Người thầy giấu mặt của siêu sao Lê Cung và trận đấu hóa rồng

Phan Đình Phùng |

Khi thượng đài, võ sư Phi Long thường hạ đối thủ bằng tuyệt chiêu “đạp hậu” sở trường. Sau này, võ sĩ nổi tiếng Lê Cung từ Mỹ về cũng đến bái ông làm sư phụ để học tuyệt chiêu này.

LTS: Làng võ Việt ví võ sư Phi Long như con rồng bởi sức mạnh phi thường, từng 68 lần hạ đối thủ trên võ đài.

>>"Độc cô cầu bại' Việt Nam và chuyện về võ sư 68 lần bất bại

>>Những trận thượng đài để đời của võ sư “độc cô cầu bại”

Dùng quyền thuật hóa giải cả… bùa chú

Năm 1970, khi thắng Lưu Lễ, một võ sĩ nổi tiếng ở Kon Tum thì danh tiếng Phi Long nổi như cồn và được đông đảo dân chúng mến mộ.

Bởi sự tôn sùng của dân chúng nên Phi Long không khác gì cái gai trong mắt đám lính Ngụy và chúng tìm đủ mọi cách để loại bỏ. Và, cách loại bỏ tối ưu nhất vẫn là hạ ông ngay trên võ đài.


Võ sư Phi Long kể lại trận đánh với võ sĩ Lam Chinh.

Võ sư Phi Long kể lại trận đánh với võ sĩ Lam Chinh.

Do vậy, cũng tại nhà hát Hoa Mộc Lan (Kon Tum), nơi võ sư Phi Long hạ gục Lưu Lễ, một võ sĩ gốc Campuchia khác đã xuất hiện xin thủ đài. Người này là Lam Chinh, một võ sĩ nổi tiếng và là lính của chủng tăng thiết giáp.

“Theo quy định, ai xin thủ đài thì đêm hôm sau sẽ đánh với tôi. Lúc Lam Chinh xin thủ đài, tôi liền bảo ông ấy, nếu ông thủ đài thì hôm sau sẽ gặp tôi. Lam Chinh liền tuyên bố sẽ hạ tôi trong một hiệp”, võ sư Phi Long nhớ lại.

Sáng hôm sau, Lam Chinh tiếp tục gặp Phi Long để hỏi lại lần nữa xem Phi Long có dám đấu không. Nếu không đấu thì phải chấp nhận chịu thua.

Lúc này, tất cả những võ sư nổi tiếng ở Tây Nguyên đều ngăn cản, không cho ông đánh. Trong đó, có võ sư Thanh Long là Chủ tịch Tổng hội võ thuật Tây Nguyên, võ sư Hoàng Thọ ở Gia Lai, võ sư Nam Tạo ở Kon Tum…

Họ là thế hệ thầy của Phi Long.

“Các thầy bảo, hầu hết võ sư Việt Nam thời bấy giờ chưa ai đánh lại Lam Chinh. Đây là một nhận vật tạo tiếng tăm lớn ở miền Trung, Tây Nguyên thời bấy giờ”, võ sư Phi Long nhớ lại.

Không những giỏi võ thuật, khi đó mọi người còn đồn rằng, sức mạnh của Lam Chinh có được là bởi võ sĩ này đã có nhiều năm luyện thần quyền, hay còn gọi là võ gồng, võ bùa.

“Các thầy phân tích, Lam Chinh có gồng, có bùa nên sức mạnh phi thường. Tuy nhiên, tôi cũng phân tích lại cho các thầy biết việc mình sẽ hóa giải những thứ gọi là bùa, gồng ấy của đối thủ”, võ sư Phi Long kể.

Theo lời võ sư Phi Long, thời gian học võ trước đó ông cũng được thầy cho nghiên cứu về bùa chú nên biết cách hóa giải.

“Tôi phân tích cho các thầy rằng, Lam Chinh có gồng để cơ thể lên nội công chịu được đòn đánh của mình. Nhưng con mắt, lỗ tai thì không thể lên nội công nên sẽ đánh vào những vị trí này.

Còn bùa chú thì lúc đối thủ niệm chú mình dùng hầu quyền, sử dụng cái nhanh nhẹn của khỉ để tấn công ngay, làm đối thủ không kịp trở tay lúc bùa chưa nhập vào người”, võ sư Phi Long giải thích.

Sau khi nghe những phân tích đầy thuyết phục của Phi Long, dù còn nhiều e ngại nhưng các đại lão tiền bối đành chấp nhận, ủng hộ ông thượng đài.

>> Xem thêm về bí kíp võ công của các cao thủ võ Việt


Cú đánh đạp hậu, đòn sở trường của võ sư Phi Long.

Cú đánh đạp hậu, đòn sở trường của võ sư Phi Long.

Truyền đòn hiểm cho đệ tử Lê Cung

Tối đêm đó, võ đài ở nhà hát Hoa Mộc Lan chật kín người. Đa phần trong số đó là lính chủng thiết giáp, chúng hò reo, hô vang Lam Chinh như một người hùng.

Khi lên đài, Lam Chinh một lần nữa tuyên bố trước đám đông sẽ hạ Phi Long ngay trong hiệp 1. Tuy nhiên, Lam Chinh chẳng ngờ khi chưa hết hiệp 1, mình đã ngã gục trên đài, bởi những đòn đánh hiểm và nhanh như chớp của đối thủ.

“Khi trọng tài ra hiệu thi đấu, tôi dùng sức nhanh để di chuyển từ góc đài bên này qua góc đài bên kia và ngược lại.

Sau đó, áp dụng sự nhanh nhẹn của hầu quyền, dùng 2 chỏ tới đánh vào mắt, 2 chỏ ngang đánh vào tai dồn dập, làm Lam Chinh trở tay không kịp, chống cự không nổi nên ngã gục trên đài”, võ sư Phi Long hào hứng kể.

Võ sư Phi Long bảo, ở trận đánh này ông còn vận dụng đòn đạp hậu là sở trường của mình để hạ gục đối thủ sau khi đã tấn công dồn dập.

“Khi đang đánh mà đối thủ lùi hoặc dựa vào dây rin đài để mượn thế tấn công thì sẽ dính đòn đạp hậu của tôi ngay. Lam Chinh cũng vì lùi nên tôi mới hạ nhanh như vậy”, võ sư Phi Long nhớ lại trận đánh năm nào.

Nói về đòn đánh độc này, võ sư Phi Long hào hứng khoe về một người đệ tử, một võ sĩ nổi tiếng thế giới cũng phải về tận Bình Định để xin ông truyền thụ. Võ sĩ ấy không ai khác chính là Lê Cung, võ sĩ gốc Việt hiện rất nổi tiếng ở Mỹ.

“Năm 2001, Lê Cung ở California (Mỹ) về đây bái tôi làm sư phụ. Trước đó cậu ấy đã học võ và nhiều lần lên đài, tôi cũng thường xuyên theo dõi Lê Cung đánh.

Lê xin theo tôi học, tôi bảo không dạy võ nữa, nhưng sẽ dạy thêm những đòn đánh để áp dụng. Tôi chỉ Lê 3 đòn đánh, bảo về áp dụng công thủ hợp lý thì sẽ làm bàn đạp được.

Về bên Mỹ, Lê sử dụng đòn đạp hậu tôi dạy rất tốt. Lê quay những clip gửi về tôi xem, tôi thấy đối thủ đang đánh với mà giãn ra là dính đòn liền”, võ sư Phi Long chia sẻ.


Theo võ sư Phi Long, ông từng truyền tuyệt chiêu đạp hậu cho siêu sao võ thuật Lê Cung. (Ảnh Internet)

Theo võ sư Phi Long, ông từng truyền tuyệt chiêu đạp hậu cho siêu sao võ thuật Lê Cung. (Ảnh Internet)

Theo võ sư Phi Long, thập bát binh khí ông đều học tốt, bởi với ông, học võ cũng như văn. 18 binh khí đều sử dụng rất thành thạo nhưng ông lại chuyên về quyền.

Võ sư Phi Long triết lý: “Nếu dùng hổ quyền thì mạnh quá, cương không thắng nhu, phải dùng nhu thắng cương.

Còn Phụng Hoàng quyền thì quá trống trải, dễ bị đối phương tấn công. Dùng bạch hạc, kim kê quyền thì quá yếu đuối.

Vì vậy, tôi thường phối hợp giữa cái nhanh nhẹn của hầu quyền và cái uyển chuyển của linh miêu quyền để tạo ra tuyệt kỹ khi giao đấu với đối thủ”.

Trận đánh “hóa rồng”

Võ sư Phi Long kể, sau khi Lam Chinh gục ngã trên đài, giọng một chỉ huy quân Ngụy hô lớn: “Lên giết Phi Long đi, để hắn sống là tai họa!”. Tiếng tên chỉ huy vừa dứt, một đám lính liền xông lên đài.

Ngay lập tức, Phi Long phá vòng vây tháo chạy khỏi đài. Lính Ngụy đuổi theo dùng súng bắn liên hồi nhưng ông may mắn không trúng đạn.

Trong đêm, ông được trưởng ty thanh niên ở đây là ông Nguyễn Thành Thiện giúp đỡ, vượt qua được nguy hiểm, sau đó đưa về nhà ẩn nấp.

Những ngày sau đó, lính Ngụy phục kích trên đường từ Kon Tum về Gia Lai nên ông không thể về lại Đồng Phó nên đành nương nhờ anh ông Thiện.

Nửa tháng sau, khi tình hình lắng dịu, biết quân Ngụy không còn phục kích, ông Thiện mới đưa ông về đến nhà Đồng Phó an toàn.

Sau trận đánh này, võ sư Phi Long được mệnh danh là “rồng”, không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn ở nước ngoài.

Nghe danh tiếng, đại tá Nguyễn Văn Thoàn, Chủ tịch Tổng cục quyền thuật Việt Nam ở Sài Gòn lúc bấy giờ liền mời ông về làm huấn luyện viên. Sau giải phóng năm 1975, ông được mời làm Chủ tịch Hội võ thuật Tây Sơn.

Năm 1980, Sở Thể dục - Thể thao Bình Định mời ông về làm công tác tổ chức kiêm phong trào; đồng thời là huấn luyện viên đổi tuyển võ dân tộc (đối kháng) của tỉnh, phụ trách huấn luyện võ thuật ở Bảo tàng Quang Trung (ở huyện Tây Sơn).

Đến năm 1989, ông xin nghỉ công việc, sau đó lui về quy ẩn ở lưng chừng đèo An Khê.


Quy ẩn, võ sư nổi tiếng Phi Long sống đời đạm bạc.

Quy ẩn, võ sư nổi tiếng Phi Long sống đời đạm bạc.

Nói về tài võ của võ sư Phi Long, võ sư Kim Đình (ở tỉnh Bình Định) nhận xét: “Võ sư Phi Long hội tụ đủ 3 tố chất tối quan trọng của người theo nghiệp võ ấy là nhanh, mạnh và bền. Những lợi thế này nhờ được rèn giũa miệt mài từ nhỏ mới có được.

Muốn thưởng ngoạn tài võ của Phi Long một cách trọn vẹn phải xem Phi Long đấu đài. Chất bay bướm, tài hoa cũng như tính bộc trực, chắc, thật của Phi Long thể hiện trong đòn đánh.

Ngoài ra trong giới võ sư Bình Định, có lẽ Phi Long có tướng mạo ra dáng con nhà võ nhất: cao tầm 1m80, dáng vóc quắc thước, cơ thể tiềm tàng một nội lực, sức mạnh vô song nhưng cử chỉ, động tác lại hết sức nhẹ nhàng, khoan thai”.

Tuyệt kỹ đạp hậu võ sư Phi Long từng dạy Lê Cung

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại