Tắc kinh và đau bụng kèm ra máu: BS sản khoa cảnh báo nguy cơ khiến chị em vô sinh

Linh Trang |

Mang thai ngoài tử cung là trường hợp trứng đã thụ tinh nhưng không nằm trong tử cung mà làm tổ và phát triển ngoài buồng tử cung (ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng).

Chậm kinh, thử que lên 2 vạch nhưng thai không vào tử cung làm tổ

Chị Lương Thị T. (28 tuổi – Lục Ngạn, Bắc Giang) đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thăm khám với các dấu hiệu chậm kinh nửa tháng, thử que thấy lên 2 vạch, thi thoảng có hiện tượng chóng mặt, buôn nôn.

Tuy nhiên, khi đến một phòng khám tư gần nhà siêu âm thì bác sỹ kết luận chưa thấy hình ảnh thai trong buồng tử cung nên cho về nhà theo dõi đợi tuần sau đi khám lại.

Sau khi trở về nhà chị T. thấy có dịch và ra máu kèm theo đau bụng. Vài ngày sau, tình trạng ra máu tiếp tục xuất hiện, đặc biệt hơn còn có máu hơi đen chảy ra ngoài. Quá lo lắng chị đã đến BV tuyến trên khám thì hình ảnh siêu âm rõ nét cho thấy chị chửa ngoài tử cung.

Khai thác bệnh sử được biết, trước đó hồi sinh viên, chị đã có 2 lần liên tiếp mang thai ngoài ý muốn và đã tiến hành đình chỉ thai kỳ. BS phân tích, đó có thể là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến đến việc chị T. lần mang thai này ngoài tử cung.

Tắc kinh và đau bụng kèm ra máu: BS sản khoa cảnh báo nguy cơ khiến chị em vô sinh - Ảnh 1.

Hình ảnh nhận biết thai bình thường và thai ngoài tử cung (Ảnh minh họa)

Cũng tương tự với hoàn cảnh chị T., vợ chồng anh chị Đỗ Lan P. (30 tuổi – Cầu Giấy, Hà Nội) sau kết hôn do kinh tế chưa ổn định nên quyết định kế hoạch bằng việc sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày. Tuy nhiên, sau một vài lần quên uống thuốc, chị thấy chậm kinh, kiểm tra bằng que thử và xét nghiệm nước tiểu, thì mới biết mình đã có thai.

Tuy nhiên, sau hai tháng tính từ ngày biết có thai, chị P. thấy xuất hiện máu đen nên đã đến BV kiểm tra, khi thăm khám lâm sàng, bác sỹ thấy có máu đen, cổ tử cung tím, mềm, đóng, tử cung to hơn bình thường, di động tử cung đau, bên cạnh tử cung có khối không rõ ranh giới, di động đau.

Sau chụp chiếu, hình ảnh kết luận thai không nằm trong tử cung mà làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung.

Với trường hợp thai phụ Đỗ Lan P. mang thai ngoài tử cung do bị viêm dính vòi tử cung nhiễm khuẩn âm đạo dẫn đến việc tắc dính vòi trứng. Các bác sỹ nhấn mạnh, tắc dình vòi trứng nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những hậu quả nặng nề như gây tắc nghẽn vòi trứng hoàn toàn và có thể gây vô sinh hiếm muộn ở chị em phụ nữ.

Dấu hiệu nhận biết mang thai ngoài tử cung

Theo Ths.BS Nguyễn Hùng Sơn (Trưởng khoa D3 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), tỷ lệ thai ngoài tử cung là 1 – 2 % các ca đẻ (tức là 100 ca thì có 1 – 2 ca). Mỗi ngày, bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận nhiều trường hợp thai ngoài tử cung, có cả trường hợp thường gặp và trường hợp hiếm.

Tắc kinh và đau bụng kèm ra máu: BS sản khoa cảnh báo nguy cơ khiến chị em vô sinh - Ảnh 2.

Chậm kinh và đau bụng ra máu là 3 dấu hiệu cho thấy chửa ngoài tử cung (Ảnh minh họa)

Bác sỹ cũng cho biết, mang thai ngoài tử cung gồm 3 dấu hiệu lâm sàng chính:

Chậm kinh: Với thai ngoài tử cung, chậm kinh là dấu hiệu đặc biệt có giá trị khi kinh nguyệt của người phụ nữ đều.

Đau bụng: Khi đau bụng, một trong hai bên hố chậu đau âm ỉ hoặc thành từng cơn. Khi khối thai vỡ thì thai phụ thấy đau nhói và choáng.

Ra máu: Máu âm đạo sẫm màu, ra từng đợt hoặc kéo dài sau 1 vài tuần chậm kinh.

Khi thăm khám, nếu khối huyết tụ thành nang, sẽ thấy tiểu khung là 1 khối dính, mật độ chắc, không di động, khó xác định được tử cung.

Trong trường hợp thai phụ thấy bụng chướng, có phản ứng thành bụng, có cảm ứng phúc mạc khi chửa ngoài tử cung vỡ gây lụt máu ở bụng, BS sẽ chọc dò túi cùng sau thấy có máu loãng không đông.

Bên cạnh những dấu hiệu lâm sàng và thăm khám, thai phụ cũng cần phải thực hiện những xét nghiệm, siêu âm cần thiết để chắc chắn đó là thai ngoài tử cung.

Ths.BS Hùng Sơn cho hay: "Khi xét nghiệm máu, số lượng hồng cầu giảm, huyết sắc tố giảm, Hematocrit (Hct) giảm, siêu âm (có thể siêu âm đầu dò âm đạo hoặc siêu âm ổ bụng) không thấy túi thai trong buồng tử cung, ngoài tử cung có hình ảnh túi ối, có thể thấy mầm thai hoặc tim thai".

Chuyên gia nhấn mạnh, dấu hiệu của thai ngoài tử cung rất dễ nhầm với một số bệnh và biến chứng khác, đặc biệt là sảy thai. Vì vậy, khi có các dấu hiệu trên, thai phụ cần tới ngay bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và siêu âm.

Trường hợp bệnh nhân không đi khám sớm nếu thai ngoài tử cung vỡ sẽ dẫn đến mất máu, nhiều bệnh nhân có thể sốc do mất máu, biểu hiện chóng mặt, hoa mắt hay ngất xỉu, thậm chí là tử vong.

Yếu tố nguy cơ dẫn đến thai ngoài tử cung

Theo phân tích của chuyên gia sản khoa Ths.BS Nguyễn Hùng Sơn thì yếu tố nguy cơ dẫn đến việc chị em mang thai ngoài tử cung có thể do:

Nguyên nhân ở vòi tử cung: Thai phụ bị viêm dính vòi tử cung (chủ yếu do nhiễm Chlamydia), các bất thường bẩm sinh của vòi tử cung, phẫu thuật tạo hình vòi tử cung, dính bên ngoài sau viêm phúc mạc, vòi tử cung quá dài, vòi tử cung bị xoắn, co bóp và nhu động bất thường của vòi tử cung.

Các nguyên nhân khác: khối u ở phần phụ (u buồng trứng), lạc nội mạc tử cung, can thiệp vào buồng tử cung (nạo thai), sử dụng các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản…chửa ngoài tử cung.

Tắc kinh và đau bụng kèm ra máu: BS sản khoa cảnh báo nguy cơ khiến chị em vô sinh - Ảnh 3.

Thai phụ có tiền sử nạo hút thai có nguy cơ chửa ngoài tử cung cao (Ảnh minh họa)

Phương pháp điều trị thai ngoài tử cung

Mỗi phương pháp điều trị mang thai ngoài tử cung đều có tiêu chuẩn y khoa riêng. Căn cứ vào độ lớn của khối thai và các xét nghiệm chuyên khoa, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất cho thai phụ.

Điều trị nội khoa: Phương pháp này được thực hiện trong trường hợp khối thai nhỏ, nồng độ Beta HCG dưới 5000 UI/ml. Bác sỹ sẽ điều trị bằng thuốc Methotrexat – MTX (thuốc diệt tế bào non). Nếu cách này thất bại, bác sĩ sẽ chỉ định chuyển qua phương pháp phẫu thuật.

Điều trị ngoại khoa: Bao gồm mổ mở hoặc mổ nội soi để cắt khối thai.

Nếu mổ mở, bác sĩ sẽ xử trí theo tổn thương, bệnh nhân có thể bị cắt cả khối thai và vòi tử cung hoặc lấy khối thai bảo tồn vòi tử cung.

Mổ nội soi là phương pháp phổ biến hiện nay. Với phương pháp này, bác sĩ cũng sẽ xử trí theo tổn thương giống như mổ mở, nhưng với nhiều ưu điểm, mổ nội soi được nhiều bệnh nhân và bác sĩ lựa chọn để điều trị.

Cách phòng tránh thai ngoài tử cung

Phụ nữ mang thai ngoài tử cung sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe sinh sản. Hiện tượng này khiến phụ nữ giảm khả năng thụ thai về sau, hoặc có thể bị thai ngoài tử cung lại vào lần mang thai kế tiếp, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh.

Tắc kinh và đau bụng kèm ra máu: BS sản khoa cảnh báo nguy cơ khiến chị em vô sinh - Ảnh 4.

Ths.BS Nguyễn Hùng Sơn (Trưởng khoa D3 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)

Để phòng ngừa và hạn chế mang thai ngoài tử cung, Ths.BS Nguyễn Hùng Sơn đã đưa ra một số lưu ý cho các chị em:

- Khi phụ nữ phát hiện các bệnh như viêm vòi tử cung, viêm dính vòi tử cung, chỉnh sửa bất thường bẩm sinh ở vòi tử cung thì cần điều trị một cách tích cực và triệt để, đặc biệt là viêm nhiễm do Chlamydia. Chú ý trong phẫu thuật tạo hình vòi tử cung, tránh hiện tượng gấp khúc, xoắn của vòi tử cung.

- Phụ nữ cần chữa các bệnh liên quan đến lạc nội mạc tử cung. Chú ý sau sảy thai phải điều trị viêm nhiễm phụ khoa đúng cách và triệt để.

Sau khi điều trị mang thai ngoài tử cung, chị em nên đợi ít nhất 6 tháng đến 1 năm mới có thai trở lại. Lúc này, cơ thể người phụ nữ đã ổn định nên sẽ tránh được những biến chứng của việc bị thai ngoài tử cung trước đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại