Quê tôi, sao lại thế này?: Lên lão ở tuổi... 50

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG |

Đến tận thế kỷ 21 rồi nhưng nhiều làng quê đất Việt vẫn còn giữ tục lệ lên lão vào tuổi… 50.

Lệ xưa rằng 50 tuổi đã là thọ, 60 tuổi trung thọ, 70 tuổi thượng thọ, 80 tuổi thượng thượng thọ, 90 tuổi đại thọ, 100 trường thọ.

Ngồi Nóc

Giờ khác với xưa rất nhiều 50 tuổi còn sung sức cộng thêm kinh nghiệm tích lũy nên đạt độ “chín” để cống hiến, lao động hiệu quả nhưng đã phải ra đình ngồi chung với các cụ.

Lên lão như cái vòng kim cô vô hình kìm tỏa mọi ý chí phấn đấu vươn lên của một con người. Nó ngày ngày thủ thỉ những lời rắn độc: “Anh già rồi, nghỉ ngơi đi để cho con cái nó phục vụ”.

Thế là chẳng mấy chốc từ một người năng động bỗng thành “Lừ đừ như ông từ vào đền”, mũ ni che tai hết mọi sự sôi động của đời sống.

Thôn Nhân Vực (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên) theo chiết tự là mảnh đất lành sinh ra người hiền thảo. Đình làng làm từ thời nào chẳng ai rõ chỉ biết thờ vị hoàng tử thứ tư của vua Lý Thái Tông, nghe nói rất linh.

Từ khi đình được xây dựng, một tổ chức những người nam giới có độ tuổi từ 40 trở lên được thành lập gọi là nóc. Nóc đại diện cho dân trong việc làng, việc xóm.

Nóc các cụ giờ đổi thành hội hương lão, độ tuổi bắt đầu tham gia từ 50 tuổi trở lên. Mọi nam giới trong làng đều được tham gia với quy định ai gia nhập muộn quá 1 năm sẽ phải nộp phạt thêm mấy cân thóc (sau đổi thành 10.000đ).

Để càng lâu khoản phạt càng to. Tất nhiên có ưu tiên, châm chước cho những người đang công tác Nhà nước nhưng cũng không được để quá 60 tuổi.

Hội viên hương lão ngoài đều đặn hai ngày rằm và mồng một phải ra đình làm lễ thánh (7h30 sáng đối với mùa đông và 7h sáng đối với mùa hè) còn phải cùng dân làng tổ chức những ngày lễ trọng như 15/1, 10/3, 5/5, 15/7, 1/10, 1/12.

Ông Chu Văn Lợi - Phó thôn vào hội hương lão muộn màng khi đã 55 tuổi nên chấp nhận nộp phạt theo lệ.

Năm đầu tiên đóng tiền đèn nhang, năm hai ông xin được chân làm vấn cùng với ba người nữa. Vấn nôm na là làm phục vụ cho các cụ ở “chiếu trên”- việc ai cũng phải trải qua một lần trong đời khi tham gia hương lão.

Ngày rằm, mồng một người làm vấn từ tờ mờ sáng đã phải ra đình nhóm lửa đun nước, pha chè mời các cụ đến lễ thánh. Những tiết to, ngày trọng người làm vấn còn thổi xôi, đóng oản. Một năm làng có 4 tiết to như vậy.

Hội hương lão Nhân Vực có trên 60 cụ, không ít “cụ” mới ngoài 50 như ông Lợi đó là chưa kể khoảng 40 người đang trong độ tuổi ngoài 50 vẫn trốn không chịu vào hội.

Xưa hội các cụ có công điền nên còn bổng lộc, ngày lễ thánh cái thủ lợn, mâm xôi mà ngả ra chia, ai trong chân bô lão thì cứ cắp rá đi mà lấy phần. Nhà đông đinh được phần nhiều, nhà neo đinh được phần ít.

Lắm khi miếng thịt mỏng tang tưởng gió thổi cũng bay được, nắm xôi bé bằng quả trứng gà nhưng vẫn cứ lấy làm hãnh diện. 1/12 chạp làng, 2/12 chạp họ, cả làng, cả xóm tưng bừng trong không khí lễ hội.

Giờ ra đình không mấy ai còn báu bở miếng thịt, nắm xôi chia phần mà chỉ thiết mỗi cái danh: Cụ.

Nếu như ra đình khi 50 tuổi là chuyện của cánh đàn ông thì ra chùa khi 50 tuổi là chuyện của phái nữ.

Hội phật tử của làng Nhân Vực gồm các thành phần: con nhang là kẻ số nặng cần phải cầu khấn cho nhẹ vợi, con bán là đám trẻ được “bán” cho đức ông để dễ bề nuôi nấng và các già đi quy.

Hội phật tử có số thành viên đông đảo hơn hẳn hội hương lão với 257 người trong đó có 97 già.

Chị Trịnh Thị Toan vào nhóm các già lúc mới chớm tuổi 49, thuộc vào loại “trẻ ranh”. Trong hội có khoảng 30 “già” từ 50-60 tuổi như chị.

Rằm mồng một họ phải ra chùa một vài tiếng làm lễ, bốn tiết lớn như thượng nguyên, tất niên, ra hè, vào hè thời gian kéo dài đến cả buổi.

Vì còn trẻ nên chị Toan được cất nhắc vào chân thuộc Ban thịnh sự phải đến sớm hơn mọi người đã đành, chiều 14 hoặc chiều 30 còn phải ra dọn dẹp, quét tước chùa để cho rằm, mồng một sư cúng.

Còn trẻ nhưng giờ chị sống như một người già thực thụ. Sáng sáng tập dưỡng sinh rồi về nhà nấu cơm cho chồng con, chiều chiều tập thể dục rồi về nhà nấu cơm tiếp.

Thỉnh thoảng mặc áo nâu quần chùng, đeo tràng hạt tụng kinh niệm Phật. Tư tưởng rất chay tịnh và thanh thản.

Cụ Non

Nói đến thanh niên là nói đến hoài bão, khát khao, ước mơ những việc dời non, lấp bể. Nhưng chẳng hiểu tại sao thanh niên thời đại mới ở nông thôn giờ nhiều người lại nói năng, suy nghĩ, làm việc giống người già đến vậy rất an phận thủ thường.

Anh Phạm Xuân Đức - người thôn Tứ Kỳ Hạ (xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) có thâm niên lái xe 11 năm nhưng tài sản tích lũy gần như không có gì ngoài một cái xe máy cũ.

Chán nản vì công việc vất vả lại thu nhập thấp nên Đức bỏ làm nghỉ ở nhà cả tháng nay để toàn tâm toàn ý với thú chơi gà chọi.


Thanh niên Đức với thú chơi gà chọi

Thanh niên Đức với thú chơi gà chọi

29 tuổi nhưng Đức nói chuyện giống hệt một ông cụ. Hỏi về ước mơ, Đức bảo: Không có ước mơ gì, chỉ đủ sống là được.

Hỏi nghỉ lái xe anh học nghề gì? Đức lắc đầu: Nếu còn trẻ tôi sẽ học điện dân dụng còn giờ thì hơi muộn rồi vì cứng tuổi rồi. Mất mấy năm để học, bắt đầu lại từ đầu, khó lắm! Thôi thì ở nhà làm vườn ao chuồng thôi.

Gió bấc, mưa phùn giăng kín trời, đặc đất nhưng bà mẹ đã 63 tuổi của Đức vẫn cặm cụi, tê bại chân tay vì “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngoài đồng cấy vì còn những 5 sào.

Trong khi đó người con đang sức dài, vai rộng lại tỉ mẩn khi thì cắt tỉa từng cái lông tạo dáng cho gà, lúc lại chườm nghệ cho da gà thêm dày, rồi phơi nắng, rồi ngâm thóc cho nó ăn thêm phần cường tráng.

Một thế hệ thanh niên nông thôn không còn biết cấy, không còn biết cày, không biết đến cả kỹ thuật ngâm ủ mạ “ba sôi, hai lạnh” vô cùng quen thuộc.

Xét đi rồi cũng phải xét lại thói tệ này có phần nguyên nhân bởi chính bố mẹ gây ra. Cấy lúa giờ đây khác nào chơi trò xổ số mà kẻ thắng thường là ông trời, là “ông” thị trường chứ không mấy khi là con người.

Bởi thế chẳng ông bà nông dân nào muốn con cái - niềm hi vọng của mình lại phải còng lưng đi cấy như bố mẹ. Phải thoát ly nghề nông bằng mọi giá dù công nghiệp hóa đang bóc lột tàn nhẫn sức lao động, ăn mòn tuổi trẻ của con em họ mà cũng chỉ tùng tiệm đủ ăn.

Không mấy ai còn dậy con cái “Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày trông đêm” nữa nên về quê bây giờ lắm chuyện tức cười.

Thanh niên nếu gánh đặt đòn ngang cổ, sát họng chứ không gánh bằng vai. Thanh niên nếu phải cầm liềm thì gặt hái như thể sợ cây lúa bị… đau.

Ngàn năm kinh nghiệm trồng lúa nước của hàng trăm thế hệ đúc kết giờ thành một trò đùa, có cơ thất truyền. Nhưng nào có hề gì?

Với họ, những người trai trẻ ấy mỗi tháng kiếm được mấy triệu đã là hạnh phúc. Với họ ngày ngày có thức ăn mặn, có rượu đưa cay đã là mãn nguyện nhất trần đời.

Sự hài lòng có phần dễ dãi ấy không khác gì một thằng Bờm với nắm xôi vẫn cứ cười mặc thế sự vụt trôi, mặc thời gian vút chạy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại