Điều trị ung thư thường hay mất ngủ hoặc ác mộng: Xử lý thế nào?

Th.s Bùi Xuân Sơn (Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM) |

Ung thư và quá trình điều trị có thể làm rối loạn giấc ngủ, gây ra chứng ngủ nhiều (Hypersomnia); hội chứng ngủ gà (Somnolence syndrome); ác mộng hoặc mất ngủ (Insomnia).

Các yếu tố khác cũng có thể gây ra rối loạn giấc ngủ, như các yếu tố cảm xúc hoặc bệnh lý cơ thể khác không liên quan tới ung thư.

Chứng ngủ nhiều (Hypersomnia)

Người mắc chứng ngủ nhiều có cảm giác rất buồn ngủ suốt cả ngày hoặc muốn ngủ nhiều hơn bình thường vào buổi tối. Chứng ngủ nhiều cũng có thể được gọi là ngủ gà (somnolence), ngủ nhiều vào ban ngày hoặc gà gật kéo dài.

Các dấu hiệu chứng ngủ nhiều có thể gồm:

• Một giấc ngủ kéo dài bằng hoặc trên 10 tiếng.

• Quá nhiều giấc ngủ sâu.

• Khó khăn trong việc duy trì sự tỉnh táo ban ngày.

• Chứng thèm ngủ: Chứng ngủ nhiều không giảm sau giấc ngủ trưa.

Chứng ngủ nhiều có thể gây trở ngại cho các mối quan hệ và tham gia hoạt động của bạn. Nó cũng là một thách thức cho các công việc thường ngày, cho gia đình và hiệu quả công việc.

Chứng ngủ nhiều và chứng mệt mỏi (fatigue) không giống nhau. Chứng mệt mỏi là cảm giác kiệt sức và thiếu sinh lực không liên quan đến giấc ngủ. Tuy nhiên, chứng thèm ngủ ban ngày và tình trạng khó khăn trong duy trì sự tỉnh táo không phải là dấu hiệu của chứng mệt mỏi.

Điều trị ung thư thường hay mất ngủ hoặc ác mộng: Xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Các dạng ung thư, phương pháp điều trị ung thư dưới đây và các bệnh lý khác có thể là nguyên nhân của chứng ngủ nhiều:

Khối u não và khối u ở hệ thần kinh trung ương.

Ung thư di căn tới não.

• Một số liệu pháp/thuốc hóa trị.

• Các thuốc theo toa bác sĩ hoặc thuốc không cần kê toa như: Thuốc điều trị bệnh trầm cảm, thuốc chống ói, thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc kháng histamine trong điều trị dị ứng hay cảm cúm, thuốc ngủ.

• Thiếu máu hoặc giảm hồng cầu.

• Các thay đổi về lượng hormone trong cơ thể.

• Một số triệu chứng của ung thư hoặc tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư, bao gồm: chứng tăng Canxi máu (Hypercalcemia); chứng giảm Kali máu (Hypokalemia); suy giáp hay Thiểu năng tuyến giáp (Hypothyroidism); trầm cảm (Depression).

Xử lý ra sao?

Để xử trí chứng ngủ nhiều, trước tiên bác sĩ sẽ tìm và xử lý nguyên nhân. Điều trị nguyên nhân là cách hiệu quả nhất để giảm nhẹ triệu chứng. Ví dụ, chứng ngủ nhiều do hóa trị thường sẽ cải thiện sau khi kết thúc hóa trị.

Nếu nguyên nhân là do thuốc gây ra, bác sĩ cũng có thể thay đổi thuốc hoặc thay đổi liều dùng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kích thích (stimulant medication) giúp bạn tỉnh táo cả ngày.

Những thay đổi hành vi dưới đây có thể giúp bạn xử lý chứng ngủ nhiều:

• Ngủ thêm vài giờ vào ban đêm để tránh chứng buồn ngủ vào ban ngày.

• Tập thể dục hằng ngày vào buổi sáng hoặc chiều sớm nếu có thể.

• Tham gia các hoạt động thú vị để tạo sự tập trung.

• Cố gắng đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày.

• Ra khỏi giường ngủ và tránh xa giường ngủ cho tới giờ đi ngủ.

• Tránh ăn no và các thức ăn gây buồn ngủ trong ngày.

• Tránh đồ uống chứa cồn và caffeine.

Hội chứng ngủ gà (Somnolence syndrome)

Hội chứng ngủ gà là một kiểu ngủ nhiều ở trẻ em khi điều trị ung thư bằng xạ trị vùng đầu, xxảy ra sau khi kết thúc quá trình xạ trị khoảng 3-12 tuần, có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần. Nó có các triệu chứng sau:

• Gà gật.

• Ngủ tới 20 giờ mỗi ngày.

• Đau đầu.

• Sốt nhẹ.

• Chán ăn.

• Buồn nôn và nôn.

• Dễ bị kích thích.

Ác mộng

Ác mộng là các giấc mơ kỳ lạ và đáng sợ. Nó làm bạn giật mình thức giấc và bạn có thể nhớ một phần hoặc toàn bộ giấc mơ.

Hầu hết mọi người tỉnh thoảng đều gặp ác mộng. Tuy nhiên, tần suất hay mức độ kì lạ của ác mộng có thể gia tăng sau quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư. Gặp ác mộng thường xuyên có thể gây ra cảm giác sợ đi ngủ, trằn trọc và thèm ngủ vào ban ngày.

Ác mộng thường xảy ra do sự gia tăng các căng thẳng/stress về cảm xúc. Chúng cũng có thể là do tâm trí hoạt động với cảm giác và nỗi sợ chưa được giải tỏa.

Điều trị ung thư thường hay mất ngủ hoặc ác mộng: Xử lý thế nào? - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Một số nguyên nhân khác gồm:

• Các thuốc kháng sinh.

• Thuốc bổ trợ sắt.

• Các thuốc giảm đau.

• Các thuốc điều trị bệnh tim.

• Ngừng sử dụng chất chứa cồn, thuốc giảm đau và một số thuốc an thần.

• Đau không thuyên giảm.

Tâm lý khi bị ung thư thật đáng sợ và đầy lo lắng, nên việc gặp ác mộng cũng là chuyện bình thường trong quá trình điều trị và phục hồi. Một số hướng dẫn sau có thể giúp bạn đối phó với ác mộng:

• Thành thật về nỗi lo sợ và cảm nghĩ của bạn. Thảo luận với gia đình hoặc bạn bè vào lúc sáng sớm, tránh thời điểm ban đêm.

• Kể lại chuyện gặp ác mộng với gia đình hoặc bạn bè.

• Tìm các cách sáng tạo để thể hiện nội dung hoặc bối cảnh của ác mộng như là viết hoặc vẽ tranh về chúng.

• Tưởng tượng các kết thúc khác nhau hoặc viết kịch bản về ác mộng và hình dung ra chúng. Nên nhớ rằng ác mộng không có thật và không giúp biết trước tương lai hay các điều xấu có thể xảy ra. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ hoặc người tư vấn có kinh nghiệm nếu các cơn ác mộng gia tăng hay vẫn tiếp tục, gây ra lo lắng nhiều hoặc làm bạn khó ngủ.

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên. Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe.

Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

Giật mình về số liệu tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ung thư phổi

Người dịch: Th.s Bùi Xuân Sơn (Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM)

Hiệu đính: BS Nguyễn Hữu Cát

*Theo Cancer.net

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại