Tại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư đã đặt một loạt câu hỏi đối với đại diện Công ty Thiên Sơn, Luật sư đại diện của công ty Thiên Sơn khẳng định hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh (Công ty Trâm Anh) được ký vào ngày 25/5/2017, trước ngày xảy ra sự cố y khoa 4 ngày.
Tuy nhiên, có mặt tại phiên tòa, bà Dương Thị Mây – vợ của bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty Trâm Anh – cho biết: “Ngày 24/5, chồng tôi đang đi công tác miền Nam, tôi rất bất ngờ tại sao hợp đồng ký ngày 25/5 lại có chữ ký của chồng tôi.”
Theo lời kể của bà Mây, “Trong ngày xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5, khoảng tầm 12h0-13h chồng tôi trở về nhà từ BVĐK tỉnh Hòa Bình với vẻ mệt mỏi.
Đến chiều ngày 30/5 chị Minh Phó Giám đốc công ty Thiên Sơn mang con dấu sang cho tôi và nói “Quốc để quên con dấu ở công ty Thiên Sơn”."
Làm rõ thêm những khuất tất về thời điểm ký hợp đồng, bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho biết, sáng 25/5 bị cáo đang nghỉ chân ở Đồng Hới (Quảng Bình), đến chiều muộn ngày 25/5 bị cáo mới về đến nhà tại Bắc Ninh. Do đó không thể có mặt tại Công ty Thiên Sơn để ký hợp đồng.
Bị cáo Quốc xác nhận trong ngày 29/5 (ngày xảy ra sự cố y khoa) bị cáo có mặt tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, đến chiều tối cùng ngày bị cáo sang Công ty Thiên Sơn gặp bà Minh và bà Thiên, người của công ty Thiên Sơn, và đến lúc này hai bên mới chính thức ký hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc RO cho BVĐK tỉnh Hòa Bình.
"Tại đây chị Minh đưa cho bị cáo hợp đồng và bảo cứ ký vào đây để hoàn tất thủ tục, lúc đó bị cáo mới ký. Bị cáo không xem chi tiết hợp đồng và cũng không đóng dấu.
Chị Minh hỏi bây giờ con dấu ở đâu, bị cáo nói đang để ở nhà (Bắc Ninh), chị Minh bảo có ai ở nhà không để chị đến nhà lấy dấu. Sáng 30/5 anh Sơn (bị cáo Trần Văn Sơn) gọi điện cho bị cáo bảo mang con dấu sang công ty Thiên Sơn.
Khoảng 8h sáng 30/5 bị cáo mang con dấu sang công ty Thiên Sơn và nhân viên bảo cứ để con dấu ở đây và bị cáo lên trên phòng nói chuyện”, Bùi Mạnh Quốc khai tại tòa.
Bùi Mạnh Quốc trước khi thành lập Công ty Trâm Anh đã từng là nhân viên của Công ty Thiên Sơn. Bị cáo cho biết đã sửa chữa nhiều lần cho công ty Thiên Sơn, với tư cách nhân viên công ty Thiên Sơn.
Từ khi làm tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, Công ty Thiên Sơn “chưa bao giờ đưa cho bị cáo văn bản hướng dẫn nào, bị cáo hoàn toàn làm theo kinh nghiệm của mình”.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, đại diện của Công ty Thiên Sơn cho biết “không xác nhận tất cả các lời khai của bị cáo Quốc, và khẳng định ký hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn với công ty Trâm Anh được ký ngày 25/5/2017”.
Trước đó, trao đổi với báo chí bên ngoài phiên tòa, Luật sư Lê Văn Thiệp, Luật sư bào chữa cho Hoàng Công Lương, khẳng định sẽ kiến nghị khởi tố vụ án về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu đối với việc ký hợp đồng nhằm "hợp thức hóa thủ tục" giữa công ty Trâm Anh và công ty Thiên Sơn.
Theo cáo trạng, Công ty Thiên Sơn ký hợp đồng với BVĐK tỉnh Hòa Bình về việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 cho BVĐK tỉnh Hòa Bình với giá trị hợp đồng 99 triệu đồng.
Tuy nhiên, Công ty Thiên Sơn lại ký với Công ty Trâm Anh để phía Trâm Anh thực hiện công việc này. Giá trị hợp đồng theo lời khai của bị cáo Quốc là hơn 49 triệu đồng.
Cũng trong sáng nay, ông Đỗ Quốc Cường, đại diện theo ủy quyền của ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình vắng mặt không lý do dù đã được HĐXX triệu tập.
Ông Đỗ Quốc Cường được nguyên Giám đốc Trương Quý Dương ủy quyền thay mặt ông đến phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, khi luật sư yêu cầu được đặt câu hỏi đối với ông này thì không thấy ông Cường xuất hiện.