Nga được Mỹ cởi trói khỏi INF: Có quốc gia châu Âu nào muốn "tự sát"?

Lê Ngọc Thống |

Cuối tuần qua, Tổng thống Hoa Kỳ lại một lần nữa làm "nóng lên" quan hệ giữa Nga-Mỹ. Ông Donald Trump tuyên bố Washington sẽ rút khỏi INF.

TT Trump nói rằng, lý do cho điều này là Nga vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Tuy nhiên, phía Nga, ngược lại, tin rằng Hoa Kỳ vi phạm các điều kiện…

Trong khi đó, cố vấn cho Tổng thống Hoa Kỳ về an ninh quốc gia John Bolton đã bay sang Nga. Ông sẽ tổ chức hội đàm với các quan chức Nga với nhiều vấn đề chuẩn bị cho cuộc gặp Trump-Putin tại Paris vào tháng 11, trong đó có vấn đề Hoa Kỳ "thoát" khỏi INF.

Thế giới hãy tỉnh táo đi, hãy xem họ, Nga-Mỹ làm, chứ đừng vội nghe họ nói, bởi chính trị là thủ đoạn.

Thật ngạc nhiên là có nhiều nhà bình luận quốc tế lại cho rằng hành động của Mỹ rời khỏi INF là để chống Trung Quốc? Vậy Trung Quốc có liên can gì trong chuyện INF (thỏa thuận song phương Mỹ-Liên Xô)?...

Nga được Mỹ cởi trói khỏi INF: Có quốc gia châu Âu nào muốn tự sát? - Ảnh 1.

Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria.

INF là gì và tại sao Mỹ sẽ rút khỏi INF?

Hiệp ước Vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) là một thỏa thuận song phương, vô thời hạn mà Mỹ đã ký với Nga vào tháng 12/1987 có hiệu lực vào ngày 01/06/1988.

Hiệp ước INF, cấm hai bên sản xuất, thử nghiệm và triển khai các loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn vào khoảng 500 – 1.000 km (đối với loại tầm ngắn) và 1.000 – 5.000km (đối với loại tầm trung). Hai nước cũng phải giải giáp tất cả các hệ thống tên lửa có tầm bắn từ 500 – 5.500km.

Sau đây là lợi, hại của 3 bên có liên can trực tiếp đến INF là Liên Xô, Mỹ và Phương Tây – đồng minh của Mỹ:

Lợi ích chung của 3 bên: Đây là Hiệp ước được coi như là kết thúc chiến tranh lạnh của Liên Xô với Mỹ-Phương Tây. INF tạo ra một sự ổn định chiến lược, một cấu trúc an ninh an toàn cho châu Âu-Liên Xô mà không ảnh hưởng gì đến an ninh nước Mỹ vì các loại tên lửa này không với tới Mỹ.

Với Liên Xô, ngoài lợi ích chung trên thì về mặt quân sự, Liên Xô bị thiệt hại khi mất đi ưu thế của các loại tên lửa này so với Mỹ-NATO. Liên Xô tiêu hủy 1.843 trong khi Mỹ-NATO chỉ 843, cho nên, INF được coi là không công bằng với Liên Xô bởi cả 3 bên đều trở về số không.

Với Mỹ, nếu Liên Xô bị thiệt hại thì có nghĩa Mỹ được lợi khi Mỹ đã triệt hạ được ưu thế quân sự của Liên Xô về các loại tên lửa này trên châu Âu. Nhưng cái lợi to lớn, đáng giá hơn là bắt đầu từ đây, trên thế giới, duy nhất chỉ có Mỹ là có loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung này.

Thật thế, đối tượng bị cấm là những loại tên lửa có tầm bắn từ 500-5.500km phóng từ mặt đất mà không phải được phóng từ mặt biển (trên tàu chiến, tàu ngầm), trong khi đó, Hải quân Nga chưa có tàu nào được trang bị loại tên lửa có tầm bắn này, nhưng ngược lại hải quân Mỹ lại có nhiều…

Nga được Mỹ cởi trói khỏi INF: Có quốc gia châu Âu nào muốn tự sát? - Ảnh 2.

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công các mục tiêu ở Syria.

Chẳng hạn, chúng ta đã biết, chỉ riêng một hạm đội tàu sân bay Mỹ được trang bị tính tổng cộng khoảng gần 500 tên lửa hành trình Tomahawk, nhưng tại thời điểm đó cho đến ngày 7/10/2015, Liên Xô và Nga sau này không có loại tên lửa tầm trung, tầm ngắn được phóng từ trên biển như Mỹ.

Ký INF thì Mỹ được lợi như trên, vậy thì tại sao Mỹ lại tuyên bố sẽ rút khỏi INF?

Nếu như nói rằng, hiện nay khi Nga bị NATO bao vây, một số quốc gia láng giềng với Nga như Ukraine, Gruzia đang có quyết tâm gia nhập NATO thì đã đến lúc Mỹ thay đổi chiến thuật: Rút khỏi INF nhằm để tái bố trí các loại tên lửa này sát nách Nga…thì hợp logic nhưng không đúng thực tế.

Thứ nhất, khi tên lửa loại này bố trí sát nách Nga thì thời gian bay đến Nga giảm thiểu sẽ triệt tiêu khả năng đánh chặn của hệ thống phòng không Nga?

Nhưng trên thực tế, tên lửa Trident II đạn đạo của Mỹ, được phóng từ các tàu sân bay, tàu ngầm dọc theo một quỹ đạo bằng phẳng sẽ đến Nga chỉ sau vài phút so với các tên lửa tầm trung được phóng từ châu Âu.

Hơn nữa, việc đánh chặn Trident II lại khó khăn hơn các tên lửa tầm trung. Trong khi đó khả năng đánh chặn của hệ thống phòng không S-400, chưa kể đến khu vực phòng thủ tên lửa phòng không xung quanh Moscow, có thể dễ dàng chặn được 100 tên lửa tầm trung.

Do đó, ý đồ nêu trên là không thuyết phục và không hiệu quả.

Nga được Mỹ cởi trói khỏi INF: Có quốc gia châu Âu nào muốn tự sát? - Ảnh 3.

Tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Thứ hai, phản ứng của Châu Âu. Đức đã từng không cho Mỹ bố trí tên lửa Trident II và nói chung Châu Âu không muốn sống dưới mũi của tên lửa Nga, không muốn một cuộc chiến tranh lạnh trở lại, không muốn Châu Âu thành một "tấm khiên hạt nhân" của Mỹ.

Tổng thống Putin hôm 24/10 cho biết Nga buộc phải nhắm vào bất cứ quốc gia châu Âu nào đồng ý để Mỹ triển khai tên lửa trên lãnh thổ của mình khi Mỹ rút khỏi INF. Vậy liệu có quốc gia châu Âu nào muốn tự sát?

Chính vì thế, hy vọng châu Âu sẽ tăng ngân sách quốc phòng, cho Mỹ triển khai vũ khí tên lửa tầm trung, tầm ngắn (có thể mang đầu đạn hạt nhân) trên lãnh thổ của mình trong tình thế Châu Âu hiện nay đã biết, đã dám dùng từ "không" với Mỹ, là gặp vô vàn khó khăn, khó thực hiện.

Thứ ba, thực tế là chế tạo các loại tên lửa này là sở trường của Nga và trong quá khứ nó chất lượng hơn cùng loại của Mỹ. Chi phí cho loại tên lửa này phóng trên biển và trên không là vô cùng tốn kém, trong khi loại này phóng ở đất liền lại rất dễ với Nga…

Vì thế, rút khỏi INF để đẩy Nga vào vũng lầy "chạy đua vũ trang" là thiếu hợp lý, trong khi chắc chắn tạo điều kiện cho Nga phát huy sở trường. Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng, rút khỏi INF, chính Mỹ đã cởi trói cho Nga là không sai.

Rốt cuộc, đằng sau tuyên bố của Nhà Trắng rút khỏi INF là gì?

Thỏa thuận Mỹ-Nga?

Thực tế chưa có "câu trả lời" chính thức của Bộ Quốc phòng Nga trước tuyên bố của Nhà Trắng sẽ rút khỏi INF. Vậy liệu Nga có "câu trả lời" như thế nào khi Mỹ chính thức rút khỏi INF?

Điều lạ, rất lịch sự, khác với cách hành xử của siêu cường bá chủ thế giới lâu nay của Hoa Kỳ, đó là khi Mỹ cho Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton sang Nga để bàn chuyện rút khỏi INF.

Hãy để ý đến lực lượng tên lửa tầm ngắn, tầm trung của Trung Quốc, chưa kể đến Triều Tiên:

Số liệu có từ năm 2017, Lực lượng Tên lửa Trung Quốc còn có hơn 120 tên lửa đường đạn tầm trung (1.750-3.000 km) và gần 200 tên lửa tầm ngắn (300-600 km) và hơn 50 tên lửa hành trình chiến lược phóng từ mặt đất (tầm bắn hơn 3.000 km).

Rõ ràng là, trong khi Nga và Mỹ không có loại tên lửa này phóng từ mặt đất thì Trung Quốc - đối tượng của Mỹ, lại có gần 500 đơn vị, chưa kể Triều Tiên. Mỹ đã đến lúc không thể coi thường Trung Quốc như trước đây được nữa rồi.

Tuyên bố rút khỏi INF, Mỹ (và cả Nga) muốn Trung Quốc cũng phải tham gia vào INF để hủy bỏ gần 500 đơn vị tên lửa đã có.

Nhưng, nếu như Trung Quốc không chấp nhận thì Mỹ sẽ sử dụng, bố trí các loại tên lửa này tại các căn cứ ở Châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.

Vấn đề là Nga sẽ phản ứng ra sao khi Mỹ tái sản xuất, triển khai vũ khí này đáp trả Trung Quốc?

Logic của tình thế là nếu như NATO không triển khai loại tên lửa này nhằm vào Nga thì Nga cũng không cần thiết phải "có câu trả lời" mà vấn đề đó là riêng của Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng, tất nhiên, phải có độ tin cậy giữa Nga và phương Tây thông qua một thỏa thuận Nga-Mỹ.

Ở góc nhìn quân sự, nếu Mỹ và Nga ép được Trung Quốc cùng ký INF thì có lợi cho Mỹ và Nga hơn. Do đó, điều gì sẽ xảy ra khi Nga-Mỹ có cùng lợi ích?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại