Mũ sắt của người pháo thủ Điện Biên

Thanh Tỏa – Bảo tàng Quân khu 2​ |

Năm 2011, chúng tôi may mắn được gặp Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Thê sinh năm 1930, ở khu Cao Đại, xã Minh Phương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nguyên là Khẩu đội trưởng thuộc Trung đội 1, Đại đội 818, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tâm sự về những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình chiến đấu ở Điện Biên Phủ, ông đã tặng Bảo tàng Quân khu 2 chiếc mũ sắt mà ông gìn giữ suốt hơn nửa thế kỷ.

Ông Nguyên Mạnh Thê nhập ngũ năm 1949, được biên chế vào Cục 3, Cục Thông tin liên lạc, làm việc trực tiếp tại Phòng Vô tuyến điện thuộc Cục Thông tin liên lạc, Bộ Tổng tham mưu. Tháng 12/1952, ông được chuyển vào Trung đoàn 367 và đi học kỹ thuật cao xạ ở Tân Dương, Quảng Châu, Trung Quốc.

Tháng 12/1953, ông được lệnh về nước cùng đơn vị chuẩn bị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được biên chế Khẩu đội trưởng thuộc Trung đội 1, Đại đội 818, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367. Đây là trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội ta, tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vì ông là pháo thủ nên được trang bị mũ sắt để chống đạn. Trong suốt chiến dịch ông tham gia chiến đấu hàng trăm trận.

Vào cuối đợt 2 của chiến dịch, trong một trận vừa chiến đấu với máy bay địch, vừa vác đạn phục vụ cho một đơn vị trọng pháo 105, ông bị mảnh đạn đại bác của Pháp lia vào đầu, nhưng may có mũ sắt bảo vệ nên đã thoát chết và tiếp tục được chiến đấu cho đến khi thắng lợi hoàn toàn. Từ đó chiếc mũ sắt như ân nhân, trở thành kỷ niệm sâu sắc của đời ông.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi hoàn toàn, ta bắt sống tướng Đờ Cát, khép lại cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2 kéo dài suốt 9 năm (1946-1954).

Sau chiến thắng Điện Biên, ông được vinh dự đứng trong hàng quân duyệt binh mít tinh chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ ngay tại chiến trường Điện Biên và được Ban chỉ huy Trung đoàn 367 tặng giấy khen vì đã có thành tích chiến đấu dũng cảm trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch.

Sau đó ông làm nhiệm vụ huấn luyện kỹ thuật pháo cao xạ 37mm, 12,7mm và kỹ thuật thông tin liên lạc tại đơn vị.

Năm 1956, ông được chỉ huy Trung đoàn 38, Đại đoàn 308 tặng giấy khen vì đạt thành cao trong huấn luyện.

Mũ sắt của người pháo thủ Điện Biên  - Ảnh 1.

Cựu chiến binh trên địa bàn tham quan hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 2. Ảnh BTQK2.

Đến năm 1959, do hoàn cảnh gia đình, ông xuất ngũ với cấp bậc Chuẩn úy, Trung đội trưởng. Trở về địa phương, phát huy truyền thống chiến sĩ Điện Biên, ông tích cực, gương mẫu chấp hành và vận động bà con lối xóm thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và giàu đẹp.

Ông Nguyễn Mạnh Thê tâm sự, mặc dù chỉ có 10 năm được phục vụ quân đội, nhưng đây là khoảng thời gian đẹp nhất, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của ông, vì được Bác Hồ, Đảng và Quân đội giác ngộ bằng tình thương yêu giai cấp, được góp sức nhỏ bé của mình vào cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của dân tộc.

Từ những suy nghĩ ấy, ông đã giữ lại tất cả những gì gắn bó với ông trong quân ngũ như giữ gìn đồ vật quý để làm kỷ niệm, trong đó có chiếc mũ sắt (số đăng ký 1163K3-408).

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những kỷ niệm về những ngày tháng học tập miệt mài trên đất nước Trung Quốc, những cuộc hành quân gian nan chở pháo về nước, và những trận đánh oai hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên trong trí nhớ của ông.

Vì vậy, ngày 20/8/2009, Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Thê trao tặng chiếc mũ sắt cho Bảo tàng Quân khu 2 với mong muốn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại