Cấp cứu vì rượu thuốc tự chế

Tuệ Khanh |

Trong y học dân gian, rượu thuốc vốn là bài thuốc trong y học cổ truyền được các lương y có kinh nghiệm bốc và có bài thuốc. Thế nhưng, thói quen của hầu hết người Việt là cái gì cũng ngâm rượu từ côn trùng, sâu bọ... cho đến các loại cây nhà lá vườn...

Vậy, uống rượu thuốc như thế nào để hiệu quả và những ai nên uống rượu thuốc?

Cấp cứu vì “thử tí” rượu ngâm

Ông Đào Đức T. (ở đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội) có một sở thích đặc biệt đó là ngâm rượu thuốc, ông có cả một hầm ngâm đủ các thứ rượu, từ động vật đến thực vật, từ côn trùng nhỏ xíu như ong, bọ chít... cho đến tay gấu, rắn, chim hay ba kích, chuối hột... 

Ông luôn tự hào khoe với bạn bè về “bộ sưu tập” rượu có một không hai của mình. Nếu khách đến nhà bằng giá nào ông cũng phải mời uống cho bằng được ly rượu. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc ngâm rượu bừa bãi hiện nay rất nguy hiểm, có thể gặp phải vị thuốc độc mà không biết. Có những thứ là bài thuốc nhưng phải biết cách sử dụng nếu không trở thành độc chất.

Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu thuốc ngâm củ ấu tẩu.

Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đã từng ghi nhận trường hợp hai người vào nhập viện cấp cứu vì uống rượu ngâm. Theo lời kể của bệnh nhân, thì hai người này đến chơi nhà bạn và đã tự lấy rượu ra “thử tí”. 

Ai ngờ, cả hai người cụm ly, vừa uống vào đã thấy tê miệng, mờ mắt, người lạnh buốt, vã mồ hôi, tim đập nhanh... Thứ rượu mà hai người uống là củ ấu tẩu chỉ dùng để xoa bóp chứ không dùng để uống. Ngay sau đó, cả hai đều được đưa vào Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cấp cứu.

Mới đây, tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang cũng ghi nhận ít nhất 3 trường hợp ngộ độc rượu ngâm như củ ấu tẩu nhập viện cấp cứu.

ThS. Đinh Mạnh Phương - Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thành phần hóa học chính trong ấu tẩu là aconitin (chiếm 90%).

Aconitin nguyên chất là một chất độc mạnh. Với liều 1mg có thể gây ngộ độc nặng, liều 2 - 3mg đủ gây tử vong một người trưởng thành. 

Bệnh nhân ngộ độc aconitin lúc đầu cảm thấy bần thần với triệu chứng tê lưỡi, tê ngón tay, ngón chân, tay chân lạnh buốt rồi không đứng được, cảm giác khuỵu xuống, hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, nói khó, chảy nước dãi, tiêu chảy, buồn nôn, ngực tức, da lạnh, tim đập nhanh... 

Xét nghiệm máu thấy rối loạn điện giải, thông thường giảm kali, canxi, suy chức năng gan, thận.

Các bác sĩ khuyến cáo, ấu tẩu thường chỉ dùng làm thuốc uống khi đã qua chế biến cẩn thận và được dùng với liều nhỏ, có sự chỉ định và theo dõi thận trọng của thầy thuốc. Có nhiều người lầm tưởng đây là một vị thuốc bổ, tự uống quá liều nên đã xảy ra một số vụ ngộ độc, thậm chí tử vong.

Rượu thuốc phải được ngâm, uống theo chỉ dẫn

Thực tế nhiều người Việt lầm tưởng giữa rượu thuốc với rượu ngâm từ các loại vì nghĩ nó bổ. Trong y học dân gian, rượu thuốc vốn là bài thuốc được các lương y có kinh nghiệm bốc và có bài thuốc, vị thuốc rõ ràng để chữa bệnh và dùng rượu làm dẫn chất. 

PGS.TS. Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai chia sẻ thêm, việc ngâm rượu bừa bãi hiện nay rất nguy hiểm. Mặt khác, có những thứ là bài thuốc nhưng phải biết cách sử dụng nếu không cũng trở thành độc chất và có nguy cơ ngộ độc. 

Tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân sau uống rượu ong toàn thân sưng phù, ngứa ngáy...

Rượu thuốc đúng nghĩa là thuốc Đông y, có thang có vị, các vị thuốc kết hợp trong một bài thuốc và được ngâm rượu là nhằm chiết xuất hoạt chất. 

Rượu đã là thứ không nên uống nhiều, rượu thuốc thì lại càng tuyệt đối không nên uống nhiều vì thuốc có liều lượng, có chỉ định và chống chỉ định không phải cứ thích là uống.

Rượu thuốc mà uống vô tội vạ thì có thể gây ngộ độc dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận vô niệu, tăng huyết áp, hoặc nhiễm khuẩn (rượu mật, rượu tiết động vật). 

Các loại rượu nội tạng động vật, tay gấu, mật… hoàn toàn không có tác dụng tăng cường sinh lý như lời đồn thổi. 

Vì vậy rượu thuốc nên được kê đơn bởi thầy thuốc, và ngâm rồi uống theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc như tất cả các loại thuốc khác để tránh lợi bất cấp hại, dẫn đến tai nạn phải đi cấp cứu, thậm chí tử vong.

“Một điều nữa cũng cần cảnh báo với người tiêu dùng là các loại rượu ngâm có nguồn gốc động vật như kiến, sâu chít, nhộng ong, thậm chí tay gấu…khi uống thứ rượu này vào chẳng khác nào uống rượu ngâm “xác chết”. 

Điển hình là có người ngâm tay gấu, chưa thấy nói bổ cái gì. Mà chỉ biết rằng tay gấu có nhiều mỡ, chất đạm nên khi ngâm với rượu uống thông thường, độ rượu không cao và theo thời gian độ rượu giảm dần, lúc ấy các protein tiết ra từ tay gấu có thể bị nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn…”, PGS Duệ nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại