Khi trẻ sốt: Khi nào cần hạ sốt? Khi nào cần đi bác sĩ?

Tiểu Nhã |

Những trường hợp cần đưa trẻ đi khám ngay là trẻ dưới 3 tháng bị sốt, trẻ 3 - 12 tháng sốt trên 38.9 độ C, trẻ sốt cao trên 40 độ C, sốt kéo dài trên 2 - 3 ngày.

Khi trẻ sốt, cha mẹ vội cho uống thuốc hạ sốt ngay là không có lợi

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng hiện công tác tại Phòng khám Nhi MD KIDS PEDIATRICS, TP Irving, Texas, Hoa Kỳ cho biết sốt là phản ứng của cơ thể với tác nhân bên ngoài như vi trùng, siêu vi, tiêm cắc xin. Sốt là một phản ứng tự vệ của cơ thể để chống lại các kẻ xâm nhập.

Sốt tạo ra môi trường không thích hợp cho vi trùng, làm giảm sắt trong máu tạm thời khiến vi trùng khó phát triển, đồng thời kích ứng các phản ứng miễn dịch trong cơ thể nhằm chiến đấu với bọn xâm lược.

Chính vì thế, khi có bệnh, sốt làm cho mình mệt mỏi nhưng mà cần thiết. Trường hợp cha mẹ thấy con sốt đã vội đè ra cho trẻ uống thuốc là không có lợi cho con, thậm chí còn có hại. Trường hợp trẻ chích ngừa xong nếu có sốt nhẹ là bình thường, là thuốc có tác dụng, không cần lo.

Khi trẻ sốt: Khi nào cần hạ sốt? Khi nào cần đi bác sĩ? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên nếu sốt cao quá thì sẽ làm con đừ, mệt mỏi, ăn uống kém, mất nước lúc này sẽ cần giảm sốt. Vì sốt quá cao có thể gây tổn thương đến các cơ quan trong cơ thể (sốt ác tính).

Sốt vẫn lạnh run vì sao? theo bác sĩ Hưng nhiều cha mẹ thắc mắc tại sao sốt nhiệt độ cao mà người vẫn lạnh run. Bởi vì, khi nhiệt độ trong cơ thể được điều hòa bởi trung tâm điều hòa ở vùng hạ đồi của não. Bình thường hạ đồi duy trì nhiệt độ cơ thể quanh 37 độ C.

Khi bị nhiễm trùng, vi trùng tiết ra các chất hóa học, khi hạ đồi nhận thấy các chất hóa học này, thì sẽ tăng máy điều hòa lên 38,9 độ C là bình thường.

Khi đó cơ thể đang có nhiệt độ 37 độ C sẽ cảm thấy lạnh vì dưới nhiệt độ bình thường là 38.9 độ C mới được quy định lại bởi hạ đồi, làm mình run lẩy bẩy, khi run thật ra là rung giật các cơ bắp, sinh nhiệt làm tăng nhiệt độ cơ thể lên tới 38.9 độ C thì hết run.

Khi nào cần hạ sốt? Khi nào cần đi bác sĩ?

- Khi trẻ có biểu hiện sốt cao trên 38 độ C, đo ở vùng hậu môn nếu trẻ dưới 3 tháng cần cho trẻ đi khám bác sĩ dù không có triệu chứng gì khác, vì tuổi này mà có sốt thì 60 - 70% là có nhiễm trùng nghiêm trọng.

Khi trẻ sốt: Khi nào cần hạ sốt? Khi nào cần đi bác sĩ? - Ảnh 2.

Bác sĩ Trương Hoàng Sơn

- Trường hợp, trẻ 3-6 tháng nếu sốt dưới 38.9 độ C không cần uống thuốc, cho uống nhiều nước, nghỉ ngơi, liên hệ hay khám bác sĩ nếu trẻ bứt rứt,khó chịu, lừ đừ, ói nhiều, tiêu chảy nhiều, khó thở, bỏ bú,…Còn sốt cao hơn 38.9 độ C nên cho trẻ đi khám ngay.

- Trẻ 6-24 tháng sốt dưới 38.9 độ C cho trẻ uống nhiều nước, nghỉ ngơi. Khi trẻ sốt trên 38.9 độ C cần hạ sốt bằng lau mát, cho uống thuốc acetaminophen (Tylenol, paracetamol), ibuprofen (Advil, Motrin, Aleve).

Khi sử dụng thuốc hạ sốt cho bé, bác sĩ Hưng nhấn mạnh cần nhớ là cho thuốc đúng liều theo cân nặng. Trẻ trên 12 tuổi hay hơn 40kg thì dùng theo liều người lớn.

Với thuốc Acetaminophen: 10-15 mg/kg/liều mỗi 4-6 tiếng, tối đa 75mg/kg/ngày hay 1g/4 tiếng hay 4g/ngày, với thuốc Ibuprofen: 6-10mg/kg/liều mỗi 6-8 tiếng, tối đa 40mg/kg/ngày, nhớ cho ăn hay uống sữa trước khi uống thuốc.

- Trường hợp trẻ 2-18 tuổi sốt dưới 38.9 độ C cho trẻ uống nhiều nước, nghỉ ngơi, khám bác sĩ nếu bé mệt, lừ đừ. Sốt trên 38.9 độ C thì cho uống hạ sốt và khám bác sĩ nếu sốt không hạ với thuốc hay hơn 3 ngày.

Theo bác sĩ Hưng một trẻ sốt mà vẫn chơi, ăn uống bình thường thì thường không có gì đáng ngại. Mẹ cần quan sát và nên đi khám khi: trẻ dưới 3 tháng bị sốt (kiểm tra bằng nhiệt kế), trẻ 3-12 tháng sốt trên 38.9 độ C, trẻ sốt cao trên 40 độ C, sốt kéo dài >2-3 ngày

Ngoài ra, khi sốt trẻ có triệu chứng khác như: co giật, khó thở, đau bụng, nhức đầu nhiều, cứng cổ, đau sưng khớp, tiêu chảy nhiều hay có máu, ói nhiều, ho có máu, sụt cân,… trẻ có bệnh mãn tính hay suy giảm miễn dịch cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế.

Trường hợp trẻ bị sốt, bác sĩ Hưng nhấn mạnh tuyệt đối không bao giờ dùng Aspirin để hạ sốt trên trẻ em, có thể gây hội chứng Reyes nguy hiểm chết người.

Lau mát hay tắm nước ấm, không phải nước lạnh, nước lạnh sẽ làm sốt cao hơn. Các túi gel hạ sốt thật ra không hiệu quả, vì diện tích tiếp xúc quá ít và lạnh, có khi còn làm sốt thêm.

Tuyệt đối bác sĩ Hưng khuyến cáo không dùng thuốc hạ sốt kiểu phòng ngừa, không có tác dụng phòng ngừa mà dễ gây tác dụng phụ. Thuốc hạ sốt không phải là thuốc cảm, nên không phải cảm là uống hạ sốt mỗi ngày cho đến khi hết cảm. Hết cảm sẽ qua viêm loét dạ dày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại