Bí thư Thăng: Thay thế cán bộ uy tín giảm sút, có dấu hiệu tham nhũng

Ngọc Mai |

Nội dung trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh tại hội nghị triển khai công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2016 do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều 8/3.

Năm 2015, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của TP Hồ Chí Minh được đánh giá là chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra, dù đã có một số kết quả cụ thể.

Tham nhũng còn phức tạp và nghiêm trọng, các hành vi tham nhũng còn tiềm ẩn, có tổ chức chặt chẽ, khó phát hiện, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn…

Chỉ riêng về thái độ ứng xử của công chức, viên chức trong giải quyết công việc hàng ngày, năm 2015, qua kiểm tra ở 593 cơ quan, đơn vị, tổ chức, đã có 974 trường hợp thuộc 33 cơ quan phải thay thế, chuyển đổi do có dấu hiệu nhũng nhiễu hoặc không phù hợp.

Theo thông tin ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố đưa ra tại hội nghị, nhiều vụ án tham nhũng có quy mô cực lớn đang được các cơ quan tố tụng Trung ương hoàn tất điều tra, ra cáo trạng truy tố, sẽ được ủy quyền cho Viện KSND thành phố thực hành quyền tố tụng, đưa ra TAND thành phố xét xử.

Cũng trong năm 2015, Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm tra tại 7 cơ sở Đảng, phúc tra tại 2 cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra đã phát hiện và có hình thức xử lý kịp thời đối với nhiều vụ việc.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đang điều tra nhiều vụ án có dấu hiệu tham nhũng, có thể sẽ khởi tố trong thời gian tới.

Những án tham nhũng đang có dấu hiệu tập trung tại một số lĩnh vực, cụ thể như ngân hàng, hải quan, tài chính và cho thuê tài chính, quản lý đất đai.

Ngoài ra, trong lực lượng công an, Công an thành phố cũng phát hiện và xử lý 98 cán bộ chiến sỹ, 22 chỉ huy có trách nhiệm liên đới;

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố đã giáng cấp 1 cán bộ chiến sỹ vì hành vi vòi tiền trong việc lập phương án phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp.

Đánh giá công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong thời gian qua của TP Hồ Chí Minh, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng "còn nhiều hạn chế so với mục tiêu yêu cầu đề ra và sự kỳ vọng của người dân".

Bí thư Thăng cũng chỉ rõ nguyên nhân quan trọng từ việc các cấp, ngành, trong đó có cả cán bộ cấp ủy chưa làm hết trách nhiệm được giao.

“Tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến với những biểu hiện tinh vi, phức tạp hơn. Một số cấp ủy chưa xác định trọng tâm công việc và đề ra các giải pháp hiệu quả để phòng chống tham nhũng. Công tác chống tham nhũng của cấp ủy còn yếu.

Tỷ lệ tài sản thu hồi sau kết luận thanh tra rất thấp. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được dư luận quan tâm còn chậm. Quyết tâm chống tham nhũng chưa thật sự trở thành động lực hành động cho tất cả các cấp, các ngành.

Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn nhiều bất cập”, Bí thư Thăng nói.

Để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Bí thư Thăng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu cơ quan:

Thủ trưởng các đơn vị cần xác định kết quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí là tiêu chí, thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ; kịp thời điều chuyển, thay thế cán bộ có nhiều dư luận, uy tín giảm sút, có dấu hiệu tham nhũng, không hoàn thành nhiệm vụ để kịp thời phòng ngừa.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng lưu ý về trách nhiệm phát hiện, xử lý tham nhũng của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, cần phải được xác định rõ ràng, tránh xảy ra những vấn đề như tại một số tổ chức Đảng, người đứng đầu phát hiện ra hành vi sai phạm tại đơn vị mình lại bị tổ chức kiến nghị là gây mất đoàn kết nội bộ.

Các cơ quan chuyên môn như công an, viện kiểm sát, thanh tra thành phố cần có kế hoạch cụ thể để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, giám sát, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm; trong đó đặc biệt chú ý những phản ánh của người dân, doanh nghiệp về những ngành dễ xảy ra hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

TAND hai cấp của TP phải tập trung xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi tham nhũng, đáp ứng đòi hỏi của dư luận xã hội.

Đồng thời, Bí thư Thăng cũng nhấn mạnh vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và nhân dân trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

“Người đứng đầu phải gương mẫu, liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng xảy ra tại địa phương, cơ quan đơn vị mình và chịu trách nhiệm khi để cơ quan, địa phương do mình lãnh đạo xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Tất cả các cơ quan đơn vị đừng nghĩ tham nhũng là ở chỗ khác, mà phải luôn luôn rà soát, kiểm tra lại đơn vị mình xem có việc đó không”, Bí thư Thăng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại