Giao lưu trực tuyến: "Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát"

BBT |

Từ 9h30 đến 11h30 sáng nay (3/6), Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã tổ chức giao lưu trực tuyến với độc giả về chủ đề "Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát".

Theo một thống kê, trong năm 2014, mỗi người Việt tiêu thị trung bình 23 lít nước giải khát công nghiệp. Loại đồ uống này ngày càng được ưa chuộng bởi tính tiện lợi và hợp khẩu vị nhiều người. 

Tuy nhiên, việc lạm dụng nước giải khát công nghiệp gây ra nhiều nguy cơ, tác hại cho sức khỏe. 

Trong nước giải khát công nghiệp có chứa nhiều đường và chất phụ gia, gây ra gánh nặng cho hệ xương, răng, hệ tiết niệu và hệ tiêu hóa, đẩy bạn đến gần với nhiều loại bệnh tật khó chữa.

Bên cạnh đó, nhiều loại nước giải khát làm giả, kém chất lượng vẫn đang trôi nổi trên thị trường, và tác hại của chúng còn cao hơn gấp nhiều lần.

Mới đây nhất, nhiều lô trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Hà Nội bị phát hiện có hàm lượng chì vượt mức công bố, cũng là một nguy cơ khôn lường về sức khỏe với người tiêu dùng…

Chính vì thế, Báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức một buổi giao lưu trực tuyến làm cầu nối với các chuyên gia hàng đầu, nhằm giải đáp những thắc mắc của độc giả xung quanh vấn đề này.

Giao lưu trực tuyến: Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát - Ảnh 1.

Tham gia cuộc giao lưu trực tuyến có các chuyên gia:

PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

- TS Hoàng Xuân Ba - Trợ lý GS, Khoa Ngoại, Đại học Y khoa Keck, Đại học Nam California (VSC)

- PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội

- TS Phan Minh Liêm - Trung tâm ung thư MD Anderson (Texas, Mỹ)

NỘI DUNG CUỘC GIAO LƯU

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ ngay đầu buổi giao lưu

Hỏi: Cho em hỏi nhà em có đứa em thường xuyên uống Rồng đỏ hàng ngày, em vừa xuất viện về nhà sau 1 thời gian điều trị tiểu đường cấp 4 và nhiễm trùng máu, dù em mới học lớp 9 thôi. Giờ em có thể khởi kiện nhãn hàng này để làm các xét nghiệm cần thiết hay không?và mức bồi thường như thế nào? (Lại Ngọc Hiếu - Bà Rịa, Vũng Tàu)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Bước đầu, gia đình có thể thông qua phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng với doanh nghiệp có nhãn hàng ấy, kể cả việc hỗ trợ làm các xét nghiệm cần thiết.

Còn việc khởi kiện ra tòa thì cái quan trọng là phía người tiêu dùng phải cung cấp được chứng cứ chứng minh việc thường xuyên uống nước Rồng đỏ dẫn đến bệnh tình như hiện nay.

Vì vậy, gia đình cần có tư vấn của luật sư trước khi quyết định đưa vụ việc ra tòa. Hội có thể giúp giới thiệu một văn phòng luật sư đã hỗ trợ bảo vệ thành công một vụ người tiêu dùng kiện cơ sở bán hàng không đảm bảo chất lượng dẫn đến gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nếu thực sự nguyên nhân dẫn đến bệnh tật của em cháu là do uống nước Rồng đỏ thì mức bồi thường như thế nào tùy thuộc vào mức độ thiệt hại và phán quyết của tòa án. 

Hỏi: Thưa ông Hoàng Xuân Ba, nhiễm độc chì sẽ gây những tác hại gì đối với người sử dụng? Chì có gây ung thư không và nếu có thì gây theo cơ chế nào, và gây ra loại ung thư gì? Sử dụng sản phẩm nước giải khát bị nhiễm chì trong thời gian dài có dẫn tới ung thư hay không? (hongtrang86@yahoo.com)

TS Hoàng Xuân Ba: Chì có thể gây tác hại đến mọi tế bào, mọi cơ quan trong cơ thể, những tác hại này thường nặng nề hơn ở trẻ em. Nhưng đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy chì có thể gây ra 1 bệnh ung thư cụ thể nào cho con người. Do cơ thể là 1 khổi thống nhất và có liên quan chặt chẽ đến nhau nên nhiễm độc chì có thể gián tiếp gây ra ung thư, qua tác hại của chì tới hệ miễn dịch, các cơ quan thần kinh nội tiết, tủy xương, hệ bạch huyết… 

Chúng ta không nên chỉ chú ý vào nước giải khác mà chì có thể vào cơ thể bằng nhiều nguồn: không khí ô nhiễm, các sản phẩm xăng dầu, các loại sơn dân dụng và công nghiệp, nhiều loại thực phẩm, thậm chí cả nước uống, vấn đề là lượng chì được đưa vào trong cơ thể vượt ngưỡng thải độc của cơ thể của con người trong 1 thời gian dài hoặc ngắn để gây ra ngộ độc chì cấp và mãn tính. 

Chúng ta cũng ko nên quá lo ngại khi uống 1 lượng nhỏ chì vì cơ thể chúng ta là bộ may thải độc mạnh và tương đối hoàn hảo để có thể đào thải, ngăn ngừa tác hại của chì. Tác hại và ngộ độc chì chỉ xảy ra khi lượng hóa chất này vượt quá khả năng đào thải và thải và thải độc của cơ thể chúng ta.

Hỏi: Những người nào không nên uống nước ngọt, những người nào nên hạn chế tối đa có thể? (lymai_...@gmail.com)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Do nước ngọt chứa nhiều đường đôi, đường đơn, có thể tăng nhanh lượng đường huyết trong cơ thể. Cho nên, những người bị mắc rối loạn chuyển hóa glucose trong máu, những người bị đái tháo đường không nên uống nước ngọt.

Còn người bình thường thì chỉ cần chú ý mức tiêu thụ nước ngọt đúng tiêu chuẩn của WHO. Chúng ta có thể uống ít hơn hoặc không uống, đấy là sở thích và sự lựa chọn của mỗi người.

Tôi muốn lưu ý thêm rằng nếu sử dụng nhiều nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có gas, sẽ tạo nên một môi trường axit. Môi trường này sẽ tăng đào thải canxi trong nước tiểu.

Trong khi đó, lượng canxi trong khẩu phần ăn của người Việt Nam mới đáp ứng được 50-60 nhu cầu khuyến nghị canxi cho cơ thể mỗi ngày. Lượng canxi ít ỏi đó rất có thể, vì thói quen tiêu thụ nước ngọt quá nhiều, sẽ càng bị ít đi.

Vì vậy, không nên uống quá nhiều nước ngọt, nước ngọt có gas.

Giao lưu trực tuyến: Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát - Ảnh 3.

  Đại diện báo điện tử Trí Thức Trẻ đang tặng hoa khách mời.

Hỏi: Thưa TS Nguyễn Duy Thịnh, Bộ Y tế đã có các quy định về quy chuẩn của các sản phẩm. Vậy tại sao các lô nước giải khát có hàm lượng chì vượt mức cho phép vẫn được bán ra thị trường? (bacontra@...@gmail.com)

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Tiêu chuẩn về An toàn thực phẩm (ATTP), bộ Y tế đã ra những văn bản cho nhiều sản phẩm khác nhau, đây là quy chế theo luật ATTP năm 2010 của nhà nước. Tuy nhiên, các doanh nghiêp tự xây dựng quy chế của riêng mình, còn đối với doanh nghiệp thuộc nhiều địa phương khác nhau đăng ký lại với cục ATTP.

Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện các quy chuẩn và tự kiểm tra về công nghệ sản xuất.

Với các chỉ tiêu có an toàn hay không: Ví dụ các hóa chất trong sản phẩm, các chỉ tiêu về tính chất vật lý (có gây tác động đến dạ dày,), gồm các chỉ tiểu hóa học, sinh học và vật lý học.., cơ quan chức năng có quyền quyết định các chỉ tiêu này có an toàn hay không.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp bị mất nhiều thời gian trong việc cơ quan đến kiểm tra đột xuất, với các cuộc điều tra về an toàn vệ sinh, về phòng cháy chữa cháy...

Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý kiểm tra 2 lần mỗi năm để họ tự chịu trách nhiệm trước các tiêu chuẩn của mình.

Trước vấn đề nước ngọt nhiễm chì, thì trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp như phạt hành chính, thu hồi sản phẩm, bồi thường cho người tiêu dùng (cả vật chất lẫn sức khỏe).

Hỏi: Tôi tìm hiểu thì biết ở VN muốn thải độc chì rất tốn kém. Ở các nước có nền y tế tiên tiến thì họ làm cách nào? Chi phí có lớn không? Bác sĩ có thể mách cho tôi những cách thải độc đỡ tốn tiền và có thể tự áp dụng được không? (Hoàng Thu Thái - FB)

TS Phan Minh Liêm: Biện pháp đầu tiên là chúng ta cần nhận diện nguồn gốc gây ra nhiễm độc chì để xử lý triệt để. Nếu bị nhiễm độc chì ở mức độ thấp thì sau khi chặn đứng nguồn gốc gây nhiễm độc chì (thực phẩm nhiễm chì, sơn có hàm lượng chì cao, bình ắc quy, nguồn nước ô nhiễm chì,...) , cơ thể sẽ dần đào thải chì và hàm lượng chì trong máu sẽ giảm theo thời gian.

Đối với các trường hợp ngộ độc chì nặng, hiện tại có 2 nhóm phương pháp điều trị:

1. Sử dụng các thuốc có khả năng hấp phụ chì và tăng cường đào thải chì qua đường tiết niệu, ví dụ như dimercaptosuccinic acid (DMSA), D-penicillamine (D-penicillamine chưa được Cục quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ cấp phép sử dụng tại Hoa Kỳ),....

2. Sử dụng Ca2Na2 EDTA (EDTA: ethylenediaminetetraacetic acid) và Dimercaprol để hấp thu chì trong cơ thể. Tuy nhiên, các liệu pháp này cũng không hoàn toàn sữa chữa được các tổn thương do ngộ độc chì ở mức độ nghiêm trọng.

Việc dùng các thuốc điều trị nhiễm độc chì cần được tiến hành bởi các chuyên gia y tế có chuyên môn trong lĩnh vực này bởi vì các thuốc này nếu dùng sai phương pháp có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bệnh nhân.

Hỏi: Là một người từng khá thường xuyên dùng nước đóng chai C2, cũng như các loại đồ uống có gas trong thời gian dài, hiện tại tôi đang mang thai và tất nhiên cũng không uống nhiều như trước, nhưng bà có thể cho tôi biết rằng điều này có ảnh hưởng tới thai nhi hay không? Và nếu có thì mức nguy hại tới đâu? (Hoàng Hồng - FB)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Nếu nói về vấn đề đang mang thai mà uống nước ngọt có nguy hiểm không thì phải xét ở khía cạnh hàm lượng tiêu thụ. Trong những buổi liên hoan ở công ty hay ăn tiệc đám cưới, nếu thai phụ cũng có uống một chút thì cũng không vấn đề gì lớn.

Tuy nhiên, ở đây chị quan ngại vì uống nước C2. Tôi khuyên chị nên xem lại mình có uống phải những sản phẩm có trong lô  vừa bị phát hiện chứa chì vượt mức cho phép hay không. Nếu không thì cũng không nên lo lắng quá, ảnh hưởng tới thai nhi.

Nhưng nếu lỡ uống phải nước C2 chứa chì quá nhiều, đây là một rủi ro không ai mong muốn cả. Và ảnh hưởng như thế nào tới em bé thì còn phụ thuộc vào độ tuổi của thai nhi, lượng tiêu thụ thức uống đó.

Vì thế, nếu quá lo lắng, chị nên đi khám ở các phòng khám chuyên môn để có những chẩn đoán kịp thời ví dụ như kiểm tra lượng chì trong máu, khám sản khoa….

Tôi cũng muốn nói rằng thời kỳ mang thai rất quan trọng và kéo dài, vì vậy, các thai phụ nên lựa chọn thực phẩm cẩn thận, để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Giao lưu trực tuyến: Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát - Ảnh 4.

 TS Hoàng Xuân Ba trả lời giao lưu trực tuyến từ nơi làm việc của ông

 Hỏi: Thưa tiến sĩ Ba, cháu nghe nói hình như tỷ lệ người tiểu đường ở Mỹ cao nhất thế giới, có phải không thưa tiến sĩ, và có phải do dân họ uống nhiều Coca, Pepsi? (hoangchau_...@gmail.com)

TS Hoàng Xuân Ba: Mỹ là 1 trong những quốc gia có tỉ lệ bệnh tiểu đường cũng như  các bệnh rối loạn chuyển hóa rất cao. 

Thói quen uống các loại nước đóng chai có nhiều đường và các chất tạo ngọt chỉ là 1 trong những nguyên nhân của dịch bệnh này, còn những nguyên nhân khác như lối sống, chế độ dinh dưỡng và những yếu tố như tâm lý tinh thần đã được chỉ ra như những nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh tiểu đường type II.

Hỏi: Chào anh, tôi được nghe kể về anh nhiều trên Facebook rằng nhiều người ung thư nhờ đến anh mà đã khỏi bệnh. Rất cảm ơn anh đã đến trả lời câu hỏi của chúng tôi. 

Nhân đây tôi có một câu hỏi mà suy nghĩ từ lâu thế này nhờ anh giải đáp giúp. Tôi đang bị tiểu đường nên chế độ ăn uống của tôi đã cố gắng thay đổi nhiều, ăn uống rất ít đồ ngọt. Vậy liệu người tiểu đường như tôi có nguy cơ ung thư cao hơn người bình thường không? Cảm ơn anh. (Hoàng Dung - Hà Nội)

TS Hoàng Xuân Ba: Cảm ơn anh đã đưa ra 1 câu hỏi thiết thực. Theo các nghiên cứu về dịch tễ học, người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc tất cả các bệnh ung thư cao hơn người không mắc phải căn bệnh này.

Cũng theo nhiều nghiên cứu khoa học những rối loạn về chuyển hóa ở người bệnh ung thư cũng tương tự như rối loạn về chuyển hóa ở người bị bệnh tiểu đường.

Ngoài ra cũng có 1 giả thuyết: Việc điều trị bệnh tiểu đường bằng các thuốc hạ đường huyết gây độc hại cho gan, tuy… có thể cũng làm tăng nguy cơ bệnh ung thư cho bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh ung thư ở đường tiêu hóa.

Để phòng các biến chứng của bệnh tiểu đường, và phòng ung thư việc chỉ ăn kiêng các chất ngọt là chưa đủ, anh nên tìm hiểu thêm các kiến thức để phòng các biến chứng của bệnh tiểu đường và nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tôi có 1 vài gợi ý cho anh như sau:

- Giảm tối đa khẩu phần ăn các loại thịt động vật.

- Tăng tối đa các hoạt động thể lực ngoài trời và có giấc ngủ sâu đủ thời gian.

- Dùng thêm những thực phẩm chức năng có các chất chống oxy hóa mạnh như là alpha lipoic acid, mage, các loại rau củ quả tươi…

Hỏi: Thưa bác sĩ, đối với trẻ em, việc uống nước ngọt có hàm lượng chì vượt mức quy định sẽ gây tổn hại như thế nào? (Hoàng Hoa - Nha Trang)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Không chỉ nước ngọt, mà bất kỳ loại thực phẩm nào chứa hàm lượng chì vượt mức cho phép đều có hại tới sức khỏe, bởi không phù hợp với tiêu chuẩn ATTP của Việt Nam và của Ủy ban Codex.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chì là kim loại rất độc đối với các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ em.Khi nồng độ chì trong máu càng tăng thì chỉ số IQ của trẻ càng giảm. Vì thế, tại các quốc gia phát triển, việc sử dụng chì trong sơn, gốm sứ, xăng…bị cấm hoàn toàn.

Với trẻ em, một cơ thể rất non yếu, chì sẽ gây ra tổn hại rất kinh khủng. Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm, xương gây nên những tổn thương cho hệ thần kinh, não, đặc biệt là chì thường tập trung ở chất xám và tủy sống. Không những thế, mức hấp thụ chì ở trẻ em thường nhanh và cao hơn người lớn 3-4 lần. Cho nên, hậu quả của việc nhiễm chì ở trẻ em là rất nguy hiểm.

Vì thế, các bậc phụ huynh nên cân nhắc khi lựa chọn những thực phẩm, trong đó là nước ngọt an toàn, để trẻ có một sức khỏe tốt.

Hỏi: Thưa anh Liêm, là người tìm ra gene tiêu diệt tế bào ung thư, anh cho biết điều ấy có ý nghĩa thế nào đối với nền y học nói chung và ngành điều trị ung thư nói riêng? (Dạ Lan – dalancam@fpt.vn) 

TS Phan Minh Liêm: Mình xin cảm ơn bạn. Thực ra thì đây là công sức của cả nhóm nghiên cứu. Việc phát hiện ra protein 14-3-3 sigma (được mã hoá bởi gien 14-3-3sigma) có khả năng tiêu diệt ung thư bằng cách ức chế hữu hiệu quá trình tạo năng lượng và hấp thu dinh dưỡng của khối u đã mở ra một hướng đi mới và triển vọng trong việc phát triển các liệu pháp để điều trị căn bệnh này một cách chính xác mà không làm tổn thương các tế bào khoẻ mạnh.

Các thử nghiệm ban đầu cho thấy protein 14-3-3sigma có khả năng tấn công hữu hiệu các tế bào ung thư ác tính, hung hãn, di căn. Hiện nhóm mình đang tiến hành các nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu lâm sàng nhằm hoàn thiện và khảo sát chuyên sâu mức độ khả thi, độ an toàn và hiệu quả của phương pháp này.

Hiện tại còn rất nhiều điều chúng ta chưa tường tận về protein 14-3-3sigma và sẽ cần thời gian nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, với các kết quả khả quan mà nhóm đã thu nhận được, mình hi vọng phương pháp này có thể sẽ giúp được các bệnh nhân ung thư trong tương lai.

Hỏi: Nếu như bị nhiễm chì do uống nước giải khát nói riêng và ăn uống nói chung, chúng ta nên tăng cường những loại thực phẩm nào để tẩy độc, ngăn chặn quá trình hấp thụ chì vào cơ thể? (hocongthanh@yahoo.com)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Thải độc cho cơ thể rất tốt. Hàng ngày, chúng ta có thể sử dụng nước trà xanh (chè tươi), vốn chứa các chất chống oxy hóa, lợi tiểu, giúp thải độc chì hiệu quả.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe, chúng ta nên ăn nhiều hoa quả chứa vitamin C như là bưởi, cam, thanh long… và rau như rau ngót, cải bó xôi…

Thực phẩm lên men rất giàu các probiotics như vi khuẩn axit lactic, có khả năng phản ứng với kim loại nặng và tống khứ chúng ra khỏi cơ thể.

Hàng ngày, chúng ta nên cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể. Trung bình, mỗi người, tùy thuộc vào công việc có lao động nặng hay không, uống khoảng 2-2,5l nước, không thì tối thiểu cũng phải 1,5l. Việc uống nước đầy đủ sẽ giúp thải các chất độc, cặn bã nói chung trong cơ thể.

Một mặt, chúng ta thải chì ra ngoài, một mặt, chúng ta cần cung cấp những chất dinh dưỡng để cơ thể bù lại những phần "thiệt hại" do chì gây ra.

Nhiễm chì thường gây ra tình trạng thiếu máu trong cơ thể. Việc sử dụng các thực phẩm giàu chất sắt, vitamin C, B12, axit folic… là rất cần thiết để tạo ra hồng cầu.

Chất sắt có nhiều nhất trong thịt đỏ. Nhưng bạn cũng nên ăn lượng thịt đỏ đúng tiêu chuẩn của WHO, vì thực phẩm này được cho là liên quan đến nguyên nhân gây ra ung thư.

Giao lưu trực tuyến: Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát - Ảnh 5.

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời giao lưu trực tuyến tại tòa soạn.

Hỏi: Thưa ông Hùng, ông có thể kể thật chi tiết cho người dân các bước buộc phải làm nếu muốn đòi quyền lợi từ 1 công ty thực phẩm khi hàng hóa của công ty này bị phát hiện không an toàn? Để người dân biết là bây giờ khi mua hàng thì phải làm những gì? (Ba Lân - TP.HCM)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Có 2 tình huống đặt ra:

Tình huống thứ nhất: Đã mua và sử dụng thực phẩm không an toàn, người tiêu dùng có thể sử dụng các phương thức sau đây:

- Người tiêu dùng có thể khiếu nại đến nơi mua hàng để đòi được bồi thường. Bồi thường ở đây gồm bồi thường về tài sản, cụ thể là lượng hàng hóa đã mua và bồi thường thiệt hại về sức khỏe nếu có. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi đơn vị bán hàng nhận được khiếu nại thì phải có trách nhiệm giải quyết. Trong trường hợp không giải quyết, thì theo pháp luật hiện hành, đơn vị đó sẽ bị phạt từ 1 – 7 triệu đồng.

- Hoặc người tiêu dùng có thể sử dụng phương thức hòa giải. Cụ thể, có thể khiếu nại đến Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bao gồm Trung ương hội và 50 hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở 50 tỉnh thành phố (sắp tới sẽ thêm 1 hội nữa được thành lập ở Hà Giang, nâng tổng số lên 51 hội/63 tỉnh thành phố).  

Thủ tục khiếu nại lên hội rất đơn giản. Nếu khiếu nại đến trung ương hội (có VP ở Hà Nội và TP. HCM), chỉ cần google và tìm kiếm từ khóa Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ ra ngay trang web của hội. Bên trái của trang có banner "Khiếu nại của người tiêu dùng" với số hotline và biểu mẫu, trên đó có tất cả thông tin liên lạc với Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. 

Văn phòng tư vấn khiếu nại của hội sẽ thụ lý và tư vấn giải quyết khiếu nại. Cũng xin nói thêm, cho đến nay việc tư vấn khiếu nại hoàn toàn miễn phí, người khiếu nại không phải mất bất cứ khoản tiền nào. Cách thứ hai, người tiêu dùng có thể gọi tới số tổng đài 1081. Tổng đài sẽ nối máy tới văn phòng khiếu nại ở địa bàn người tiêu dùng khiếu nại.

Người tiêu dùng có thể khiếu nại đến cơ quan nhà nước. Cụ thể, ở cấp Trung Ương là Cục quản lý Cạnh tranh qua tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng 18006838 sẽ được tư vấn, hướng dẫn khiếu nại hoặc khiếu nại đến các Sở Công Thương, UBND các quận huyện (bộ phận giải quyết tùy thuộc sự phân công của UBND huyện).

- Người tiêu dùng có thể sử dụng phương thức Trọng Tài để bảo  vệ quyền lợi (tuy nhiên theo tôi được biết thì phương thức này ít được sử dụng).

- Tòa án: Người tiêu dùng có thể khiếu kiện vụ việc ra tòa án dân sự. Trường hợp này, luật pháp quy định vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được "ưu ái", ví dụ không phải nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa, được áp dụng thủ tục đơn giản nếu có đủ các điều kiện như giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng, vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng. 

Tuy nhiên, cần lưu ý người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình nhưng không phải chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa vì việc đó là nghĩa vụ của phía tổ chức kinh doanh.  

Trường hợp thứ 2: Trong trường hợp chưa mua nhưng sẽ mua:

- Tránh những sản phẩm đã được cảnh báo trên báo chí hoặc các nguồn thông tin đáng tin cậy khác.

- Khi mua người dùng nên chủ động bảo vệ quyền lợi của mình để có căn cứ giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra. Ví dụ, nếu mua hàng những nơi có hóa đơn, chứng từ thì nên lấy và lưu giữ lại. Nếu mua ở nơi không có hóa đơn, chứng từ, người tiêu dùng nên mua ở những nơi quen biết.... 

Hỏi: Bác sĩ có thể phân tích mặt tích cực và tiêu cực cho sức khỏe khi thường xuyên uống các loại nước ngọt đang bày bán trên thị trường? (hanghang...@yahoo.com)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Hiện nay, nước ngọt là loại đồ uống phổ biến trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thành phần của nước ngọt chủ yếu là đường, bao gồm đường đôi và đường đơn (loại đường cung cấp năng lượng nhanh như glucose, fructose, sucrose, lactose).

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu thụ quá nhiều đường đôi, đường đơn hàng ngày không tốt cho sức khỏe con người. Vì thế, uống quá nhiều nước ngọt, tức là tiêu thụ quá mức đường đơn đường đôi sẽ có hại.

WHO cho biết mỗi ngày nhu cầu năng lượng của cơ thể chỉ cần dưới 5% đường đôi và đường đơn.

Ví dụ một người trường thành nhu cầu tiêu thụ là 2.000 calo/ngày, 5% tức là 100 calo, quy đổi ra là 25 g đường đơn đường đôi đến từ bánh kẹo, nước ngọt, các thực phẩm chế biến sẵn khác như tương cà, tương ớt ngọt….

Vậy 1 ngày cơ thể của con người chỉ được phép tiêu thụ 25g đường đôi, đường đơn. Một khi chúng ta tiêu thụ quá mức khuyến cáo này, cơ thể sẽ bị tăng đường huyết rất nhanh.

Nếu có thể đáp ứng được, nó sẽ cất lượng đường này trong cơ thể, dưới dạng chất béo. Tức là sẽ gây đọng mỡ ở vùng eo, là yếu tố gây tăng cân.

Nếu lượng đường ấy vượt ngoài sự điều hòa của cơ thể, chúng ta sẽ gặp phải tình trạng rối loạn dung nạp đường máu, dẫn đến rối loạn chuyển hóa gluco. Đây là dấu hiệu của tiền đái tháo đường.

Một khía cạnh nữa của việc tiêu thụ quá nhiều nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có gas chính là ảnh hưởng tới răng. Trẻ em thường hay có thói quen ngậm nước ngọt trong miệng, tức là chân răng bị ngâm trong môi trường axit, gây hại cấu trúc răng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận mặt tích cực mà nước ngọt mang lại. Khi chúng ta mệt mỏi, đang khát nước hay hạ đường huyết, uống một chai nước ngọt sẽ mang lại cảm giác thoải mái, cung cấp nước và năng lượng cho cơ thể, tăng đường huyết.

Giao lưu trực tuyến: Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát - Ảnh 6.

 PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đang trả lời giao lưu trực truyến tại tòa soạn.

Hỏi: Ông có thể cho biết chất tạo màu, chất bảo quản trong nước giải khát có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người ạ? (haquyen...@fpt.com)

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Bất cứ nước giải khát nào cũng đều có chỉ tiêu để đánh giá, màu sắc, mùi, vị, trạng thái…Ví dụ như coca có mùi và màu đặc trưng, với trạng thái lỏng.

Trên thực tế, nước giải khát pha chế không có trong tự nhiên, mà người ta dùng các chất khác nhau tạo nên 4 chỉ tiêu đó.

Ví dụ: Họ làm nước cam từ hóa chất pha chất, hay chất phụ gia, giống màu cam, mùi cam, vị chua ngọt của cam và trạng thái nước cam có tép...

Các doanh nghiệp mô phỏng các vị trong tự nhiên để sản xuất nước giải khát nhờ các hóa chất, chất phụ gia. Sau đó, bán ra thị trường, người ta gọi đó là nước cam giả.

Mùa hè, người tiêu dùng giải khát sao cho nhanh chóng, dễ dàng. Theo tâm lý đó, doanh nghiệp sản xuất hàng loạt các nước giải khát nhân tạo thay vị tự nhiên.

Chất tạo màu, vị - phần lớn là dùng đường hóa học thay vì dùng đường tự nhiên, dùng Axit - Axit Xitilic bằng con đường công nghiệp, do đó dễ lẫn tạp chất kim loại nặng như chì.

Tất cả các sản phẩm đi qua đường công nghiệp rất dễ nhiễm các kim loại nặng. Việc không kiểm định nghiêm ngặt khiến doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gây độc cho người tiêu dùng.

Còn về tác động của chúng đối với sức khỏe con người thì tùy theo các tạp chất khác nhau và liều lượng khác nhau mà gây hại cho cơ thể người khác nhau.

Có 2 yếu tố cần chú ý:

- Hàm lượng chất đó có trong thực phẩm.

- Số lượng chất đó ăn vào trong 1 ngày đêm (đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm độc hay không). Người tiêu dùng phải tự kiểm soát lượng vào cơ thể.

Không nên suy nghĩ rằng, nồng độ  trong 1 sản phẩm thấp thì có thể uống vô tội vạ.

Chúng ta đang thiếu việc giáo dục cho người tiêu dùng là kiểm soát hàm lượng đưa vào cơ thể.

Các cơ quan quản lý không nhấn mạnh cho người dân biết chúng ta nên ăn thế nào.

Ví dụ: Người ăn 1 gói mì ăn liền sẽ không nguy hiểm so với người ăn một ngày 3, 4 gói mì ăn liền.

Nguyên tắc nhiễm độc phụ thuộc vào bản thân chất độc đó, lượng chất độc nạp vào (đây là yếu tố quan trọng, phải khống chế lượng thức ăn đưa vào cơ thể, ví dụ một ngày không quá 200g gạo).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn 2

Hỏi: Thực tế rất nhiều người mua 1 chai nước giải khát ở đại lý ven đường, chẳng hóa đơn gì cả. Với hệ thống pháp luật Việt Nam bây giờ, giả sử khi người đó uống hết chai rồi, vứt chai đi, nhưng sau đó phát hiện loại sản phẩm này nhiễm chất độc. Người này có kiện đòi bồi thường được hay không? (Hoàng Xuân - Vĩnh Phúc)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Đây đúng là thực tế tại Việt Nam hiện nay. Nhưng theo tôi biết với hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, người tiêu dùng nếu không có đủ bằng chứng, chứng cứ thì rất khó giải quyết.

Trên thực tế, giải quyết khiếu nại của hội, có những vụ không thành công là do người tiêu dùng thiếu chứng cứ.

Qua vụ việc này thì tôi nghĩ chúng ta nên thay đổi thói quen tiêu dùng. Người tiêu dùng nên mua ở những nơi có địa chỉ rõ ràng, có điểm bán cố định, lưu giữ các chứng từ, hóa đơn, ví dụ nếu mua đồ trong siêu thị nên lưu lại hóa đơn thanh toán để khi xảy ra sự việc thì "tre còn có chỗ chẻ".

Hỏi: Liệu có cách nào giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm nước giải khát đó có lượng chì vượt quá ngưỡng cho phép? (hoahunghoang...@gmail.com)

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Việc nhận biết sản phẩm có chì hay không thì người bình thường không thể biết được, chỉ có nhà hóa học thực hiện thí nghiệm bằng phản ứng thử đặc trưng mới phát hiện được sản phẩm có nhiễm chì không.

Nồng độ chì 0,05% triệu trong sẩn phẩm. Trong bất cứ ở sản phẩm nào, chì cũng gây nhiễm độc, tuy nhiên chì phố biển trong thiên nhiên, 

Sở dĩ con người không nhiễm độc chì từ thức ăn tự nhiên vì cơ thể họ có cơ chế thải độc chì tự nhiên. 

Những nơi có nhiều mỏ quặng rất dễ có nguồn nước nhiễm chì cao hơn ở nơi không có nhiều mỏ quặng.

Còn đối với các sản phẩm có chứa chì - do chính con người tạo ra: ví dụ men sứ đều có chì,  khi người ta cho vào gốm sứ giúp cho sứ bóng, đẹp màu.

Trong nhà máy luyện kim có nhiều chì, người ta nấu sắt, kẽm sẽ thải ra các tạp chất có chì.

Ngày trước, trong công nghệ thực phẩm, người ta dùng chì để hàn các hộp đựng thực phẩm, nhưng giờ đã bị cấm, vì thực phẩm gây phản ứng với chì gây độc.

Trong ngành mực in, (nhuộm vải) người ta dùng hợp chất chì để tạo màu đen... Nếu dùng báo để gói thực phẩm, thực phẩm khô thì ko sao, thực phẩm ướt thì dễ nhiễm chì.

Vụ C2 nhiễm chì là có nhiều nguyên nhân:

Đầu tiên, có khả năng tại nguồn nước để pha chế. Nước lã dùng để sản xuất có nhiễm chì (đặc biệt là bản thân nước có nhiễm chì ở ngưỡng cao).

Thứ 2, các chất phụ gia để pha chế, axit sitilic (chất có vị) có khả năng gây nhiễm chì nặng; chất có mùi, màu không kiểm soát lượng chì trong quá trình sản xuất.

Thứ 3, hệ thống thiết bị không tốt, có khả năng bị gỉ. Bản thân nếu doanh nghiệp sử dụng thép có chất lượng thấp, sau 1 thời gian bị hàn gỉ phôi ra các chất kim loại nặng, trong đó có chì.

Hoặc thiết bị bằng nhựa không gỉ nhưng có khả năng bị phôi nhiễm do nhiệt độ quá nóng.

Các nguyên nhân này từ ngẫu nhiên, tuy nhiên nếu lặp lại nhiều lần sẽ thành hệ chống bản chất.

Doanh nghiệp nước ngoài rất cẩn trọng trong việc sản xuất, họ không "nhắm mắt cho qua", quản lý cực kỳ chặt chẽ các khâu sản xuất.

Thứ 4, mô trường ô nhiễm đột xuất. Ví dụ môi trường xunh quanh doanh nghiệp sản xuất C2 nhiễm độc chì từ môi trường.

Tuy nhiên, dù nguyên nhân là ngẫu hiên hay đột xuất thì họ đều phải chịu trách nhiệm.

Hỏi: Trong thời gian qua, ngoài C2, nước Rồng đỏ, các loại giàu gội đầu có chứa chất cấm... đã có lệnh thu hồi, nhưng cho tới lúc này, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã có những động thái cụ thể nào chưa? Trong thời gian tới, Hội có kế hoạch gì để tỏ rõ chức năng của Hội hay không? (Hồng Trang - Hà Nội)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Cũng như bất cứ tổ chức nào khác, Hội chỉ được phép làm những gì mà luật pháp cho phép.

Việc thu hồi sản phẩm là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có vi phạm và việc giám sát thu hồi là trách nhiệm của cơ quan chức năng của nhà nước.

Hội sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ phía người tiêu dùng để phản ánh với cơ quan chức năng, có biện pháp yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thu hồi một cách triệt để để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.  

Theo ông, doanh nghiệp sản xuất hay cơ quan quản lý hậu kiểm là người có lỗi trong việc "tung" ra các sản phẩm đồ uống (lô trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ) nhiễm chì?

Theo suy nghĩ của tôi, lỗi của doanh nghiệp là rõ rồi. Chính vì vậy mới bị cơ quan có thẩm quyền của nhà nước xử phạt. Còn việc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu trong việc hậu kiểm thì thuộc thẩm quyền kết luận của nhà nước. Hội không phải là nơi đưa ra kết luận này.

Về vụ việc này, Hội rất hoan nghênh cơ quan có thẩm quyền của nhà nước đã ra quyết định xử phạt nghiêm minh và kịp thời. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng người tiêu dùng cũng có quyền đặt câu hỏi liệu cơ quan quản lý có trách nhiệm đến đâu trong những vụ việc như thế này. 

Hỏi:  Thưa ông Hoàng Xuân Ba, xin ông cho biết những người đã dùng sản phẩm nhiễm chì trong thời gian dài có cách nào để xét nghiệm biết các nguy cơ không và cần làm ngay việc gì để tránh tác hại? (Phạm Dung - Thanh Hóa)

TS Hoàng Xuân Ba: Trên thực tế, chúng ta không có biểu hiện của nhiễm độc chì thì cũng không nên lo ngại về khả năng nhiễm độc, tác hại của chì đối với cơ thể.

Việc xét nghiệm để tìm nồng độ chì trong cơ thể, trong máu, trong các cơ quan tổ chức và việc làm cần được thực hiện ở những cơ quan chuyên nghiệp cao vì sai số của những xét nghiệm này và độ tin cậy của nó là không hoàn hảo.

Chúng ta nên tránh tối đa việc tiếp xúc với chì trong môi trường sinh hoạt và sản xuất, cũng như tăng cường sử dụng các loại thực phẩm cũng như thực phẩm chức năng có khả năng tăng cường thải độc của cơ thể.

Thói quen vận động thể lực đều đặn, ăn nhiều rau quả tươi sạch, uống trà xanh và các loại nước trà dược thảo tự đun nấu…, có thể là phương thức thải độc và chống lại tác hại của chì cũng như nhiều loại độc tố khác.

Giao lưu trực tuyến: Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát - Ảnh 8.

 TS Phan Minh Liêm trả lời độc giả giao lưu tại nơi làm việc của anh ở Mỹ.

Hỏi: Anh đánh giá thế nào về tác hại của chì đối với sức khỏe? Bị nhiễm chì có liên quan gì đến ung thư không? (buoisangmuathu@yahoo.com)

TS Phan Minh Liêm: Chì có nhiều tác hại đối với sức khoẻ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật của Hoa Kỳ (Center for Disease Control and Prevention), chì khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ được tích trữ trong xương, máu, và các mô. Sau đó, chì sẽ dần dần được giải phóng ra, gây ra hiện tượng ngộ độc chì từ bên trong. Hiện tượng này sẽ xảy ra mạnh hơn khi về già bởi vì khi đó xương dễ bị loãng và giải phóng chì đã được tích luỹ từ trước.

Việc hấp thu quá nhiều chì sẽ gây tử vong. Nếu hàm lượng chì được hấp thu ở mức cao thì người bệnh sẽ bị thiếu máu, tổn thương thận, não,... Một số biểu hiện khác khi nhiễm độc chì bao gồm mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, suy nhược, nhức đầu, cảm giác kim châm ở tay và chân, mất trí nhớ, táo bón,... Các biểu hiện này dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, làm cho các bệnh nhân chủ quan và không lưu tâm đến nguyên nhân bệnh do nhiễm độc chì.

Chì có thể xuyên qua nhau thai, vào trong cơ thể thai nhi và ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Việc tiếp xúc với chì ở hàm lượng thấp ở trẻ em có thể làm ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Chì còn có khả năng gây sảy thai, sinh sớm, và vô sinh ở cả nam và nữ. Những người tiếp xúc lâu dài với chì có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thận, cao huyết áp, vô sinh cao hơn so với bình thường.

Tổ chức Bảo vệ môi trường (Environmental Protection Agency (EPA)), Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu ung thư (International Agency for Research on Cancer (IARC)) và Bộ Sức khoẻ và các dịch vụ liên quan đến con người (The Department of Health and Human Services (DHHS)) của Hoa Kỳ đã xếp chì vào nhóm các chất có thể gây ung thư trên người bởi vì chì có khả năng làm ảnh hưởng xấu đến quá trình sửa sai các tổn thương của vật chất di truyền (ADN). Các tổn thương của vật chất di truyền của tế bào nếu không được sửa chữa thì có thể sẽ gây ra các đột biến gien và làm tăng cao nguy cơ phát sinh ung thư. Vì vậy, nhiễm độc chì là một tác nhân ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.

 Hỏi: Tôi có 2 cháu nhỏ. Các cháu rất thích uống nước ngọt, nước có ga. Biết là không tốt, nhưng tôi không thể cấm các cháu không được uống. Vậy bà có thể đưa ra lời khuyên nên uống các loại nước này vào thời điểm nào thì ít hại cho cơ thể nhất? (hahongnhung-...@yahoo.com)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Nếu nói rằng nước ngọt có hại có sức khỏe của trẻ em thì chưa công bằng. Nó chỉ gây hại do 2 nguyên nhân.

Thứ 1: Loại nước ngọt đó không đảm bảo an toàn, không đáp ứng đúng tiêu chuẩn của Cục ATTP. Vì thế, nó mới gây hại tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Nên các bậc phụ huynh phải thông thái khi lựa chọn loại nước ngọt đảm bảo chất lượng, được cấp phép bởi các cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Thứ 2: Thói quen sử dụng của chính người tiêu dùng. Người lớn nên kiểm soát lượng tiêu thụ nước ngọt của trẻ. Nếu vượt mức cho phép tiêu thụ 5% lượng đường đôi, đường đơn của cơ thể trong một ngày thì lúc đó nó mới có hại.

Còn nếu bố mẹ kiểm soát được lượng tiêu thụ trong mức quy định này thì vẫn được. Vì nếu nói nước ngọt có hại cho sức khỏe thì không ai dám cấp phép cho thức uống này xuất hiện trên thị trường.

Nên tôi muốn nhấn mạnh rằng nước ngọt không có lợi cho sức khỏe khi phạm 2 điều trên. Nguyên nhân an toàn thực phẩm thì đã có cơ quan thẩm quyền chịu trách nhiệm. Nguyên nhân còn lại là phụ thuộc vào chính trách nhiệm của các bậc phụ huynh.

Gia đình cho hỏi nên uống các loại nước này vào thời điểm nào để ít có hại cho cơ thể nhất, tôi xin trả lời rằng không có quy định nên uống trước bữa ăn, trong bữa ăn hay sau bữa ăn. Đó chỉ là một loại nước giải khát uống thêm nhưng không nên lạm dụng quá nhiều.

Tuy nhiên,  nên nhớ, nước ngọt có gas thường chứa nhiều axit, các cháu không nên uống khi đói. Nhưng trong trường hợp đó, uống nước ngọt sẽ tăng lượng đường trong cơ thể, sẽ giúp các cháu cảm thấy ít đói hơn.

Giao lưu trực tuyến: Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát - Ảnh 9.

 PGS.TS Lê Bạch Mai trả lời độc giả giao lưu trực tuyến từ nơi bà đang công tác

Hỏi: Thưa PGS Thịnh, xin ông cho biết chất tạo màu, chất bảo quản trong nước giải khát có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người ạ? (Ngọc Hiền - Đà Nẵng)

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Chất bảo quản là 1 khái niệm rất rộng, nó chưa hẳn độc hại. Ví dụ, CO2 trong bia là chất bảo quản, nhưng uống vào "ợ" ra là hết.

Nhiều người nhầm lẫn chất bảo quản độc hại là sai. Chất bảo quản độc hại nằm trong thực phẩm. Chất bảo quản không độc thải ra ngoài ngay (ví dụ co2 trong bia, trong đồ uống có gas,) sẽ thoát ra ngoài sau khi hết chức năng bảo quản. 

Dùng chất bảo quản lưu huỳnh (SO2) để tẩm sấy vào măng hoàn toàn không độc hại vì có khả năng giải quyết nhiều vấn đề mà không hề tốn tiền.

Chất này có thể ở 3 dạng rắn, lỏng, khí.

SO2 dùng để khử trùng , tiêu diệt các loại côn trùng sau đó dùng quạt để giải phóng hết.

Nếu con người hít phải chất này có thể chết - vì tác động đến phổi. Tuy nhiên, trong thực phẩm, ví dụ trong quả nhãn khô, SO2 tiêu diệt mọi nấm mốc và lưu cực kỳ ít trong quả vải.

Ví dụ người ta xông măng khô bằng SO2 nhằm tiêu diệt độc tố trong nấm mốc (gây độc hại cho người tiêu dùng), người ta xông SO2 lên sau đó cho nó bay hơi hết đi. Trong quá trình chế biến S02 tuyệt đối không còn lưu trên măng khô.

S02 giữ được trạng thái tự nhiên rất tốt, màu của thực phẩm được giữ nguyên.

Lâu nay người ta dùng SO2 để xông cho thuốc bắc, dược liệu.... nhằm tránh nấm mốc cho sản phẩm (độc tố trong nấm mốc không thể tách ra được).

Người ta diệt nấm mốc bằng SO2, giết toàn bộ nấm mốc và cực kỳ hiệu quả. Cách chế biến thuốc bắc (rửa, ninh thuốc bắc) cũng là quá trình chất SO2 bay hơi và mất hoàn toàn. 

100% đường kính được tẩy trắng bằng SO2, nhưng khi thành phẩm hàm lượng SO2 vô cùng nhỏ. Không nên cho trẻ từ 0- 6 tuổi dùng nhiều đường trắng. 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh trả lời câu hỏi về xu hướng dùng nước hoa quả tự nhiên thay thế cho nước giải khát công nghiệp trên thế giới.

Hỏi: Thưa ông, ở trên thế giới có tình trạng như Việt Nam không, khi sản phẩm được sử dụng một thời gian mới phát hiện ra lỗi nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng? (hanam6378@....com)

TS Hoàng Xuân Ba: Đây là điều chắc chắn, ở những nước phát triển như Mỹ và châu Âu đã  có nhiều trường hợp các thực phẩm, dược phẩm có tiềm năng phá hại sức khỏe của con người gây bệnh tật và thậm chí gây tử vong đã được lưu hành trong 1 thời gian rất dài.

Bởi các cơ quản quản lý dược phẩm và thực phẩm của các nước này sau 10 hoặc 20 năm mới bị phát hiện và cấm lưu hành.

Bởi vậy chúng ta cũng không nên quá bi quan và nhìn những gì xảy ra ở nước ta như là những hiện tượng tồi tệ mà không có ở các nước khác trên thế giới.

Hỏi: Anh có uống nước ngọt không? Anh thấy những đồng nghiệp của mình có sử dụng loại nước này không? Anh nghĩ sao về nước ngọt? (chuotsomeo@gmail.com)

TS Phan Minh Liêm: Mình ít khi uống nước ngọt mà chủ yếu là uống nước lọc và nước trà xanh. Các đồng nghiệp trong nhóm của mình ít khi uống nước ngọt. 

Mình nghĩ việc uống nước ngọt là do sở thích của mỗi cá nhân và cần có sự cân bằng hợp lý. Nếu sử dụng quá nhiều nước ngọt thì chúng ta sẽ dễ bị thừa cân và mắc các bệnh răng miệng, tiểu đường, béo phì. Tiểu đường và béo phì làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh tim mạch... 

Hỏi: Để cần thực hiện một giải pháp bảo đảm sức khỏe cho chính ông/bà và người thân trước các loại nước giải khát công nghiệp, thì ông/bà chọn phương án nào sau đây:

1/Uống theo nhu cầu, thích thì uống không thì thôi.

2/Uống điều độ, mỗi ngày tối đa 1 chai hoặc lon tương đương 500ml.

3/Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại nào.

4/Nếu có phương án khác thì đó là gì?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Nước uống trong chai có 2 loại:

- Nước có nguồn gốc tự nhiên: nước cam, táo, dứa: lấy các sản phẩm tự nhien, ép, đóng hộp: cung cấp chất xơ, vitamin, mang lợi ích cho sức khỏe.

- Chất gia tự nhiên: pha chế từ các chất phi tự nhiên, với mục tiêu đưa nước vào dễ dàng, tiên lợi, về cơ bản có ảnh hưởng tới sức khỏe. Bản thôi tôi rất ít uống vì nó không có lợi cho sức khỏe.

Lời khuyên là nên mua các loại nước tự nhiên, còn lại các nước pha chế thì nên uống rất ít, hạn chế vì nó không bổ dưỡng và hại thận.

Chúng ta nên giảm bớt các loại nước pha chế giả tự nhiên mà nên uống chất tự nhiên, cam vắt, nước chè, nước chanh…

Hỏi: Theo ông, doanh nghiệp sản xuất hay cơ quan quản lý hậu kiểm là người có lỗi trong việc "tung" ra các sản phẩm đồ uống (lô trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ) nhiễm chì? (hothuan6378_55@...com)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo suy nghĩ của tôi, lỗi của doanh nghiệp là rõ rồi. Chính vì vậy mới bị cơ quan có thẩm quyền của nhà nước xử phạt. Còn việc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu trong việc hậu kiểm thì thuộc thẩm quyền kết luận của nhà nước. Hội không phải là nơi đưa ra kết luận này.

Về vụ việc này, Hội rất hoan nghênh cơ quan có thẩm quyền của nhà nước đã ra quyết định xử phạt nghiêm minh và kịp thời. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng người tiêu dùng cũng muốn biết trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu trong những vụ việc như thế này. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn

Hỏi: Ở Việt Nam, ví dụ như ở Hà Nội, các cơ sở Y tế nào có thể kiểm tra được lượng Chì trong máu của bệnh nhân. Và kiểm tra như vậy bệnh nhân phải trả bao nhiêu ạ? (Phan Đình Hiệp)

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Tất cả các BV lớn đều có thể kiểm tra được lượng chì trong máu của bệnh nhân, ví dụ BV Nhiệt đới, Bạch Mai, Việt Đức... Dịch vụ bệnh nhân phải trả phụ thuộc vào nhu cầu của người bệnh. Quá trình tẩy chì mới là quan trọng và tốn nhiều chi phí bởi đẩy được chì ra khỏi cơ thể rất phức tạp. Trước khi kiểm tra chì cần kiểm tra chính thói quen của người sử dụng!

Giao lưu trực tuyến: Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát - Ảnh 12.

 TS Phan Minh Liêm gửi từ nơi làm việc.

Hỏi: Tỷ lệ người mắc ung thư có nguyên nhân liên quan trực tiếp đến nhiễm độc chì tại Mỹ ra sao? Nguồn gốc như thế nào (từ nước giải khát, thực phẩm...)? (maivangthang12...@yahoo.com)

TS Hoàng Xuân Ba: Theo kiến thức của tôi, không có số liệu thống kê chỉ ra sự liên quan giữa nhiễm độc chì và 1 bệnh nhân ung thư cụ thể nào ở nước Mỹ.

Hỏi: Thưa ông, đối tượng nào dễ bị nhiễm độc chì? (FB Basapnho)

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Kim loại nặng gồm: Thủy ngân (Hg), chì (Pb), cadkimi (Cd), Acsen (As) (á kim)

Với những kim loại này, trẻ con cực kỳ nhạy cảm, khi nhiễm dộc chì ở nồng độ thấp, trẻ con nhiễm ngay lập tức (bị đần độn)--> kiểm soát cực lớn.

Đối với người già, khả năng đào thải kém, nhưng họ ít khi sử dụng nước giải khát.

Trung niên, đào thải tốt hơn so với người già và trẻ em.

Vì thế nên hạn chế lượng thức ăn có chứa nhiều tạp chất cho trẻ em. Bố mẹ Việt nên tuyệt đối tránh cung cấp những loại đồ ăn này.

Người Việt nam nên quay lưng lại với nước pha chế công nghiệp, nó vừa tốn tiền và gây bệnh (tiền mất tật mang), nên uống các loại nước bản thân chủ động pha chế và các nước tự nhiên.

Vì tất cả các nước chế biến nhân tạo đều có khả năng gây bệnh.

Tại Canada, người dân tẩy chay uống nước khoáng, vì vỏ chai gây ô nhiễm môi trừng chứ không phải bản chất nước bị nhiễm độc hay không.

Hỏi: Nếu uống nhiều nước ngọt, tôi có nguy cơ bị ung thư không? Nếu có, thì nguy cơ có cao như bị bệnh tiểu đường không? (Hoạt Đình - FB)

TS Phan Minh Liêm: Nếu chúng ta uống quá nhiều nước ngọt thì sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường, béo phì, các bệnh về răng miệng,... Tiểu đường và béo phì làm gia tăng nguy cơ ung thư. Ở những bệnh nhân bị tiểu đường hoặc/và béo phì thì khối u thường có tốc độ phát triển nhanh hơn và làm ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị. Vì vậy, việc dùng quá nhiều nước ngọt không tốt cho sức khoẻ.

Hỏi: Cục quản lý thị trường và bộ y tế có trách nhiệm như thế nào trong việc kiểm soát mức độ an toàn của nước giải khát trên thị trường? (Minh Giám - FB)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi biết, quản lý an toàn thực phẩm nước uống đóng chai thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, còn quản lý an toàn thực phẩm đối với nước giải khát thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, trong đó Cục quản lý thị trường là cơ quan giúp Bộ thực thi kiểm tra, kiểm soát trên thị trường. 

Hỏi: Tôi tìm hiểu thì biết ở VN muốn thải độc chì rất tốn kém. Ở các nước có nền y tế tiên tiến thì họ làm cách nào? Chi phí có lớn không? Bác sĩ có thể mách cho tôi những cách thải độc đỡ tốn tiền và có thể tự áp dụng được không? (Hoàng Thu Thái - FB)

TS Phan Minh Liêm: Biện pháp đầu tiên là chúng ta cần nhận diện nguồn gốc gây ra nhiễm độc chì để xử lý triệt để. Nếu bị nhiễm độc chì ở mức độ thấp thì sau khi chặn đứng nguồn gốc gây nhiễm độc chì (thực phẩm nhiễm chì, sơn có hàm lượng chì cao, bình ắc quy, nguồn nước ô nhiễm chì,...) , cơ thể sẽ dần đào thải chì và hàm lượng chì trong máu sẽ giảm theo thời gian.

Đối với các trường hợp ngộ độc chì nặng, hiện tại có 2 nhóm phương pháp điều trị:

1. Sử dụng các thuốc có khả năng hấp phụ chì và tăng cường đào thải chì qua đường tiết niệu, ví dụ như dimercaptosuccinic acid (DMSA), D-penicillamine (D-penicillamine chưa được Cục quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ cấp phép sử dụng tại Hoa Kỳ),....

2. Sử dụng Ca2Na2 EDTA (EDTA: ethylenediaminetetraacetic acid) và Dimercaprol để hấp thu chì trong cơ thể. Tuy nhiên, các liệu pháp này cũng không hoàn toàn sữa chữa được các tổn thương do ngộ độc chì ở mức độ nghiêm trọng.

Việc dùng các thuốc điều trị nhiễm độc chì cần được tiến hành bởi các chuyên gia y tế có chuyên môn trong lĩnh vực này bởi vì các thuốc này nếu dùng sai phương pháp có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bệnh nhân. 

Hỏi: Cháu tôi hay làm việc đêm, sử dụng nước các loại nước ngọt cảm thấy rất tỉnh táo nhưng lại bị tiêu chảy, liệu đây có phải tác động của chì không thưa TS? (phamthanhminh@gmail.com)

PGS.TS Lê Bạch Mai: Đúng là sử dụng nước ngọt trong quá trình làm đêm sẽ giúp đầu óc tỉnh táo hơn. Bởi thành phần chính của nước ngọt là đường. Mà bản thân não lại cần năng lượng có từ chất đạm, chất béo và đường. Thường đường ở đây lại là đường glucose.

Vì thế, khi bạn uống nước ngọt vào ban đêm, đường đôi, đường đơn như sucrose, lactose được chuyển hóa thành đường glucose, khiến bạn rất tỉnh táo.

Nếu bạn thường xuyên bị tiêu chảy, bạn cần phải xem lại nguyên nhân tiêu chảy đến từ đâu. Tôi chưa bao giờ nghe nói một chai nước ngọt đúng theo tiêu chuẩn ATVSTP lại gây tiêu chảy. Vì thế, có thể do chai nước của bạn mua uống không đảm bảo ATVSTP.

Trong triệu chứng của ngộ độc chì, ít có biểu hiện tiêu chảy. Nếu bị nhiễm chì sẽ có dấu hiệu rát miệng, nôn, đau bụng, đi ngoài phân đen.

Nếu lần nào bạn cũng bị đi ngoài như vậy, bạn nên xem lại chất lượng chai nước. Còn mỗi dấu hiệu tiêu chảy thì không đủ kết luận là do chì.

Nếu lo lắng quá, bạn nên đi xét nghiệm hàm lượng chì trong máu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại