Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Ở Syria, "võ sĩ Judo" Putin vẫn giấu bài chưa ra đòn

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Cuộc tấn công của Mỹ, Anh và Pháp lần này, mặc dù quy mô lớn hơn nhiều so với cuộc tấn công vào sân bay Shayrat của Syria năm ngoái, nhưng gây thiệt hại không đáng kể cho Syria.

Rạng sáng 14/4/2018, Mỹ, Anh và Pháp đã đồng loạt mở cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào Syria với mục đích được công bố là để trừng phạt chính quyền Syria sử dụng vũ khí hoá học tại Douma, Đông Ghouta.

Có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc tấn công này, người ủng hộ, người phản đối, người im lặng, nhưng một điều rõ ràng đây là hành động vi phạm thô bạo Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và độc lập chủ quyền của Syria bởi vì nó được tiến hành mà không chờ kết quả điều tra và không được LHQ cho phép.

Ngay sau cuộc tấn công kéo dài 55 phút, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "nhiệm vụ đã hoàn thành" và đã đạt được các mục đích đề ra. Tuy nhiên, theo tôi cuộc tấn công này đem lại những kết quả trái ngược, không đạt được các mục tiêu cả về quân sự lẫn chính trị.

Ảnh hưởng của cuộc tấn công

Cuộc tấn công của Mỹ, Anh và Pháp lần này, mặc dù quy mô lớn hơn nhiều so với cuộc tấn công vào sân bay Shayrat của Syria năm ngoái, nhưng gây thiệt hại không đáng kể cho Syria.

Với chi phí hàng trăm triệu đô la, chưa kể đến các chi phí đưa các phương tiện chiến tranh đến khu vực mà chiến dịch quân sự này chỉ phá hủy được một số ngôi nhà thuộc Trung tâm nghiên cứu vũ khí hoá học, kho chứa bỏ hoang từ lâu sau khi Syria đã tiêu hủy loại vũ khí này từ năm 2014 và được Tổ chức Cấm Vũ khí Hoá học (OPCW) xác nhận.

Cuộc tấn công này đang làm tăng thêm uy tín của Tổng thống Bashar Al-Assad và tạo động lực mới cho việc củng cố quan hệ liên minh Syria-Nga-Iran-Hezbollah.

Mục đích của Mỹ và phương Tây trong cuộc không kích Syria

Hàng ngàn người dân Syria đã đổ ra đường ở Thủ đô Damascus và các thành phố khác mang theo ảnh của Tổng thống Bashar Al-Assad, Vladimir Putin, Hassan Rouhani, giương cao cờ Syria, Nga, Iran để ủng hộ ông Assad và phản đối Mỹ, Anh, Pháp. Ngay trong ngày Thủ đô Syria bị tấn công, ông Assad vẫn đến văn phòng làm việc bình thường.

Trong khi đó, ông Trump đang bị chỉ trích trong nước, thủ tướng Theresa May đang phải điều trần trước Quốc hội.

Trước cuộc tấn công, nội bộ chính quyền Mỹ và Anh đã có bất đồng lớn thì sau này nếu sự thật được làm rõ, Syria không sử dụng vũ khí hoá học tại Douma thì sự chỉ trích và bất đồng này sẽ còn tăng và chính sách đối ngoại của các nước này sẽ bị mất điểm.

Nga thắng hiệp đầu

Phương Tây một lần nữa lại đánh mất lòng tin của cộng đồng quốc tế. Trước đây năm 2003, Mỹ và liên quân đã tấn công Iraq với cái cớ rằng nước này sở hữu vũ khí sinh học.

Năm 2017, Mỹ tấn công căn cứ không quân Shayrat của Syria cũng với cớ Syria sử dụng vũ khí hoá học mà đến nay vẫn không có bằng chứng.

Dư luận xã hội và chính giới trên thế giới nói chung đều không đồng tình với cuộc tấn công này.

Một số nước buộc phải tuyên bố ủng hộ cuộc tấn công là do sức ép hoặc lợi ích trong quan hệ với Mỹ.

Đáng lưu ý, Mỹ đã chi 6 ngàn tỷ đô la để giải phóng Iraq thì hôm nay ngay sau khi Syria bị tấn công, chính phủ Iraq đã tránh ủng hộ Mỹ và hàng vạn người dân Thủ đô Baghdad đã tập trung tại quảng trưởng giải phóng để đoàn kết với Syria và phản đối Mỹ.

Trong vụ này, Nga đã hành động hết sức tỉnh táo. Các lực lượng vũ trang Nga tại Syria không động binh mà mới để cho quân đội Syria đánh trả bằng các loại tên lửa chế tạo từ thời Liên Xô cũ.

Ông V. Putin với tính cách của võ sĩ Judo vẫn giấu bài chưa chịu ra đòn.

Không ai biết sắp tới ông V. Putin sẽ làm gì, trong khi Nga tiếp tục chuyên chở các loại vũ khí mới đến cho chính quyền Syria. Có thể nói, Nga đã thắng hiệp đầu mà không mất một viên đạn nào.

105 quả tên lửa bắn vào Syria hoàn toàn không làm thay đổi được thực trạng tại Syria. Thực tế tại Syria trong hơn bảy năm qua cho thấy, vấn đề Syria không thể giải quyết được bằng quân sự.

Cuộc xung đột này chỉ có thể được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình. Hiểu được điều này, chính tổng thống Trump, tổng thống Macron, thủ tướng May và Cao ủy Phụ trách Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini, sau cuộc tấn công đã kêu gọi nối lại các cuộc thương lượng nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Có thể nói cuộc xung đột Syria là cuộc xung đột phức tạp nhất, là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với sự tham gia của nhiều nước nhất trên thế giới hiện nay.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Ở Syria, võ sĩ Judo Putin vẫn giấu bài chưa ra đòn - Ảnh 3.

Hơn 60 tổ chức đối lập, trong đó có nhiều tổ chức khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Al-Qaida, Mặt trận Al-Nusra... chống chính phủ Damascus được các nước ngoài bảo trợ.

Syria đang trở thành một địa bàn tranh giành ảnh hưởng của nhiều nước, đặc biệt giữa Nga và Mỹ, phương Tây.

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua diễn đàn Estana và Sochi đã có nhiều cố gắng đạt được các nguyên tắc cơ bản làm khuôn khổ cho việc giải quyết vấn đề Syria.

Tuy nhiên, một giải pháp lâu dài và bền vững cho cuộc xung đột Syria đòi hỏi phải có sự tham gia và đáp ứng được lợi ích của tất cả các bên liên quan.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đại sứ Nguyễn Quang Khai nói về đối đầu Nga - Mỹ trong khủng hoảng Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại