Chiếc ống nhòm của Đại tướng Lê Đức Anh

Trần Thanh Hằng |

Năm 2009, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam mời Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tham dự Lễ phát động Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến”.

Tại buổi lễ, ông đã tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chiếc ống nhòm gắn với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử do ông chỉ huy cánh quân hướng Tây – Tây Nam.

Tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, tối ngày 14/02/2009, cán bộ, chiến sỹ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã chờ sẵn để đón những vị khách quý. Bỗng một chiếc xe biển đỏ dừng trước sảnh. Mọi người phải đỡ vị khách và đưa ông lên xe lăn.

Người đó chính là Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Mọi người vô cùng ngạc nhiên và mừng rỡ đón ông. Ông tươi cười vẫy chào mọi người.

Ông ngồi hàng ghế đầu và dự cho hết buổi lễ. Tại buổi lễ, ông đã tặng Cuộc vận động chiếc ống nhòm đã cùng ông tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ông nói: "Đó là một trong những kỷ vật quý giá nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, đó cũng là sự kiện lịch sử đánh dấu cột mốc trọng đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…".

Chiếc ống nhòm của Đại tướng Lê Đức Anh - Ảnh 1.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (thứ 4, từ trái qua) tham dự Lễ phát động Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến, tối ngày 14/02/2009 tại Nhà hát lớn thành Phố Hà Nội. Ảnh BTLSQSVN.

Những ngày sau, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đến ngôi nhà công vụ tại số 5 Hoàng Diệu để xin thêm thông tin về chiếc ống nhòm mà ông đã tặng cho Bảo tàng. Mặc dù sức khỏe đã yếu nhiều, nhưng câu chuyện ông kể về kỷ vật đã cùng ông trải qua những năm tháng trận mạc vẫn mạch lạc, khúc triết. Ông chậm rãi kể lại:

"Tháng 2/1964, tôi là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được điều vào Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam . Khi đi, Bộ Tổng tham mưu trang bị cho tôi chiếc ống nhòm màu đen, do Liên Xô (cũ) sản xuất, ký hiệu 58 x 30, số 6818266.

Để tránh sự lẫn lộn, tôi còn viết tên mình trên đó làm dấu. Với công việc của người chỉ huy quân sự, chiếc ống nhòm là vật vô cùng cần thiết vì ống nhòm có độ phóng đại trung bình từ 6-15 lần, có vạch chia để đo góc, đo cự li.

Khi tác chiến, khi chuẩn bị chiến trường, người chỉ huy phải dùng ống nhòm quan sát trận địa, các vị trí đóng quân của địch, các vật từ xa để chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc chỉ huy chiến đấu. Kể từ đó đến sau này là Tổng Tham mưu trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi vẫn dùng ống nhòm này bởi nó gắn với tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Đời tôi đã đi suốt cuộc chiến tranh giải phóng và chỉ huy bộ đội chiến đấu bảo vệ Biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, biết bao kỷ niệm không thể quên… nhưng được tham gia trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một trong những dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp của tôi".

Chiếc ống nhòm của Đại tướng Lê Đức Anh - Ảnh 2.

Đồng chí Lê Đức Anh tại khu căn cứ Tà Thiết, năm 1966. Ảnh sách Hồi ký Đại tướng Lê Đức Anh – Cuộc đời và sự nghiệp.

Rồi ông vào chuyện: "Tôi nhớ, ngày 16/4/1974, Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký lệnh 21/LCT phong quân hàm tướng cho 85 cán bộ cấp cao của Quân đội, tôi là một trong số các vị tướng được phong dịp đó nhưng đặc biệt hơn, tôi cùng anh Đồng Sỹ Nguyên được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Cũng năm 1974, cục diện chiến trường đã chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho ta. Trước sự chuyển biến của tình hình, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (họp từ ngày 30/9 đến 8/10/1974) quyết định phương án hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976.

Cuối năm 1974, tôi đang là Tư lệnh Quân khu 9 được lệnh điều về Bộ tư lệnh Miền trở lại chức Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam.

Sau khi giải phóng tỉnh Phước Long, Bộ chỉ huy Miền bắt tay xây dựng kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn và dự kiến sẽ giải phóng Sài Gòn vào tháng 4/1975 vì nếu để sang tháng 5 là đầu mùa mưa ở Nam Bộ, việc cơ động của ta sẽ khó khăn.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch do Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chính ủy; các Phó Tư lệnh gồm:

Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Trung tướng Đinh Đức Thiện và tôi (Trung tướng Lê Đức Anh); Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị là Trung tướng Lê Quang Hòa và quyền Tham mưu trưởng là Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền.

Bộ Chỉ huy chiến dịch điều động 5 quân đoàn (gồm Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232) có đủ binh chủng hợp thành, chia làm 5 cánh quân theo 5 hướng (Bắc, Tây Bắc, Đông, Đông Nam và Tây - Tây Nam) cùng các lực lượng bộ đội địa phương, dân quân và lực lượng nổi dậy của quần chúng.

Ngày 17/4/1975, tôi xuống Long An chính thức cầm quân, chỉ huy cánh quân Tây - Tây Nam, anh Lê Văn Tưởng là Chính ủy. Hướng này được Bộ Chỉ huy Miền xác định là hướng khó nhất vì phải băng qua rất nhiều cánh đồng sình lầy, sông nước, nhất là đối với các phương tiện cơ giới.

Do phải dùng pháo lớn, xe tăng, vũ khí hạng nặng mà di chuyển trong địa hình sình lầy, kênh rạch, vượt sông Vàm Cỏ Đông rất khó khăn. Với kinh nghiệm từng ở Quân khu 9 nên tôi rất có kinh nghiệm ở địa bàn này.

Tuy nhiên, với các loại xe pháo gần 800 chiếc, trong đó 1/3 xe tăng T-54, vấn đề công binh bảo đảm vượt sông cho các đơn vị tiến quân vào nội đô là điều nan giải. Tôi và các đồng chí chỉ huy cánh quân căng ra tứ phía theo sát đơn vị. Ông nhòm là phương tiện quan sát hữu hiệu theo dõi bộ đội vượt sông, hành quân, theo dõi các hoạt động của địch và bước tiến của quân ta.

Chiếc ống nhòm của Đại tướng Lê Đức Anh - Ảnh 3.

Chiếc ống nhòm kỷ vật của Đại tướng Lê Đức Anh hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh BTLSQSVN.

Cái khó ló cái khôn, để vượt qua khó khăn, ngoài cầu phà công binh hỗ trợ, chúng tôi phải dựa vào lực lượng tại chỗ để vượt sông, vượt sình lầy hoàn toàn thực hiện vào ban đêm, trong vùng kiểm soát của địch.

Cán bộ Đoàn 232 cùng cán bộ các địa phương lân cận vận động nhân dân dỡ nhà lấy gỗ mang ra chắn bùn lầy cho xe tăng đi, có nơi phải chặt và bó hàng nghìn bó cây, phân tán cất giấu nhiều nơi chống lầy.

Nhiều đoạn phải lội nước ngập đến tận cổ, dân quân không quản ngại giúp bộ đội vượt sông. Đó là kỷ niệm mà cánh quân Tây – Tây Nam đã trải qua nhưng đã hoàn thành đúng yêu cầu, đúng vị trí các mục tiêu, đúng thời gian quy định. Hướng tiến công của Đoàn 232 cũng là một trong những hướng vào Dinh Độc Lập của thời điểm trưa ngày 30/4/1975.

Kể đến đây, ông xúc động và căn dặn cán bộ Bảo tàng: "Các đồng chí nhớ đối với dân tộc ta, thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm kháng chiến, cứu nước, giải phóng miền Nam, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trên toàn thế giới…

Với tôi, tôi hiểu rằng kẻ thù đã bị sa lầy và thất bại trong biển cả của chiến tranh nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh…".

Hồi 20 giờ 10 phút, ngày 22/4/2019, trái tim Đại tướng Lê Đức Anh ngừng đập.

Ông đã về cõi vĩnh hằng không kịp dự lễ kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019) mà ông cùng bao tướng lĩnh, nhân dân, đồng đội góp phần vào chiến thắng vĩ đại đó.

Nghe tin ông từ trần, viết lại câu chuyện về những hiện vật ông tặng Bảo tàng và nhớ lần cuối ông đến bảo tàng, đến dự Lễ phát động Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu "Những kỷ vật kháng chiến", tôi thật sự xúc động.

Những người làm công tác bảo tàng là những người giữ lửa cho đời sau sẽ luôn nhớ về ông một vị tướng mưu lược trong cầm quân, rất giản dị, nhân ái và gần gũi với mọi người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại