Bạo hành y tế: Đừng viện cớ “không có lửa làm sao có khói?”

Dương Hải |

TS.BS Lê Tư Hoàng - Phó trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Chủ tịch Công đoàn BV Việt Đức cho rằng, khi một sự việc hành hung xảy ra ở BV, người ta thường đặt câu hỏi "không có lửa sao có khói?", và nghiễm nhiên là lỗi của nhân viên y tế (?!). Chính vì những áp lực như vậy, người bị hành hung ít khi lên tiếng.

Mang bức xúc đến bệnh viện

TS. Hoàng cho biết, tại BV Việt Đức, hàng ngày tiếp đón hàng trăm ca cấp cứu phức tạp khác nhau với khoảng 70% tai nạn giao thông, tai nạn đâm chém. Cho nên khi vào viện thì người nhà bệnh nhân và bệnh nhân luôn mang bức xúc sẵn trong lòng, mang bức xúc ngoài xã hội vào BV.

Chỉ cần một chút không hài lòng thì hành động bức xúc đó được nhân lên. Nhiều lúc các đối tượng khi vào bệnh viện vẫn tiếp tục truy sát nhau; trong khi đó, việc lăng mạ, chửi bới xúc phạm nhân viên y tế xảy ra "như cơm bữa".

Bạo hành y tế có hai hình thức đó là nhẹ thì tấn công tinh thần, chửi bới, lăng mạ; thứ hai là hành hung. Nhưng có khi tấn công tinh thần lại là sự bạo hành rất nặng vì khi bác sĩ đang cứu chữa bệnh nhân mà phải nghe người nhà chửi bới thì hết sức mất tập trung để cứu chữa người bệnh.

Bạo hành nhân viên y tế tôi xin khẳng định là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh. Ở xã hội văn minh này, quan hệ giữa con người với con người chúng ta không có quyền sử dụng bạo lực để giải quyết. Khi đánh nhân viên y tế còn là hành vi vô văn hóa, trái với đạo lý con người”- TS. Hoàng nhấn mạnh.

Bạo hành y tế: Đừng viện cớ “không có lửa làm sao có khói?” - Ảnh 1.

TS.BS Lê Tư Hoàng.

Vị bác sĩ này cũng chia sẻ thêm, trước đây mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân rất tốt đẹp.

Ngày nay, mặc dù y học nước nhà rất phát triển, sao mọi người không thừa nhận, thấy được những cống hiến của y học, phải chăng mặt trái của cơ chế thị trường làm mất đi quan hệ tốt đẹp giữa thầy thuốc và bệnh nhân, làm méo mó mối quan hệ này.

Trong khi đó, ở các nước tư bản, họ coi việc chữa bệnh là một dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc ít khi xảy ra nạn bạo hành. Ở hệ thống y tế tư nhân, trang thiết bị y tế hiện đại, thầy thuốc được trả công xứng đáng, bệnh nhân đủ khả năng chi trả... sẽ giảm đi bức xúc.

Mối quan hệ đó rất rõ ràng. Hiện nay chúng ta đang rơi vào tình trạng quá tải, bệnh nhân đến khám đông... tất cả dẫn đến nguồn cơn bức xúc như vậy.

Chuyển bức xúc thành... hành hung!

TS. Hoàng cho rằng, hầu hết các vụ hành hung nhân viên y tế đều xuất phát từ việc bức xúc. Chúng ta cần giải quyết bức xúc, song làm sao để giải quyết được hết bức xúc là quá trình lâu dài cần sự đồng bộ của xã hội, cả về giáo dục.

Hiện nay, chúng ta đang loay hoay giải quyết từ bức xúc chuyển sang… hành hung thì phải có luật pháp răn đe để hành vi không tái diễn.

Tại BV Việt Đức, để đảm bảo an ninh BV, BV đã phải bỏ ra khoản chi phí không hề nhỏ để thuê 156 nhân viên bảo vệ bệnh viện.

Trong đó, việc bảo vệ chú trọng nhất là phòng cấp cứu luôn có 4 bảo vệ được trang bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết phòng trường hợp có sự việc đáng tiếc xảy ra. Ngoài ra cũng có thể huy động 20-30 bảo vệ đến bảo vệ phòng cấp cứu.

BV cũng phối hợp với lực lượng công an phường và lực lượng 113 ứng cứu các sự cố tại BV. BV cũng trang bị hệ thống camera và các nút ấn báo động khẩn cấp tại các bàn.

Ngoài ra lực lượng bảo vệ có kỹ năng khi có bệnh nhân đến viện mà có nguy cơ cao xảy ra hành hung thì sẽ được các lực lượng bảo vệ kèm bên cạnh không chỉ bảo vệ nhân viên y tế mà còn là bảo vệ bệnh nhân đó.

Bạo hành y tế: Đừng viện cớ “không có lửa làm sao có khói?” - Ảnh 2.

Bác sĩ bị hành hung khi đang cứu người tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Quảng Bình.

"Nhân viên y tế hoàn toàn không được trang bị quyền kháng cự trong trường hợp bị lăng mạ, hành hung. Bác sĩ không thể đang mặc áo blouse mà quay sang đối đáp ngang bằng với những lời tục tĩu đó, điều đó xã hội không chấp nhận.

Hiện nay dưới cái nhìn của xã hội người ta cứ nghĩ là lỗi nhiều thuộc về các nhân viên y tế để cho bệnh nhân bức xúc.

Và khi có sự việc xảy ra thì người ta thường đánh dấu hỏi về nhân viên y tế, sao lại như vậy, sao lại như thế, không có lửa thì làm sao có khói? Chính vì những áp lực như vậy nên người bị hành hung ít khi lên tiếng.

Xã hội ngày càng phát triển chúng ta cũng phải thay đổi quan niệm, từ trước tới nay chúng ta coi ngành y là ngành phục vụ nên phải thế này, thế khác nên cái nhìn của người nhà bệnh nhân cũng khác.

Còn như hiện nay cơ chế thị trường chúng ta coi việc chăm sóc sức khỏe như một dịch vụ, coi bệnh nhân thành đối tượng khách hàng, nên ý thức ứng xử cũng cần thay đổi"- TS. Hoàng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại