Mặt mũi biến dạng, hoại tử vì... làm đẹp

Khánh Ngọc |

Cô gái trẻ tại Hà Nội lo lắng chia sẻ hình ảnh đầu mũi sưng tấy, nổi mụn nước, đây là hậu quả sau khi tiêm filler nâng mũi được 2 ngày.

Theo như cô gái tên Y.L. chia sẻ trên diễn đàn làm đẹp, mình mới tiêm filler mũi được 2 ngày và hậu quả là mũi tấy đỏ, nổi nhiều mụn nước trắng nhỏ trên mũi. Khi xảy ra tình huống này Y.L. đã đến spa kiểm tra và được người tiêm filler giải thích nguyên nhân là do Y.L. trang điểm sau 01 ngày nên bị viêm da ở mũi.

Sau khi bóp nhân mụn nước trên mũi ra, Y.L. được người củ tiệm spa kê đơn thuốc (long huyết, zinnat ) để uống. “Hiện tại mình khá lo, mọi người có thể tư vấn mình nên đi khám ở bệnh viện nào được không ạ? Mình tiêm lần này là lần thứ hai, lần đầu tiêm cùng chỗ sau 1 ngày là mình ổn rồi chứ không bị như lần này.

Cơ sở này khá nổi tiếng ở HN về tiêm filler và mình và bạn bè đã tiêm rồi nhưng lần này bị thế này lo quá đi mất”, Y.L. lo lắng.

Trước đó trên mạng xã hội nhiều người cũng phản ánh hậu quả của việc tiêm chất làm đầy môi, cằm để làm đẹp. Nhiều người để lại hậu quả là môi sưng phồng, cằm lệch, mũi xuất hiện các cục vón.

Trường hợp của H., một cô gái trẻ khác đã từng tiêm chất làm đầy filler vào môi dưới. Thời gian đầu, H. khá ưng ý vì được tạo hình môi đẹp nhưng sau gần 1 tháng bắt đầu xuất hiện các triệu chứng trên và đã đến Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba (Hà Nội) để khám.

Khi đến viện khám, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau nhiều ở môi dưới do chất làm đầy gây hoại tử, vùng môi sưng mủ, chảy dịch. Các bác sĩ đã phải chích, rạch phần áp xe ở môi để xử lý dịch mủ và dùng kháng sinh.

Trao đổi về việc dùng filller (chất làm đầy) trong thẩm mỹ, TS. BS. Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 cho biết, chất làm đầy là một trong các chất liệu được sử dụng trong thẩm mỹ.

Chất làm đầy thường được sử dụng để làm mờ các vết nhăn quanh mi mắt, khóe miệng, làm môi đầy đặn hơn hoặc dùng để cải thiện hình dáng và độ cao của mũi.

Hiện nhiều cơ sở thẩm mỹ thường quảng cáo làm đẹp, nâng mũi không phẫu thuật chính là sử dụng chất làm đầy này. Nhiều người hào hứng với phương pháp làm đẹp này là do ưu điểm cho hiệu quả tức thì, không cần đụng chạm dao kéo với các nguy cơ có thể gặp như nhiễm trùng vết mổ, sẹo xấu.

Tuy nhiên, theo BS. Huy Thọ, chất làm đầy cũng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian nhất định và muốn duy trì nó cần phải có sự tư vấn, can thiệp của bác sĩ chuyên khoa và ở các cơ sở y tế chuyên thẩm mỹ có uy tín.

Bởi nếu không được bác sĩ chuyên khoa thực hiện, với chất liệu chất làm đầy được đảm bảo thì nguy cơ biến dạng ngực, mông, mũi, môi là có thể xẩy ra… thậm chí còn dẫn đến việc nhiễm trùng, hoại tử.

“Chị em cần lưu ý, chỉ nên làm đẹp bề mặt da tại spa vì ở đó không được bất kỳ thủ thuật nào, kể cả tiêm. Không ít bệnh nhân bị biến chứng, mưng mủ vì thực hiện kỹ thuật trên tại các spa đã phải tìm đến cơ sở y tế để cầu cứu”, ông Thọ khuyến cáo.

Bí quyết làm đẹp an toàn cho phụ nữ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại