ĐBQH Đỗ Văn Đương dẫn phim "Tể tướng Lưu gù" để nói về tham nhũng

Nguyễn Hoài |

Sáng nay (24/3), góp ý tại tổ về báo cáo tình hình thực hiện kinh tế xã hội 5 năm qua, ĐBQH Đỗ Văn Đương (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nhắc tới "điểm nghẽn" trong tinh giản biên chế và vấn đề chống tham nhũng trong bộ máy công chức Nhà nước.

Thừa nhận những thành tựu về kinh tế xã hội đạt được trong 5 năm qua, nhưng ĐB Đương khi nhìn và “ngẫm” lại các con số báo cáo thì ông cho rằng có điều gì đó còn chưa ổn.

Dẫn lại báo cáo của Chính phủ về kinh tế xã hội, con số chi thường xuyên khi bội chi ngân sách tăng cao và thu ngân sách không đủ bù chi, ông Đương tỏ ra lo lắng.

Hiện nay, chi thường xuyên lương khối hành chính tới 400.000 tỷ đồng/năm, trong khi thu ngân sách chỉ 1 triệu tỷ đồng/năm. “Nếu tăng lương đủ cho khối này thì cũng tiêu hết số thu ngân sách.

Thu ngân sách không nuôi đủ bộ máy hành chính. Điều này rất nguy hiểm” – ĐB Đương nói.

Theo ĐB Đương, chủ trương của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế công chức, viên chức là rất đúng nhưng cách giảm lại đang có vấn đề.

“Hết xây dựng đề án, báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt thì mới được giảm... Cứ như thế xin hết bộ nọ, cấp kia mới được giảm. Riêng khâu thủ tục thôi cũng đã kéo dài, quá nhiêu khê rồi”- ông Đương nói.

Theo ông Đương, muốn giảm biên chế thì phải giao cho cơ quan tổ chức, ở cấp trung ương thì phải giao chỉ tiêu giảm cụ thể.

ĐB Đỗ Văn Đương hiến kế: “Phải nhất thể hoá một số chính sách giữa Đảng và chính quyền, bớt tầng lớp trung gian, cán bộ phong trào, đoàn thể. Chứ chúng ta hô hào nhiều quá, người bắt tay làm việc thực sự thì ít”.

Từ chuyện “cả làng, cả xã làm công chức”, ông cho rằng, rất dễ dẫn tới “bình quân chủ nghĩa trong công việc”.

Nhắc lại câu chuyện trong bộ phim “Tể tướng Lưu gù”, vị ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng đây là bài học kinh nghiệm cần rút ra sâu sắc để chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước: “Trong phim Hoà đại nhân có tới 800 triệu lạng, trong khi ngân khố Nhà nước chỉ có 2 triệu lạng.

Tham nhũng là đây chứ đâu. Các dự án lớn, cụm dự án có vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ, liệu có bóng dáng quan chức lớn đằng sau hay không? Có lợi ích nhóm hay không?”.

Chống tham nhũng trong bộ máy công chức Nhà nước, ông Đương cho rằng, phải “đánh” có trọng tâm, trọng điểm thì mới chấn chỉnh được bộ máy phía dưới. Người đứng đầu phải là tấm gương thì bộ máy giúp việc dưới quyền mới nghiêm.

“Bộ máy Nhà nước phải nhất thể hoá, xã hội hoá, giao cho từng bộ, ngành cắt giảm chứ cứ làm đề án, rồi đề đạt, rồi xin ý kiến bộ này, ngành nọ thì không bao giờ giảm được đâu” – ĐB Đỗ Văn Đương nói.

Ông Đương cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay phải coi trọng chuyên gia, coi trọng người làm chuyên môn và trả đồng lương xứng đáng, chứ không phải “chi khống” cho những người “chỉ ngồi nghe tham gia vài câu rồi gật gật”.

“Chi lương cho chuyên gia 10.000 USD/người mới tương xứng, chứ giờ 10.000 USD đó mà chi cho nhiều người quá, thì lương thấp, nên mới dẫn tới tham nhũng”- ĐB Đương dẫn giải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại