Không nghi ngờ gì nữa, Nga đã triển khai tên lửa Kh-35U ở Syria
Đầu năm 2016, Kênh truyền hình RT (Nga) phiên bản tiếng Ả rập đã phát một phóng sự về các hoạt động của Không quân Nga ở Syria trong đó có hình ảnh một chiếc tiêm kích Su-34 dường như đang mang 2 quả tên lửa diệt hạm Kh-35U khi cất cánh. Đoạn clip chỉ thoáng qua rất nhanh, khiến người ta chưa thể khẳng định.
Hình ảnh được cho là chiếc Su-34 mang theo tên lửa diệt hạm Kh-35U hoạt động tại Syria vô tình lộ ra năm 2016.
Tuy nhiên, đến giờ phút này, không còn nghi ngờ gì nữa, Nga đã chính thức triển khai tên lửa diệt hạm Kh-35U tới Syria và phương tiện mang phóng cũng vẫn là Su-34.
Hình ảnh mới nhất do truyền thông Nga công bố, cho thấy "thú mỏ vịt" treo tên lửa thế hệ mới này dưới cánh và đang ở trong tình trạng trực sẵn sàng chiến đấu cao.
Mặc dù chỉ là 1 bức ảnh hiếm hoi ở góc hẹp, nhưng có thể khẳng định khung cảnh đó chính là sân bay Khmeimim, căn cứ không quân đầu não của Nga ở Syria nhờ những bao cát mới được dựng thành công sự che chắn cho các máy bay chiến đấu Nga sau khi bị phiến quân tập kích bằng máy bay không người lái mang vật liệu nổ tự chế.
Tiêm kích đa năng Su-34 Nga mang tên lửa diệt hạm Kh-35U ở căn cứ sân bay Khmiemim, Syria.
Nga cố tình để lộ vũ khí bí mật Kh-35U
Các hoạt động ở căn cứ sân bay Khmeimim - đầu não của Không quân Nga ở Syria liên tục được truyền thông Nga và quốc tế đưa tin, bởi từ đây, theo thống kê mới nhất của BQP Nga, trong hơn 3 năm qua, các máy bay chiến đấu của nước này đã tiến hành phần lớn trong trong tổng số 122.000 cuộc không kích vào các mục tiêu của lực lượng khủng bố.
Nhưng lạ thay, tuyệt nhiên chưa bao giờ người ta chính thức thấy Su-34 đeo thứ vũ khí nào nguy hiểm đối với tàu chiến Mỹ-NATO đến như thế ở ngay tại căn cứ mà Không quân Nga có thể xuất kích luôn và ngay nếu có xung đột xảy ra.
Dường như Nga "cố tình" để lộ ra thứ vũ khí chết người này để đe dọa Mỹ-NATO trước nguy cơ Syria bị tấn công một lần nữa, sau đòn tập kích ồ ạt bằng tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến và máy bay hôm 14/04/2018, nhằm vào các mục tiêu được cho là cơ sở nghiên cứu và tàng trữ vũ khí hóa học của Damascus.
Thật vậy, sau sự kiện 14/04, tình hình Trung Đông trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở chiến trường Syria. Nga cần thứ gì đó để răn đe các thế lực thù địch dùng đến giải pháp quân sự để buộc Tổng thống hợp hiến Assad "Must go".
Kh-35U là vũ khí răn đe khá mạnh, bởi nhờ những đặc điểm vượt trội của mình, nó có thể tiêu diệt bất cứ loại tàu chiến nào của đối phương.
Được phát triển và kế thừa những thế mạnh tuyệt hảo của dòng tên lửa diệt hạm Kh-35, Kh-35U có khả năng tiêu diệt các tàu chiến mặt nước có lượng giãn nước tới 5.000 tấn với chỉ một phát bắn.
Nga sử dụng bao cát để tạo thành công sự bảo vệ máy bay ở căn cứ không quân Khmeimim.
Tuy nhỏ bé, nhưng với tầm bắn tới 260km và khả năng xuyên thủng các lớp phòng thủ tên lửa, chúng cũng có thể loại khỏi vòng chiến đấu các tàu sân bay hạng nặng lớp Nimitz hay lớp Ford mới nhất của Mỹ nếu như sử dụng chiến thuật "mưa tên lửa" theo kiểu "sói bầy", bắn trúng những vị trí hiểm yếu của hàng không mẫu hạm.
Một trong những ưu điểm nổi bật nhất của loại tên lửa này là có kích thước nhỏ, gọn, diện tích phản xạ radar cực thấp cộng với khả năng bay siêu thấp, bám đỉnh sóng khiến cho các hệ thống phòng thủ của đối phương khó phát hiện và đánh chặn nó.
So với các loại tên lửa diệt hạm cận âm tương tự như Harpoon, Exocet, C-802 thì Kh-35U vượt trội hơn nhiều. Nó được đánh giá là hoạt động hiệu quả hơn hẳn so với tên lửa chống hạm Exocet mà Argentina sử dụng để chống lại hạm đội tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh trong cuộc chiến ở quần đảo Falkland.
Tên lửa diệt hạm Kh-35U.
Trước khi được nghiệm thu cấp nhà nước năm 2013 và đưa vào sản xuất hàng loạt tại các cơ sở chế tạo của Tổng công ty tên lửa chiến thuật Nga KTRV, tiêm kích đa năng Su-34 bắt đầu thực hiện chương trình thử nghiệm tên lửa diệt hạm Kh-35U từ năm 2010 và quá trình này kéo dài đến tận cuối năm 2012.
Gần đây nhất, ngày 24/09/2018, RIA.Novosti, dẫn nguồn tuyên bố Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong cuộc tập trận của Hạm đội Thái Bình Dương, các máy bay Su-34 đã phóng tổng cộng 8 quả tên lửa diệt hạm Kh-35U, tất cả đều trúng và xé nát mục tiêu.
Hiện nay, mặc dù Nga đã rút phần lớn lực lượng viễn chinh quân sự về nước sau khi Tổng thống Putin tuyên bố chiến dịch chống khủng bố ở Syria đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn có một lực lượng máy bay chiến đấu thường trực sẵn sàng chiến đấu ở Khmeimim, trong đó có Su-34.
Và tất nhiên, tên lửa Kh-35U chắc chắn đã chất đầy trong kho, có thể lắp lên "thú mỏ vịt" bất cứ lúc nào, một khi xung đột bùng nổ, buộc Nga phải "chơi lớn, tất tay".
Tiêm kích đa năng Su-34 phóng tên lửa diệt hạm Kh-35U thành công trong cuộc tập trận của Hạm đội Thái Bình Dương Nga.