Bác sĩ cảnh báo những dấu hiệu phải đến viện ngay: Chậm 30 phút có thể không kịp cứu!

Thảo Nguyên |

Những triệu chứng nhận biết sớm nhất bệnh đột quỵ, đó là bỗng dưng nói ngọng, uống nước khó nuốt cần được đi viện ngay kẻo muộn.

Cái chết trong gang tấc

Gặp ông Nguyễn Văn Hải 52 tuổi, trú tại Phú, Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội sau khi ông vừa điều trị qua cơn đột quỵ tại trung tâm Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Bạch Mai.

Giọng nói ngọng ngọng, ồm ồm khó nghe, ông Hải kể về cơn tai biến cách đây hơn 3 tháng của mình. Đến nay, ông nói được như thế này đã là kỳ tích khiến cả gia đình vô cùng vui mừng.

Ông Hải kể giống như mọi khi, ông vẫn ăn uống và đi làm bình thường. Nhưng ông cảm thấy nói khó, hơi ngọng, cảm giác uống nước bị chảy ra và tê tê tay bên phải.

Ông Hải nghĩ có thể do nằm sai tư thế nên ông không để ý mà tiếp tục đi làm. Đến cơ quan, ông bắt đầu có triệu chứng liệt chân phải, tay phải không giơ lên được. Chưa hình dung mình bị làm sao thì khi tỉnh lại ông đã nằm cấp cứu ở viện do đột quỵ.

Sau này, vợ ông mới kể lại ông bị cơn đột quỵ và may mắn được đồng nghiệp gọi xe cứu thương đưa thẳng vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Ông Hải cũng không nhớ chuyện gì xảy ra.

Khi ông nhớ lại, ông kể cho bác sĩ nghe về triệu chứng ban đầu của buổi sáng giọng ngọng, khó nói, uống nước bị chảy ngược ra thì bác sĩ mới giải thích cho ông đây là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo sắp đột quỵ nếu không biết thì sẽ không đi đến bệnh viện kịp.

Bác sĩ cho biết ông chỉ chậm 30 phút nữa thì không thể cứu được.

Trường hợp của chị Đỗ Bích Lan trú tại Hoàng Cầu, Hà Nội kém may mắn khi chị bị đột quỵ chảy máu não và không phát hiện sớm dẫn đến tửu vong. Chị Lan mới 39 tuổi.

Chị Lan là bệnh nhân cao huyết áp lâu năm nhưng chị là dược sĩ nên khá chủ quan và nghĩ uống thuốc là đủ. Khi có dấu hiệu yếu một cánh tay, giọng nói hơi lớ, chị lại không đến bệnh viện mà lại ở nhà nằm nghỉ.

Cả nhà đi làm, chị ngủ trưa xong dậy thì té ngã ngay trên sàn. Khi giúp việc lên thì chị đã ngã trên sàn nhà. Dù được gia đình đưa vào cấp cứu nhưng đã quá muộn, chị đã tử vong sau 5 ngày cấp cứu ở Bệnh viện.

Bác sĩ cho biết chị bị xuất huyết não và đưa vào viện quá chậm. Chồng chị Lan xót xa bởi vì từ tối hôm trước thấy vợ không ăn cơm giọng nói lớ lớ, tay bị yếu một bên anh cũng không để ý. Không ngờ đó là dấu hiệu của bệnh đột quỵ.

Bác sĩ cảnh báo những dấu hiệu phải đến viện ngay: Chậm 30 phút có thể không kịp cứu! - Ảnh 1.

Bệnh không trừ ai

Theo khuyến cáo của tổ chức đột quỵ thế giới thì cứ 6 người bình thường thì 1 người có nguy cơ đột quỵ. Tại Việt Nam mỗi năm có 200.000 người đột quỵ và tỷ lệ này ngày càng tăng. Do vậy, việc phòng ngừa và biết sớm các dấu hiệu của bệnh đột quỵ vô cùng quan trọng.

Theo PGS. TS Lê Văn Trường, Chủ nhiệm Khoa Can thiệp Tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, triệu chứng của đột quỵ như nói khó, uống nước bị chảy ra, yếu nửa người phải nghĩ ngay ra đột quỵ và thông báo với người thân, người xung quanh.

Khi bị đột quỵ phải chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất, bệnh viện nào gần nhất, lớn nhất thì vào, không cần chuyển tuyến vì cấp cứu đột quỵ BHYT sẽ thanh toán.

Khi bị đột qụy, người nhà không nên làm bất kỳ hình thức sơ cấp cứu nào vì mọi sơ cứu đều vô ích chỉ tổn hại thêm cho bệnh nhân.

Khi bệnh nhân bị đột quỵ phải mau chóng đưa vào bệnh viện bởi vì trong điều trị đột quỵ, các bác sĩ thường có câu, "thời gian là não" có nghĩa mất thời gian là mất não.

Việc nhanh chóng nhập viện cùng một quy trình khép kín với sự tham gia của đầy đủ các bác sĩ chuyên khoa đã cho ra được một quyết định chẩn đoán và điều trị chuẩn xác, giúp mang lại cơ hội sống và giảm tỷ lệ tàn phế cho bệnh nhân.

Có hai loại đột quỵ não là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Đột quỵ thiếu máu não là mạch máu não bị tắc có thể do mạch máu bị xơ vữa gây hẹp dần và tắc tại chỗ hoặc cục máu đông từ mảng xơ vữa đi chuyển từ nơi khác lên động mạch não và gây tắc não.

Đột quỵ xuất huyết não là mạch máu bị vỡ do tăng huyết áp đột ngột quá mức, vỡ phình động mạch não. Dù ở bất cứ loại đột quỵ nào thì với người bệnh thời gian là vàng và thời gian tối đa tốt nhất ít biến chứng nhất là 4 tiếng.

Chính vì thế, PGS Trường cho rằng việc nhận biết dấu hiệu sớm của người bệnh và thông báo với người nhà là tốt nhất.

Kết quả hình ảnh cho đột quỵ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại