TS Võ Xuân Sơn: Tôi sẽ kêu gọi nhân viên y tế đánh trả kẻ hành hung khi không còn cách khác

Tiểu Nhã |

Tuy nhiên, vì chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội văn minh, nên việc đánh trả chỉ nên được xem là giải pháp cuối cùng để tự bảo vệ tính mạng - TS Võ Xuân Sơn nhấn mạnh.

Dù công tác tại cơ sở y tế tư nhân nhưng TS Võ Xuân Sơn vẫn luôn đau đáu về vấn nạn bạo hành y tế. Ông đã lập trang "Chống bạo hành y tế" với mong muốn góp tiếng nói của mình trong công cuộc bảo vệ bác sĩ, hướng tới môi trường không có bạo hành y tế.

Báo điện tử Tri thức trẻ đã có cuộc trao đổi với TS Võ Xuân Sơn về câu chuyện này.

PV: Thưa ông, chỉ chưa đầy 2 tuần sau Tết nguyên đán đã có hàng loạt các vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra, gây bức xúc và xôn xao dư luận. Theo thống kê nhỏ thì bạo hành nhân viên y tế tăng tới 500 %. Theo ông, vì sao bạo hành bác sĩ được nhắc nhiều nhưng vẫn tăng lên như vậy?

TS Võ Xuân Sơn: Có thể nói là rất nhiều các bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên và nhân viên y tế khác đã bàng hoàng khi những vụ bạo hành y tế liên tiếp xảy ra với mật độ dày đặc, tính chất ngày càng manh động trong những ngày Tết vừa qua. Chỉ trong mấy ngày nghỉ Tết, đã có 4 vụ bạo hành y tế có tính chất nghiêm trọng xảy ra.

Vấn đề bạo hành y tế xảy ra và gia tăng với mật độ dày đặc như vậy, cần phải đặt vấn đề đối với trách nhiệm của các nhà quản lý xã hội, những người có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự của xã hội.

Cả một thời gian dài, các nhà quản lí xã hội, những cơ quan chức năng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự của xã hội đã thờ ơ với bạo hành y tế, xử lí hời hợt. Thậm chí không xử lý gì, đối với những kẻ hành hung nhân viên y tế.

TS Võ Xuân Sơn: Tôi sẽ kêu gọi nhân viên y tế đánh trả kẻ hành hung khi không còn cách khác - Ảnh 1.

TS BS Võ Xuân Sơn - Giám đốc phòng khám quốc tế EXSON, TP.HCM

Cụ thể như vụ Nguyễn Đình Hoàng Thắng, Giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An tát tới tấp vào mặt BS Hoàng Thị Minh, tại khoa cấp cứu, bệnh viện 115 Nghệ An, cùng với ông Nguyễn Xuân Huân, Chủ tịch UBND phường Trung Đô, TP.Vinh truy đuổi các thầy thuốc tại đây ngày 18/08/2017, đã được xử lí rất nhẹ nhàng.

Hoặc như vụ việc vây đánh bác sĩ tại Yên Bái, hơn 1 tuần trôi qua kể từ ngày hơn chục tên côn đồ, có tên tuổi địa chỉ rõ ràng, vây đánh 2 bác sĩ tại bệnh viện Sản Nhi Yên Bái, vẫn chưa có kẻ nào bị bắt.

Song song với những hành vi tạo cho các nhân viên y tế, cảm giác các cơ quan chức năng hoặc đồng lõa, hoặc bao che cho những kẻ hành hung nhân viên y tế, còn có những phát biểu thiếu cân nhắc của một số quan chức hoặc người có vị trí xã hội đã vô tình hay cố ý cổ súy cho bạo hành y tế.

Để cho bạo hành y tế xảy ra, đó là lỗi của các nhà quản lí xã hội, để cho nền tảng đạo đức của xã hội xuống cấp trầm trọng. Người với người đối xử với nhau như súc vật, đối xử bằng bản năng, bằng mạnh được yếu thua mà không tôn trọng kỉ cương, pháp luật.

Để cho bạo hành y tế gia tăng về mật độ, về mức độ manh động, là sự thiếu trách nhiệm của các lực lượng chức năng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho xã hội.

PV: Có ý kiến cho rằng nhiều bác sĩ như những cỗ máy chữa bệnh, máu lạnh, thực dụng, kẻ cả, ban phát, thậm chí sách nhiễu, vòi vĩnh, nhũng lạm người nhà bệnh nhân vẫn xuất hiện đầy trong cộng đồng.

Điều này gây nên bất hòa giữa bác sĩ và người bệnh, khiến người nhà bệnh nhân bức xúc nên các vụ bạo hành nhân viên y tế cảm thấy lạc lõng hơn vì ít người bảo vệ. Quan điểm cá nhân TS Sơn thế nào?

TS Võ Xuân Sơn: Giống như mọi ngành nghề khác, ngành Y cũng có người tốt, kẻ xấu, có những tiêu cực. Nhưng lấy cái tiêu cực của ngành y để biện minh cho bạo hành y tế thì là ngụy biện. Cả 2 vấn đề, tiêu cực trong ngành y và bạo hành y tế đều là những cái xấu, cần phải trấn áp, xóa bỏ.

Không thể nói những phụ nữ không mang mạng che mặt, ăn mặc không kín mít như ở các quốc gia Hồi giáo là nguyên nhân của tệ nạn hiếp dâm. Giống những người phụ nữ kia, nhân viên y tế vừa là nạn nhân, lại vừa bị quy chụp là thủ phạm của bạo hành y tế. Việc đổ lỗi cho nhân viên y tế trong việc bạo hành y tế là việc làm hồ đồ, vô trách nhiệm.

Hãy "chỉ mặt đặt tên" những nhân viên y tế máu lạnh, sách nhiễu, vòi vĩnh, nhũng lạm người bệnh. Tôi tin rằng hầu hết nhân viên y tế đều khinh bỉ, coi thường họ, và mong muốn cải tạo họ, và nếu không cải tạo được thì loại bỏ họ ra khỏi đội ngũ của mình.

Ở Mỹ, nơi mà dịch vụ y tế có thể nói rất tốt, hoàn toàn không có chuyện nhân viên y tế sách nhiễu, vòi vĩnh, nhưng từ năm 2011 đến 2013, có từ 16.478 đến 18.966 vụ bạo hành y tế xảy ra (theo Sở Sức Khỏe, An Toàn Nghề Nghiệp - Occupational Safety and Health - Hoa Kỳ).

Như vậy việc nhân viên y tế sách nhiễu, vòi vĩnh, nhũng lạm người bệnh không thể là nguyên nhân của bạo hành y tế.

TS Võ Xuân Sơn: Tôi sẽ kêu gọi nhân viên y tế đánh trả kẻ hành hung khi không còn cách khác - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

PV: Lời thề Hippocrates của mỗi sinh viên y khoa phải chăng đã tước đi quyền chống trả của nhân viên y tế không thưa bác sĩ?

TS Võ Xuân Sơn: Thực ra thì chẳng có lời thề nào ràng buộc nhân viên y tế không được đánh lại người hành hung mình cả. Tuy nhiên, truyền thống của ngành Y là không được làm hại cho người khác, cùng với những ràng buộc vô hình khi họ được khoác lên người danh xưng mĩ miều "mẹ hiền", đã không cho phép họ đánh lại những kẻ hành hung mình.

Tôi đang nhờ các luật sư tư vấn, xem có thể khuyến cáo nhân viên y tế đánh trả lại những kẻ hành hung mình hay không. Nếu về mặt pháp lý, việc đánh trả là được phép, tôi sẽ kêu gọi nhân viên y tế đánh trả kẻ hành hung mình khi không còn cách khác.

Tuy nhiên, vì chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội văn minh, nên việc đánh trả chỉ nên được xem là giải pháp cuối cùng để tự bảo vệ tính mạng.

Ở Mỹ, các điểm nóng trong bệnh viện đều có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp hoặc cảnh sát túc trực, và luôn có phương án thoát thân, việc trấn áp những kẻ hành hung nhân viên y tế được lực lượng này thực hiện. Ở Việt nam, nhân viên y tế không được coi trọng như vậy, nên có thể họ sẽ phải đặt văn minh ra phía sau để bảo vệ tính mạng của mình.

PV: Giải quyết gốc rễ của bạo hành y tế là việc của cả xã hội chứ không thể riêng lẻ đơn độc ngành Y. Theo ông chúng ta nên bắt đầu từ đâu để giải quyết vấn nạn này?

TS Võ Xuân Sơn: Việc giải quyết gốc rễ nạn bạo hành y tế không dễ dàng. Ngay cả ở Mỹ, tình hình bạo hành y tế cũng rất căng thẳng. Số vụ bạo hành y tế nhiều hơn gấp nhiều lần so với Việt nam. Việc giải quyết gốc rễ vấn đề bạo hành y tế là một vấn đề lâu dài, cơ bản thuộc phạm vi vĩ mô, như thiết kế một xã hội nhân văn, một nền tảng đạo đức của một xã hội văn minh...

Tuy nhiên, việc có thể làm được bây giờ là ngăn chặn các vụ bạo hành và giảm thiểu các thiệt hại do bạo hành y tế gây ra. Trước mắt, cần tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý những kẻ hành hung nhân viên y tế.

Hiện nay, chúng ta đang đánh đồng việc một kẻ hành hung một bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ cứu chữa người với việc hai kẻ say rượu đánh nhau ngoài đường phố.

Đây là vấn đề hết sức phi lí của hệ thống luật pháp của chúng ta. cần phải có ngay những quy định cụ thể của pháp luật, bảo vệ nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cứu người, giống như đối với công an, cảnh sát, kiểm lâm... đang thực thi nhiệm vụ của mình.

Tiếp theo, cần có những quy định bắt buộc các lực lượng chức năng có nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ các bệnh viện và các cơ sở y tế. Nếu qui định, cứ ở đâu xảy ra bạo hành y tế, thì tùy theo mức độ thiệt hại mà có hình thức xử lí kỉ luật đối với công an địa phương, chắc chắn, nạn bạo hành y tế sẽ giảm.

Việc tiếp theo là trang bị cho nhân viên y tế và các cơ sở y tế kĩ năng xử lí khủng hoảng, để giảm nhiệt cho những cái đầu nóng, song song với việc cô lập và sẵn sàng trấn áp khi có kẻ manh động.

Tất cả các khu vực "nóng" trong các cơ sở y tế đều phải được thiết kế có đường thoát hiểm, cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Có phương án khả thi để thoát hiểm, song song với việc trấn áp những kẻ manh động. Tất cả những điều này phải là bắt buộc đối với các cơ sở y tế.

Ngoài ra, việc ghi nhận, điều tra, và xử lí các tiêu cực của nhân viên y tế phải luôn được coi trọng, thực hiện thường xuyên, để làm trong sạch đội ngũ nhân viên y tế.

Tuy nhiên, tuyệt đối không được xem đây là một nội dung chống bạo hành y tế. Luôn cần phải xác định, việc chống bạo hành y tế và chống lại các tiêu cực trong y tế là hai việc cần làm, nhưng chúng là những vấn đề tách biệt. Tránh việc lập lờ, ngụy biện, để tiếp tục cổ súy cho bạo hành y tế.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại