Tướng Ukraine cảnh báo “ớn lạnh” nếu xung đột quân sự với Nga

Trí Dũng |

Cựu Phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine, trung tướng Igor Romanenko ngày 16/5 đã cảnh báo Kiev nên tránh một cuộc xung đột quân sự với Nga.

Phát biểu tên tờ “Obozrevachel”, Tướng Igor Romanenko tuyên bố, Ukraine có thể giải quyết cuộc xung đột ở phía đông (Donbass) của đất nước “trong một vài tuần”, tuy nhiên, việc triển khai một chiến dịch quân sự như vậy gần biên giới Nga là quá rủi ro đối với Kiev.

"Nếu điều này xảy ra (xung đột quân sự giữa Ukraine và Nga), thì sẽ có một vụ tàn sát đẫm máu, kết quả rất khó dự đoán cho đến cuối cùng. Tuy nhiên, chúng tôi cần hiểu rằng Nga có ưu thế quân sự vượt trội hơn nhiều so với Ukraine", Tướng Romanenko giải thích.

Ngoài ra, Tướng Romanenko cũng đưa ra lời khuyên cho Kiev "chuẩn bị và kiên quyết khôi phục biên giới, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", chờ đợi thời điểm nước Nga “suy yếu nhất”.

“Đụng độ quân sự trực tiếp ở quy mô lớn với Nga ở thời điểm hiện nay, theo quan điểm của tôi, là điều không hợp lý. Cũng giống như Nga năm 2014 (năm sáp nhập Crimea), chúng ta cần phải lựa chọn thời gian thích hợp, khi mà Nga suy yếu một cách tối đa, để hành động”, ông Igor Romanenko tuyên bố.

Đây không phải lần đầu tiên ông tướng Romanenko đưa ra những tuyên bố hiếu chiến mang tính khiêu khích chống lại Nga. Mới đây, hôm15/4, ông này khẳng định để đối phó Moscow thì Kiev cần có loại tên lửa có tầm bắn "ít nhất vươn tới Ural - một trong 8 vùng liên bang của Nga, nơi có đường biên giới phân chia châu Âu và châu Á".

Theo Tướng Igor Romanenko, sau khi ký kết Bản ghi nhớ Budapest, Ukraine đã bị tước đi không chỉ vũ khí hạt nhân, mà cả vũ khí tên lửa. Ông Romanenko lưu ý: “Chúng ta chỉ còn có tên lửa Tochka-U cũ với tầm bắn 120 km.

Và bây giờ chúng ta đang chịu hậu quả của cách tiếp cận này. Ukraine cần những tên lửa ít nhất có thể bay tới tới Ural và bao phủ toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga. Những tên lửa như vậy có thể được coi là một công cụ răn đe”.

Tướng Ukraine cảnh báo “ớn lạnh” nếu xung đột quân sự với Nga - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Poroshenko

Mối quan hệ giữa Moscow và Kiev rơi vào khủng hoảng kể từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014. Cũng vào năm này, cuộc xung đột vũ trang giữa các lực lượng đòi ly khai và quân đội Chính phủ Ukraine đã nổ ra ở miền Đông Ukraine (Donbass). Cho đến nay, cuộc xung đột đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Kiev thường xuyên đưa ra nhiều cáo buộc không bằng chứng chống lại Moscow, bao gồm "can thiệp" trong các vấn đề nội bộ Ukraine, tham gia vào cuộc xung đột ở Donbass, tiến hành "chiến tranh lai", gián điệp và tội phạm công nghệ cao.

Phía Nga phủ nhận tất cả các cáo buộc và gọi các cáo buộc này là không thể chấp nhận. Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột nội bộ Ukraine và chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Ukraine chấm dứt càng sớm càng tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại