Chiếc đồng hồ của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân

Đặng Bích Liên |

Trong số các phần thưởng cao quý của Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Thanh Ngân, có một chiếc đồng hồ do Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng sau chiến công bắn rơi máy bay F-105 của Mỹ trong trận không chiến ngày 18/11/1967. Kỷ vật nay được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với số đăng ký 9567-K1-1207.

Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, sinh ngày 18/4/1939 tại xã Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ảnh hưởng từ người cha tham gia kháng chiến nên Phạm Thanh Ngân sớm có ý định nhập ngũ.

Ban đầu, ông được gọi vào lực lượng pháo binh. Nhưng như một định mệnh, ông tham gia khám tuyển phi công và được chọn đi học lái máy bay MiG-17 ở Liên Xô vào tháng 10/1961.

Trong quá trình học tập, Phạm Thanh Ngân vừa khổ luyện học ngoại ngữ, vừa phải cố gắng học kiến thức thực tiễn để sớm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tháng 12/1963, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi đang học tại đây. Tháng 10/1964, ông trở về nước và trở thành phi công lái máy bay MiG-17 tại Trung đoàn 921 Không quân.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, Không quân ta còn sử dụng máy bay MiG-17, chỉ mang được pháo mà không có tên lửa, trong khi Mỹ có vũ khí tối tân và dàn máy bay siêu âm hiện đại như F-105, F-4…

Đến cuối năm 1965, đầu 1966, Liên Xô bắt đầu viện trợ các mẫu máy bay MiG-21 đầu tiên. Tháng 8/1965, phi công Phạm Thanh Ngân tiếp tục được lựa chọn đi học lái máy bay MiG-21 ngắn hạn để nhanh chóng làm chủ trang bị mới. Tháng 6/1966, ông về nước trực tiếp tham gia chiến đấu.

Ban đầu, kinh nghiệm thực chiến chưa nhiều, ông chưa bắn hạ được máy bay Mỹ nào. Sau một thời gian nghiên cứu, được đồng chí Trần Hanh trực tiếp truyền đạt, ông bắt đầu tích lũy kinh nghiệm và lập nên những chiến thắng vang dội trên bầu trời.

Chiếc đồng hồ của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân - Ảnh 1.

Phi công Phạm Thanh Ngân (đứng giữa) cùng các đồng đội sau một chuyến bay. Ảnh Tư liệu.

Trong thời gian từ năm 1966 - 1968, ông đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu và trực tiếp bắn rơi 8 máy bay Mỹ và chỉ huy đơn vị bắn rơi 8 chiếc khác. Ông trở thành 1 trong 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu phi công ưu tú Ace (Át chủ bài)[1], phi công bắn rơi nhiều máy bay đối phương.

Một số chiến công tiêu biểu của ông: Ngày 4/5/1967, phi công Phạm Thanh Ngân lái máy bay MiG-21 số hiệu 4324 bắn rơi 1 chiếc F-105 trên vùng trời Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Ngày 29/7/1967, ông cùng phi công Nguyễn Ngọc Độ bắn rơi 1 chiếc F-4. Ngày 16/9/1967, ông bắn rơi một chiếc máy bay trinh sát và gây nhiễu điện tử RF-101C.

Chiếc đồng hồ của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân - Ảnh 2.

Thượng tướng Phạm Thanh Ngân kể lại trận một trận đánh cùng máy bay MiG-21 số hiệu 4324. Ảnh BTLSQSVN.

Đặc biệt là trận không chiến ác liệt ngày 18/11/1967 giữa biên đội MiG-21 của Trung đoàn Không quân 921 với 4 tốp máy bay F-105 và F-4 của Không đoàn tiêm kích chiến thuật 388 Mỹ trên bầu trời Yên Bái, Phú Thọ.

Trong trận không chiến ấy, phi công Phạm Thanh Ngân và phi công Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi 3 chiếc F-105, làm rối loạn đội hình địch, tạo điều kiện cho tên lửa mặt đất và pháo phòng không tác chiến, bắn rơi thêm nhiều máy bay địch.

Các tài liệu về sau nghiên cứu, Không đoàn tiêm kích chiến thuật 388 của không quân Mỹ bị thiệt hại về chỉ huy gồm Đại tá, Không đoàn trưởng Edward Burke Burdett (trúng tên lửa SAM) và Trung tá, Phó Không đoàn trưởng William N. Reed (trúng tên lửa R3S của phi công Nguyễn Văn Cốc).

Năm 1968, trong lần gặp mặt anh hùng, chiến sĩ thi đua, thanh niên xung phong tiêu biểu có nhiều thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở hai miền Nam - Bắc tại Phủ Chủ tịch, ông vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người căn dặn: "Các chú phải chăm học tập, rèn luyện hơn nữa, càng học tập, càng tiến bộ, càng tiến bộ thì đánh địch càng giành thắng lợi". Lời dạy của Bác in sâu trong tâm trí ông suốt cuộc đời.

Chiếc đồng hồ của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân - Ảnh 3.

Chiếc đồng hồ Bác Hồ tặng Thượng tướng Phạm Thanh Ngân. Ảnh BTLSQSVN.

Với những thành tích đạt được, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng 3, 4 Huân chương Chiến công; 2 lần được bầu làm Chiến sĩ thi đua và Chiến sĩ Quyết thắng.

Ngày 18/6/1969, ông vinh dự được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi đang là Đại úy, Đại đội trưởng, Trung đoàn Không quân 921.

Điều đặc biệt là hai trong số các máy bay MiG-21 mà ông từng điều khiển, mang số hiệu 4324 và 4326, đều là những chiếc máy bay có số lần bắn hạ đối phương cao nhất (4324 với 14 lần và 4326 với 13 lần).

Sau này, chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia vào ngày 14/1/2015 và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Tháng 12/1968, trong một dịp Bác Hồ thăm Quân chủng Phòng không – Không quân, Người đã tặng ông chiếc đồng hồ kỷ niệm. Đó là chiếc đồng hồ do Liên Xô sản xuất, chất liệu bằng kim loại, màu trắng, mặt tròn có chữ tiếng Nga, dây da nâu, phía sau khắc chữ: "Bác Hồ tặng Phạm Thanh Ngân, tháng 12/1968".

Khi trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ông nói rằng: "Tôi vẫn giữ nguyên trong hộp làm kỷ niệm từ đó đến giờ. Tất cả những gì quý nhất trong cuộc đời chiến đấu, tôi trao cho bảo tàng để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ"./.


[1] Phi công bắn rơi trên 5 máy bay đối phương trở lên được coi là Ace.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại