7 năm mang khối u ác tính được cứu sống kỳ diệu: Chuyên gia chỉ rõ yếu tố nguy cơ mắc bệnh

Linh Trang |

Bệnh lý Sarcoma mô mềm có thể phát sinh bất cứ nơi nào trong cơ thể, tuy nhiên thực tế cho thấy, có khoảng 60% khối u ác tính này xuất hiện ở cánh tay, chân, bàn tay hoặc bàn chân.

Chàng trai người DAO mang khối u ác tính 7 năm

Theo Viện Ung Thư Quốc Gia, mỗi năm ước tính có khoảng 200 trường hợp điều trị Sarcoma mô mềm. Đây là loại bệnh hiếm gặp chiếm khoảng 1% tỉ lệ ung thư ác tính.

Các Sarcoma mềm có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Trong tổng số 200 ca nhập viện vì Sarcoma mô mềm có khoảng 43% xảy ra ở các chi (tay, chân), khoảng 34% xảy ra xung quanh các nội tạng ( tim, phổi), khoảng 10% xảy ra ở thân ( ngực, lưng), khoảng 13% xảy ra ở các vị trí khác.

Tuy nhiên, ngày nay có nhiều người bị mắc sarcoma mô mềm, nhưng do chủ quan hoặc không cảm nhận được những dấu hiệu bất thường trên cơ thể. Khi bệnh nhân tìm đến gặp bác sỹ để được chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hạt nhân MRI, mô sinh thiết thì bệnh đã ở giai đoạn khá muộn.

Liên quan đến thực tế này, đầu tháng 11/2017, bệnh viện K (Hà Nội) có tiếp nhận trường hợp anh Đặng Văn T. 33 tuổi người dân tộc Dao (Bản Leo, xã Chiềng Yên, Vân Hồ, Sơn La) mang trên mình khối u suốt 7 năm, bỗng nhiên xuất hiện những cơn đau lạ, dữ dội kèm theo khó thở.

Qua thăm khám, các bác sỹ của bệnh viện K phát hiện khối u có kích thước 10x15cm chiếm gần toàn bộ măt trước thành ngực phải của bệnh nhân với mật độ chắc, ranh giới khá rõ, không di động và đặc biệt là dính sát vào khung sườn.

7 năm mang khối u ác tính được cứu sống kỳ diệu: Chuyên gia chỉ rõ yếu tố nguy cơ mắc bệnh - Ảnh 1.

Trên hình ảnh phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy rõ thành ngực bên phải của anh T. có khối u kích thước đo trên phim là 8x12cm.

Ngay sau đó, các bác sỹ đã xin ý kiến chỉ đạo của ban giám đốc bệnh viện, đồng thời tiến hành cắt bỏ khối u. Kết quả giải phẫu chính xác là bệnh sarcoma mô mềm.

Do sarcoma mô mềm của bệnh nhân lớn và xâm lấn vào thành ngực nên ngay sau khi cắt bỏ khối u thành công anh Đặng Văn T đã được các bác sỹ của 2 khoa Ngoại lồng ngực và Điều trị A phối kết hợp tạo hình thành ngực nhằm tái tạo để phục hồi cấu trúc toàn bộ cơ ngực lớn, cơ ngực bé, các cơ gian sườn, lá thành màng phổi.

Ths.Bs. Phan Lê Thắng – Trưởng khoa Ngoại lồng ngực bệnh viện K đồng thời là trưởng kíp mổ cho biết: "Với bệnh lý Sarcoma mô mềm là một bệnh lý ác tính. Tiên lượng tốt nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Phương pháp điều trị chủ yếu của bệnh này là phẫu thuật, còn hóa chất và xạ trị sẽ ít đạt được kết quả".

"Sau mổ ngày thứ nhất bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, có thể ngồi dậy và ăn uống được. Ngày thứ 3 sau mổ bệnh nhân đã đi lại được, dự kiến bệnh nhân sẽ được ra viện sau 10 ngày", bác sĩ Thắng chia sẻ thêm về trường hợp anh Đặng Văn T.

3 yếu tố nguy cơ của căn bệnh

Nguyên nhân của các Sarcoma mô mềm nói riêng và ung thư phần mềm nói chung chưa được kết luận chính xác. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã đưa ra ba yếu tố làm tăng tỉ lệ phát sinh các u này.

Một là xạ trị ngoài: Là yếu tố nguy cơ được xác định rõ ràng nhất của các Sarcoma mô mềm. Để hạn chế nguy cơ này, điều trị tia xạ trong ung thư được lập kế hoạch đảm bảo một khối lượng lớn tia xạ được chiếu vào mô bệnh trong khi mô lành xung quanh được bảo vệ tối đa.

Hai là yếu tố di truyền: Một số bệnh di truyền kết hợp làm tăng sinh các Sarcoma mô mềm.

Nguyên nhân khác của Sarcoma mô mềm là do phơi nhiễm hóa chất. Các hóa chất có ảnh hưởng đến hình thành các Sarcoma này bao gồm: thuốc diệt cỏ, thuốc bảo quản gỗ có chứa chlorophenol, arsenic.

Triệu chứng của Sarcoma mô mềm

Sarcoma mô mềm thường không tạo ra dấu hiệu và triệu chứng ở giai đoạn đầu của bệnh. Khi khối u đang trong quá trình phát triển, nó có thể gây ra:

- Đau, nếu khối u mô mềm ép vào dây thần kinh hay cơ bắp.

- Nếu khối u nằm ở vùng bụng hoặc đường tiêu hóa sẽ dẫn đến tắc nghẽn trong dạ dày hay ruột hoặc có thể xuất huyết tiêu hóa.

7 năm mang khối u ác tính được cứu sống kỳ diệu: Chuyên gia chỉ rõ yếu tố nguy cơ mắc bệnh - Ảnh 2.

Nếu khối u nằm ở vùng bụng hoặc đường tiêu hóa sẽ dẫn đến tắc nghẽn trong dạ dày

- Một biểu hiện dễ nhận thấy nhất khi bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối, đó là: Bệnh nhân thường có hiện tượng sút cân, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức, khó thở.

Chuyên gia chỉ rõ cách phòng bệnh

Các chuyên gia nhấn mạnh, đối với ung thư, không gì bằng quan tâm, chẩn đoán, tầm soát và tiên lượng. Chỉ có tuân thủ những khâu quan trọng đó, mới giúp mỗi chúng ta sẵn sàng đối phó với căn bệnh nan y này.

Với những trường hợp không may đã mắc Sarcoma mô mềm, cần tích cực điều trị, chủ động trong mọi tình huống bất thường của sức khỏe.

Ăn tốt, thư giãn và được nghỉ ngơi đầy đủ có thể giúp chống lại sự căng thẳng và mệt mỏi của bệnh ung thư nói chung và Sarcoma mô mềm nói riêng.

Ths.Bs. Phan Lê Thắng cũng khuyến cáo: "Không nên dùng những loại thực phẩm có hại cho sức khỏe như bia, rượu hoặc đồ ăn chứa nhiều hóa chất tránh được nguy cơ bị các loại ung thư".

"Bệnh nhân cần chủ động đi khám ngay nếu thấy các triệu chứng bất thường trên cơ thể. Đặc biệt là với những dấu hiệu khó phát hiện như bệnh lý Sarcoma mô mềm".

Cận cảnh các tế bào ung thư trườn bò trong khối u

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại