Chế độ ăn uống dự phòng và điều trị tăng huyết áp

ThS.BS. NGUYỄN VĂN TIẾN |

Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong dự phòng và điều trị tăng huyết áp (THA), có mối liên quan chặt chẽ tác động đến huyết áp động mạch qua nhiều khâu, đặc biệt là lượng các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày như: Natri, kali, canxi, tổng số chất béo và thành phần chất béo, tiêu thụ rượu.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy ở những vùng dân cư có tỉ lệ THA thấp thì chế độ ăn hàng ngày nhiều rau xanh, hoa quả và cá.

Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng, trong đó có tăng huyết áp, điều đó đã góp phần làm thay đổi mô hình bệnh tật và tử vong ở Việt Nam.

Từ số liệu điều tra cho thấy, tỉ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng gần gấp 2 lần sau 13 năm từ 11,2% (1992) lên 20,7% (2005) và cuộc điều tra do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy ở người trưởng thành từ 18 - 69 tuổi có tỉ lệ tăng huyết áp là 18,9%; tỉ lệ tăng cholesterol máu là 30,2%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì người trưởng thành khỏe mạnh thường có huyết áp ở mức 120/80 mmHg. Tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu (HA tối đa) ≥ 140mmHg, huyết áp tâm trương (HA tối thiểu) ≥ 90mmHg.

Natri đóng vai trò quan trọng trong THA, thông thường lượng natri niệu trong 24 giờ được sử dụng để đánh giá lượng natri tiêu thụ hàng ngày từ chế độ ăn.

Ở những nơi, những vùng có thói quen ăn mặn thì tỉ lệ người THA cao hơn so với những nơi có tập quán ăn nhạt.

Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng năm 1992: người dân Nghệ An ăn trung bình 14g muối/ngày và Thừa Thiên Huế 13g muối/ngày thì tỉ lệ THA là 18%. Trong khi đó, ở Hà Nội người dân ăn trung bình 9g muối/ngày thì tỉ lệ THA gần 11%.

Chế độ ăn uống dự phòng và điều trị tăng huyết áp - Ảnh 1.

Chế độ ăn giàu kali có thể giảm huyết áp ở những người có tiền sử tăng huyết áp

Natri trong chế độ ăn hàng ngày có thể tạo ra từ 2 nguồn chính (phần cho thêm vào thức ăn, phần này phụ thuộc khẩu vị từng người) và nguồn có sẵn trong thực phẩm (natri được cho thêm vào trong thực phẩm trong quá trình chế biến và nguồn có trong thực phẩm).

Trong các thực phẩm tự nhiên, natri có sẵn với một lượng nhất định, thường có nhiều ở thức ăn nguồn động vật như thủy, hải sản, thịt, sữa và các sản phẩm của sữa…

Trong 100g thực phẩm, lượng natri có như sau: cua bể (316mg), cua đồng (453mg), tôm đồng (418mg). Đối với sữa, hàm lượng natri cũng gần tương đương với thủy, hải sản: trong 100g sữa bò tươi chứa 380mg, sữa bột toàn phần là 371mg.

Những thực phẩm có nhiều natri là những loại thịt gia cầm đóng hộp, hun khói, sấy khô. Các loại cá và sản phẩm chế biến như: cá hun khói, đóng hộp, các món ăn cá chế biến sẵn; tất cả các loại rau quả đóng hộp, các loại mắm đóng chai, mì ăn liền...

Các loại thịt chứa lượng natri thấp hơn, trong 100g ăn được, lượng natri có như sau: thịt gà ta (70mg), thịt lợn (76mg), thịt bò loại 1 (83mg)…

Tỉ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng gần gấp 2 lần sau 13 năm

Các yếu tố liên quan đến tăng huyết áp

- Ăn nhiều muối làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào đối với natri, ion Na+ sẽ được vận chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và THA.

Ăn nhiều muối gây THA, vì thế uống lợi tiểu thải muối muối sẽ hạ huyết áp.

Trong khẩu phần giàu: kali, canxi, magie có tác dụng hạ huyết áp đối với bệnh nhân THA; chế độ ăn ít natri và mì chính, giàu kali, calci, magie có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng hạ huyết áp của kali do tác dụng tăng thải natri.

Kali được phân bố rộng rãi trong thực phẩm và lượng thay đổi khác nhau tùy nhóm thực phẩm: một khẩu phần ăn trung bình cung cấp khoảng 2,5 - 3,0g kali/ngày.

Nhóm rau quả cung cấp kali nhiều nhất như: khoai tây, su hào, bí đao, mưới, đậu đỗ. Sữa cũng nhiều kali, tiếp đến là thịt, trứng, sản phẩm ngũ cốc và các loại rau. Chế độ ăn giàu kali (4 - 5g/ngày) có thể giảm huyết áp ở những người có tiền sử THA.

- Chế độ ăn nhiều chất béo có liên quan đến THA, chế độ ăn giảm chất béo tổng số từ 38 - 40% năng lượng khẩu phần giảm xuống 20 - 25% hoặc tăng tỉ lệ giữa axít béo không no và axít béo no từ 0,2 lên 1 thì huyết áp giảm rõ rệt.

Bữa ăn bổ sung cá, dầu cá có tác dụng giảm huyết áp, đó là do vai trò của các acid không no n-3 và n-6, ngoài ra chế độ có nhiều cholesterol cũng có liên quan tới THA.

- Những người nghiện rượu, uống rượu thường xuyên có liên quan đến THA. Ở người tăng huyết áp, bỏ rượu thì huyết áp giảm.

- Béo phì và tăng huyết áp: tỉ lệ THA ở người béo phì cao hơn hẳn ở người không béo phì. Có mối liên quan trực tiếp giữa tăng cân và THA.

Ở người thừa cân - béo phì nếu có chế độ ăn hợp lý kết hợp với luyện tập giảm được cân nặng, đồng thời huyết áp cũng giảm.

Một chế độ ăn điều trị liên quan đến giảm natri trong điều trị THA là chế độ ăn nhạt, nhiều rau xanh và hoa quả. Chế độ ăn này giàu kali, giàu vitamin, chất xơ, thấp natri và chất béo.

Chế độ ăn "không thêm muối" đòi hỏi bệnh nhân không được ăn muối trong khi chế biến thực phẩm và không ăn muối tại bàn ăn, ngoài ra việc tiêu thụ những thực phẩm nhiều muối cũng nên hạn chế.

Chế độ ăn uống hợp lý có tác dụng phòng và điều trị tăng huyết áp

Nguyên tắc của chế độ ăn là: ít natri, giàu kali, canxi, magie, giàu vitamin và các chất vi lượng, giàu các chất chống oxy hóa, giàu chất xơ, giảm chất béo no, tăng chất béo không no, giảm chất kích thích…

Hạn chế ăn muối, giảm mì chính: một thìa 5g muối có chứa khoảng 2.000mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng trong ngày với một người trưởng thành.

Bỏ thức ăn chứa nhiều muối như: cà muối, dưa muối, mắm tôm, mắm tép, thức ăn đóng hộp... Ăn nhiều rau xanh và hoa quả chín để có nhiều chất chống oxy hóa, nhiều kali.

Hạn chế các thức ăn kích thích: bỏ rượu, cà phê, nước chè đặc. Nên sử dụng các thức ăn, nước uống có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu: hạt sen, ngó sen…

Đối với nam giới nên uống không quá 2 đơn vị rượu hoặc nữ giới không nên quá 1 đơn vị rượu mỗi ngày. Một đơn vị rượu tương đương 1 cốc vại bia hoặc 1 chén 30ml rượu mạnh.

Chế độ ăn uống dự phòng và điều trị tăng huyết áp - Ảnh 2.

Sữa đậu nành có tác dụng lợi tiểu, an thần, hạ huyết áp

Cần thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý:

Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55 - 67 % tổng năng lượng trong ngày.

Người thừa cân béo phì có thể tính năng lượng theo mức BMI: nếu BMI từ 25 - 29,9 năng lượng ăn vào là 1.500kcal/ngày, BMI từ 30 - 34,9 năng lượng đưa vào là 1.200kcal/ngày, BMI từ 35 - 39,9 năng lượng ăn vào là 1.000kcal/ngày, BMI ≥ 40 thì năng lượng đưa vào là 800kcal/ngày.

Hạn chế ăn muối, giảm mì chính

Chất đạm: năng lượng do protein cung cấp chiếm 13 - 20% năng lượng khẩu phần, dùng nhiều protein thực vật như đậu đỗ. Ăn ít đường, bánh kẹo ngọt.

Theo nhu cầu khuyến nghị không nên ăn quá 25g đường/người/ngày từ tất cả các nguồn thực phẩm, đồ uống, tương đương 5 thìa cà phê đường. Tốt nhất là ăn tinh bột từ các hạt ngũ cốc và khoai củ.

Chất béo: năng lượng từ chất béo cung cấp từ 20 - 25% năng lượng khẩu phẩn. Ăn ít mỡ, bơ, nên dùng dầu từ cá, đậu tương, lạc vừng, dầu hướng dương.

Với người béo phì ít ăn dầu mỡ hơn, không ăn thức ăn có nhiều cholesterol như: óc, lòng, tim, gan, thận. Mỗi người trưởng thành, trung bình nên ăn khoảng 25 - 30g dầu, mỡ một ngày tương đương 5 - 6 thìa cà phê dầu, mỡ.

Vitamin và chất khoáng cung cấp đầy đủ từ rau xanh và hoa quả chín, đặc biệt là vitamin C, E, A - có nhiều trong rau, quả như: giá, đậu đỗ và các vitamin nhóm B: B12, B6, axít folic. Theo nhu cầu của người trưởng thành ăn cần ăn 400g rau xanh và hoa quả chín/ngày, trong đó ít nhất là 100g hoa quả/ngày.

Thức uống: nước chè xanh, chè hoa hòe, sữa đậu nành, nước ngô luộc, nước rau luộc có tác dụng lợi tiểu, an thần, hạ huyết áp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại