Không chiến Nga Mỹ: F-15 sẽ gặp tai họa nếu bám đuôi Su-34 - Đại Bàng Mỹ bẽ bàng

Hùng Nguyễn (từ Moscow, Nga) |

Chúng ta không nên gọi Su-34 là "kẻ kế nhiệm" của Su-24 mà phải hiểu rằng nó được thiết kể trên nền tảng là Su-27, mục đích là để dành ưu thế trong không chiến.

Tư lệnh lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga đánh giá cao chất lượng của máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 được thử nghiệm chiến trường tại vùng trời Syria.

Các dữ liệu, thông tin ghi nhận được sau những chuyến bay với các bài test về thiết bị hàng không và chế áp điện tử ngay lập tức chuyển về cung cấp cho tổ hợp thiết kế Sukhoi nhằm cải tiến và nâng cấp các thiết bị về điện tử và radar.

Trước đây, người ta cho rằng phiên bản hoàn chỉnh của Su-34 chỉ có thể xuất hiện vào năm 2020, tuy nhiên sau hàng loạt chuyến bay thành công tại Syria, thông tin về các điểm bất cập được các nhà thiết kế và sản xuất xử lý ngay, nên phiên bản hoàn chỉnh của Su-34 sẽ có thể xuất xưởng sớm hơn.

Su-34 được chính thức chấp nhận đưa vào trang bị cho quân đội Nga từ năm 2014, với mục đích là thay thế dần loạt cường kích cánh cụp xòe Su-24 đã rất thành công ở chiến trường Afganistan cách đây hơn 30 năm.

Tuy nhiên, chúng ta không nên gọi Su-34 là "kẻ kế nhiệm" của Su-24 hay là Su-24 cải tiến mà phải hiểu rằng Su-34 được thiết kế trên nền tảng là Su-27, mục đích là để giành ưu thế trong không chiến.

Không chiến Nga Mỹ: F-15 sẽ gặp tai họa nếu bám đuôi Su-34 - Đại Bàng Mỹ  bẽ bàng - Ảnh 1.

Su-34 mang được nhiều loại vũ khí không đối không tiên tiến.

Với khả năng bay lượn rất tốt của "thú mỏ vịt" (tên vui mà người ta đặt cho Su34 vì hình dáng của mũi máy bay dẹt như mỏ vịt), mặc dù dòng máy bay này có nhiệm vụ chính là cường kích mặt trận nhưng nó có thể chiến đấu "tay bo" với tiêm kích đối phương.

Và, khả năng sống sót của tổ lái trên Su-34 cũng cao hơn cả Su-25 - loại vốn được mệnh danh là "xe tăng bay" ở chiến trường Afganistan, khi khoang lái được bọc thép chống đạn tăng 1,5 lần.

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Su-34 là vào năm 1990, nhưng sau đó do những yếu tố khách quan của Liên Xô mà dự án phát triển dòng máy bay ném bom tiền tuyến này bị bỏ ngỏ do không có ngân sách đầu tư cho quốc phòng.

Sau đó, tập đoàn Sukhoi tập trung nghiên cứu và phát triển thiết kế máy bay thế hệ 5 là Su-57 với trang bị điện tử đời chót của tập đoàn Công nghệ điện tử Hàng không (KRET). Thú vị là chính điều này lại có lợi hơn khi người ta lôi Su-34 khỏi tủ hồ sơ lưu trữ để tiếp tục hoàn chỉnh.

Nếu cứ như cũ, Su-34 sẽ được trang bị hệ thống tác chiến điện tử đời trước của Liên Xô là "Sorbsia" thì đến lúc này sẽ không đáp ứng được với các yêu cầu thực tế.

Còn bây giờ trên Su-34 là hệ thống tác chiến điện tử đời chót là "Khibiny" model 10B được dành riêng cho các máy bay tiêm kích. Hệ thống rất mạnh nên trong thực tế Su34 không thua bất cứ một máy bay tác chiến điện tử chuyên nhiệm nào. Nó có khả năng chế áp các tổ hợp phòng không của đối phương cũng như cả máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS).

Ngoài khả năng chế áp và gây nhiễu điện tử ra, "Khibiny" còn cho phép Su-34 làm được nhiệm vụ trinh sát điện tử, theo các nhà thiết kế của tập đoàn KRET thì "Khibiny" còn giúp bảo vệ Su-34 khỏi các đòn đánh bằng đầu dẫn điện tử xuống đến 30 lần.

Trong số máy bay của quân đội Mỹ có một loại máy bay có chung loại nhiệm vụ như Su-34 là F-15 Strike Eagle với trang bị điện tử của những năm cuối thế kỷ 20 và như thế hệ thống điện tử của F-15 sẽ thua xa của Su-34.

Su-34 còn hơn F-15 là ngoài hệ thống radar quét định vị ở bán cầu trước thì nó còn được trang bị hệ thống quét định vị bán cầu sau.

Và trong trường hợp giả sử bị F-15 bám đuôi, "Thú mỏ vịt" sẽ phát hiện được và bắn tên lửa "không đối không" về phía sau hạ gục kẻ bám đuôi. Đây là hệ thống mà chưa có máy bay nào trên thế giới có được, kể cả các máy bay tàng hình thế hệ 5.

Máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 thể hiện uy lực

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại