Bác sĩ căng mình trong “tháng ăn chơi”

Bùi Việt |

Chả biết tự bao giờ, tháng Giêng âm lịch được coi là... “tháng ăn chơi”.

Người dân ăn chơi thanh lịch, văn minh đã tốt, nhưng không ít trường hợp ăn nhậu lu bu, rượu say rồi ngộ độc, đánh nhau, gây tai nạn giao thông...

Thành ra, cứ vào tháng này, những y, bác sĩ, đặc biệt là ở những khoa cấp cứu lại càng phải căng mình trong các ca trực...

Bác sĩ căng mình trong “tháng ăn chơi” - Ảnh 1.

Các kíp trực quay cuồng cấp cứu, phân loại bệnh nhân.

Bác sĩ căng mình trong “tháng ăn chơi” - Ảnh 2.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tình hình khám, cấp cứu tai nạn giao thông 6 ngày Tết tính từ 7 giờ sáng ngày 14/2/2018 đến 7 giờ sáng ngày 20/2/2018 tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là 37.376 trường hợp (lượt khám).

Tuy nhiên, số lượt nhập viện điều trị nội trú là 12.630 trường hợp, tăng 12,8% so với 6 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017, tăng cao trong các ngày mùng 3 và mùng 4 Tết; xử lý và cho về trong ngày là 22.333 trường hợp, chuyển tuyến trên điều trị 2.962 trường hợp.

Tiếp đến là tai nạn, chấn thương do ẩu đả, đánh nhau, với gần 4.200 ca đến cấp cứu và số ca phải nhập viện điều trị nội trú là gần 2.800 ca, tăng 14,6% so với năm ngoái, tử vong là 13 trường hợp.

Những con số thống kê ở dạng ước chừng trên cho thấy những ngày Tết cổ truyền dân tộc vừa trôi qua chưa thật sự an toàn.

Ghi nhận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - bệnh viện ngoại khoa lớn nhất miền Bắc cho thấy, trong những ngày qua, các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức đã phải quay cuồng trong việc cấp cứu, chăm sóc, phân loại người bệnh.

Đa số là các ca cấp cứu do tai nạn giao thông và đánh nhau mà “chất xúc tác” phần lớn cũng là do bia rượu gây nên, cụ thể, từ 29 đến mùng 2 Tết, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 50-70 ca cấp cứu thì mùng 3 Tết là 126 ca.

Bác sĩ căng mình trong “tháng ăn chơi” - Ảnh 3.

Bệnh nhân ùn ùn nhập viện do rượu, tai nạn giao thông và đánh nhau.

Công tác cấp cứu, chăm sóc người bệnh trong dịp Tết lại càng vất vả hơn bội phần vì việc cấp cứu cho các bệnh nhân bị tai nạn giao thông, đánh nhau do uống rượu không như việc cấp cứu cho người mắc các bệnh lý thông thường.

Khi vào viện, người bệnh vẫn trong tình trạng say rượu nên bị kích thích cao độ, họ la hét, phá rối, giãy giụa và bất hợp tác. Đồng thời kéo theo đông bạn bè, họ hàng, thậm chí cả... đối thủ.

Nhiều trường hợp bác sĩ không xác định được là bệnh nhân tổn thương não do rượu hay nguyên nhân khác, phải chờ 1-2 ngày bệnh nhân tỉnh rượu mới có thể tiếp tục điều trị...

Do các ca cấp cứu vì tai nạn giao thông rất nặng, lại đông nên hầu hết các phòng phẫu thuật đều đã chạy hết công suất, các bác sĩ không được nghỉ Tết, bệnh viện phải huy động tối đa mọi nguồn lực với khoảng 400 CBCNV, trong đó có khoảng 60 bác sĩ túc trực, mỗi ngày mổ cấp cứu cho khoảng 40 trường hợp chấn thương nặng, chủ yếu phẫu thuật sọ não, bụng ngực và tứ chi cho bệnh nhân tai nạn giao thông.

Cũng do quá tải, nhiều trường hợp người bệnh nặng được san sẻ sang Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Bệnh viện E...

Bác sĩ căng mình trong “tháng ăn chơi” - Ảnh 4.

Một ca tai nạn giao thông nặng đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

Tại Bệnh viện E, ngay trong đêm 30, rạng sáng mồng 1 Tết, các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu 5 ca do chấn thương sọ não.

Điều đáng nói, hầu hết các ca này đều do người bệnh trước đó có sử dụng rượu bia và gây tai nạn giao thông.

Theo báo cáo của bệnh viện, tại Khoa Hồi sức tích cực, có 32 bệnh nhân đang điều trị thì có tới 18 bệnh nhân nặng, phải thở máy nên các điều dưỡng, bác sĩ phải căng mình trong ca trực Tết.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, từ mùng 1 Tết, số bệnh nhân nhập viện điều trị tăng dần đều, mỗi ngày hơn 100 ca.

Toàn bộ máy thở từ các khoa Cấp cứu, Chống độc, Hồi sức tích cực đều được huy động nhưng cũng quá tải, chật kín bệnh nhân...

Biết bao con số ám ảnh thường xuyên xuất hiện trong “tháng ăn chơi”, còn với các y, bác sĩ thay vì ở bên gia đình, sum vầy với người thân trong mỗi dịp Tết, họ lại phải tất bật, quay cuồng với công việc, đó là cấp cứu, chăm sóc và phục vụ người bệnh...

Mong rằng, ngày càng nhiều người ý thức và tự chủ được hơn trong cái sự “chơi”, để gia đình và xã hội bớt gánh hệ lụy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại