vì đã từng chén rất nhiều con mồi hai chân đói khát rã rời trong cuộc tháo chạy về hướng biên giới Thái. Nay gặp cái đám mồi này quá đông nên tránh đi cho lành.

Ngủ chung với địch

Phum Kà rọi không có địch. Tiểu đoàn bố trí đội hình dừng chân nghỉ đêm tại chỗ. Tiếng hổ kêu uôm uôm quanh phum dội lại lúc xa lúc gần. Trăng mưa mù ướt, lúc tối lúc sáng nhờ nhờ. Nằm giữa chỉ huy sở đại đội nhưng cũng rất khó ngủ.

Không phải vì sợ, mà do một cảm giác hưng phấn đến lạ thường chi phối. Thiên nhiên luôn bí ẩn và hùng vĩ, bất kể trong chiến tranh hay giữa hòa bình.Quân số hao hụt trong chiến đấu, nay càng hao hụt thêm vì sốt rét. Mỗi đại đội lúc này thường chỉ còn khoảng ba chục tay súng kể cả thông tin đi phối thuộc.

Chiến trường K: Lính tình nguyện Việt Nam sống chung với hổ, ngủ chung với địch - Những khẩu AK đã lên đạn - Ảnh 5.

Bộ đội Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh - Ảnh tư liệu.

Có những trung đội chỉ còn sáu người, đại đội lại phải san bớt người ở các trung đội khác sang.Ban đêm mỗi trung đội gác 2 vọng từ chập tối. Chỉ huy sở và cối 60 cũng phải gác chung, trừ cán bộ đại đội.

Nhưng thấy anh em vất vả, các anh ấy cũng chia phần thức đêm với lính. Dừng chân tại các phum cũ, các giao lộ đường bò, không ai dám bỏ gác vì đó là những vị trí mốc, địch hay qua. Nhưng khi đi truy quét, tác chiến trong rừng rậm thường lính hay bỏ gác.

Chúng tôi tránh đường bò, cắt vào rừng xóa dấu vết mắc võng ngủ qua đêm. Rừng mênh mông biết địch hướng nào.Một buổi chiều, gần tới phum chuối, tiểu đoàn lệnh dừng chân nấu cơm sớm ăn, không ngủ trong phum.

Nhập nhoạng tà dương cơm nước mới xong. Chúng tôi rời vị trí, cắt sâu vào mé rừng dày chọn chỗ mắc võng.Tôi xuống chỉ huy sở đại đội 1 mắc dây máy, thử chuông xong trời đã tối mịt mùng.

Võng đu đưa khoan khoái, duỗi dài chân yên vị nghe tiếng cú rúc điểm canh. Hướng trung đội 3 vẫn nghe có tiếng chặt cây làm cọc phụ chí chát. Anh Chính cáu, sai thằng Đồng chạy xuống bảo chúng nó thôi chặt ngay, lộ hết vị trí giờ.

Liên lạc chưa kịp chạy, tiếng chặt cây đã ngừng.Đêm yên tĩnh trôi qua. Mờ sáng, lính trung đội 3 lào xào thu võng chuẩn bị hành quân. Thấy dăm sáu thằng lính lạ cũng đang cuốn võng gần ngay cạnh. Chưa tỏ mặt người, thằng Trung đi tới gần đứng chống súng hỏi:

- Chúng mày lính bên đại đội 2 à? Sao lại sang đây ngủ?

Tụi kia không trả lời, lẳng lặng cuốn võng. Thu đồ xong xuôi, cả bọn bất ngờ nhất loạt bỏ chạy. Quãng sau tụi nó quay súng lại bắn loác đoác như trêu tức. Đại đội chia cánh vận động lên, chúng đã biến mất tăm tích.

Tại chỗ địch chen vào đội hình ngủ hồi đêm đếm được 12 cái cọc phụ. Nghĩa là đêm hôm qua đã có 6 thằng địch ngủ gần cạnh trung đội 3 như một đơn vị phối thuộc. Thằng Trung kể đêm qua tao thấy tụi nó hút thuốc rê, tính sang xin điếu nhưng lười ngủ quên mất.

Thằng Đồng xám mặt, nghĩ đến tình thế ăn dao quắm nếu chiều qua chui vào ổ lính Kh’mer Đỏ.Rừng che bộ đội, rừng cũng che quân thù. Thiên nhiên luôn công bằng với cả hai bên tham chiến trừ các nhà thơ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại