Hai luật sư cùng nêu ra khúc mắc, điều tra viên vụ thảm họa y tế Hòa Bình trả lời thế nào?

Như Loan |

Trong phiên xử chiều nay (17/5) vụ án thảm họa y tế tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, các luật sư đã hỏi cán bộ điều tra để làm rõ một số tình tiết liên quan.

Mở đầu, luật sư Hoàng Ngọc Biên, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, đặt một loạt câu hỏi đối với điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa để làm rõ một số tình tiết liên quan đến quá trình tố tụng, về nội dung liên quan đến lời khai của ông Trương Quý Dương (nguyên GĐ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình).

Trong đó, luật sư Biên nêu: Theo biên bản khám nghiệm hiện trường, xác định hiện trường đã bị xáo trộn. Theo điều dưỡng bệnh viện, sau khi xảy ra vụ việc, các quả lọc trong máy chạy thận đã được tháo ra để bảo quản trong kho. Tại biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra, luật sư không thấy ghi đã thu giữ bao nhiêu quả lọc?

Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa chỉ trả lời chung chung: "Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, Cơ quan cảnh sát điều tra CA tỉnh Hòa Bình tiến hành khám nghiệm hiện trường theo đúng quy định của pháp luật, có thu giữ một số đồ vật, tài liệu có liên quan và việc thu giữ này theo đúng quy định của pháp luật, đã ghi trong hồ sơ vụ án, đề nghị luật sư xem trong hồ sơ".

Luật sư nêu, trong bản kết luận điều tra có một mục trang 14 có thể hiện ngày kết luận điều tra giám định số 2730 và 2777, nói về việc đồng hồ có sai số quá lớn, không đảm bảo sử dụng. Nhưng vì sao kết luận điều tra lại không có nói đến trách nhiệm của ai phải chịu về việc đồng hồ hiển thị sai số? 

HĐXX cũng bày tỏ quan tâm đến thắc mắc nêu trên về bản kết luận điều tra khi không có nói đến trách nhiệm của ai phải chịu về việc đồng hồ hiển thị sai số.

Về vấn đề này, điều tra viên Nghĩa không đưa ra câu trả lời, nhưng lại cung cấp thông tin về việc thu giữ các quả lọc diễn ra cùng ngày khám nghiệm hiện trường. 

HĐXX đề nghị điều tra viên trả lời thẳng vào câu hỏi về các quả lọc. Điều tra viên Nghĩa đáp lại: "Số lượng bao nhiêu thì đã có trong biên bản".

Sau luật sư Biên, luật sư Nguyễn Danh Huế cũng đề nghị được đưa ra câu hỏi với điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa. 

Ông Huế hỏi rằng ngày 8/1/2018, Công an tỉnh Hòa Bình có gửi một công văn sang Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình, trong đó Công an tỉnh có ý kiến khẳng định việc chuyển nhượng thầu 100% giữa Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn sang cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh đã vi phạm quy định của Luật Đấu thầu.

Tuy nhiên cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình chỉ có kiến nghị tới Sở KH&ĐT cấm đấu thầu đối với Công ty Thiên Sơn, còn về xử lý hình sự thì chưa đủ hoặc chưa xem xét. Điều này là căn cứ vào đâu? 

Luật sư Huế vừa kết thúc câu hỏi, chủ tọa phiên tòa cho rằng việc ký biên bản là thẩm quyền của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, không thuộc thẩm quyền của điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa, nên không thể trả lời.

Thấy vậy, điều tra viên Nghĩa đã không trả lời và trở về chỗ ngồi.

Luật sư Huế chuyển sang hỏi đại diện Công ty Thiên Sơn về việc chuyển nhượng thầu cho Công ty Trâm Anh.

Vị đại diện Công ty Thiên Sơn tiếp tục khẳng định không có việc chuyển hợp đồng cho công ty Trâm Anh, việc ký hơp đông với Công ty Trâm Anh chỉ là để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng với BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình.  Vị này cũng khẳng định, công ty có nhân viên thường trực tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình để giám sát quá trình sửa chữa hệ thống lọc nước RO.

* Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật nội dung phiên tòa đến quý độc giả ở các bài tiếp theo. 

Tóm tắt vụ án: Sáng 29/5/2017, sự cố nghiêm trọng xảy ra tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình), hàng loạt bệnh nhân đang được lọc máu chu kỳ thì xảy ra hiện tượng bất thường khiến 8 người tử vong, 10 người nguy hiểm đến tính mạng. Đây là một thảm hoạ y tế gây chấn động không chỉ trong lịch sử y học VN mà còn cả trên thế giới.

Một tháng sau thảm hoạ y khoa này, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã xác định có việc tồn dư hóa chất khử khuẩn trong hệ thống nước RO.

Các mẫu nước cấp vào máy lọc thận số 10 và 13 cho thấy các chỉ tiêu pH rất thấp, độ dẫn điện cao, hàm lượng Flouride lần lượt cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép. Chính mức Flouride cao quá mức an toàn cho chạy thận nhân tạo hàng trăm lần này là nguyên nhân gây ra thảm họa ở Hòa Bình.

Ngày 22/2/2018, VKSND tỉnh Hòa Bình ban hành cáo trạng truy tố đối với ba bị can:

1. Bị can Bùi Mạnh Quốc về tội " vô ý làm chết người " theo quy định tại khoản 2 Điều 98 BLHS năm 1999 (nay là khoản 2 Điều 128 BLHS năm 2015);

2. Bị can Trần Văn Sơn và bị can Hoàng Công Lương về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 (nay là khoản 3 Điều 360 BLHS năm 2015).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại