Những trận thượng đài để đời của võ sư “độc cô cầu bại”

Phan Đình Phùng |

Võ sư Phi Long từng đánh 87 trận và chưa biết mùi thất bại. Trong đó, có 68 trận hạ đối thủ trên đài. Tuy bất khả chiến bại nhưng “con rồng” này cũng từng nhiều lần suýt mất mạng.

LTS: Làng võ Việt ví võ sư Phi Long như con rồng bởi sức mạnh phi thường, từng 68 lần hạ đối thủ trên võ đài.

Độc cô cầu bại Việt Nam và chuyện về võ sư 68 lần bất bại "Độc cô cầu bại' Việt Nam và chuyện về võ sư 68 lần bất bại

Làng võ Việt ví võ sư Phi Long như con rồng bởi sức mạnh phi thường, từng 68 lần bất khả chiến bại trên võ đài.

“Ông vua” trên võ đài

Võ sư Phi Long bảo, vào thời điểm ông theo học võ sư Huỳnh Liểu cũng có nhiều môn sinh theo học, nhưng ông là học trò xuất sắc nhất.

Biết được tài năng của học trò, nên vào năm 1967, võ sư Huỳnh Liểu hướng dẫn con trai mình là Huỳnh Thảo cùng với Phi Long mở võ đường Phi Long Thảo tại Phú Tài.

“Võ đường Phi Long Thảo vừa mới mở nhưng học trò đến theo học rất đông. Lúc ấy, tôi và anh Huỳnh Thảo phụ trách giảng dạy cho học trò dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của thầy Huỳnh Liểu”, võ sư Phi Long cho biết.

Từ võ đường Phi Long Thảo này, chàng trai trẻ Quốc Long (tên thật của võ sư Phi Long) được sư phụ cho đi đánh đài thường xuyên và tạo nên danh tiếng lừng lẫy về sau.


Võ sư Phi Long từng là ông vua trên võ đài thời trước năm 1975

Võ sư Phi Long từng là ông vua trên võ đài thời trước năm 1975

Võ sư Phi Long cho biết: “Hồi ấy các võ đường thường xuyên đến Phi Long Thảo mời võ sĩ đi đánh cho họ. Những lần như thế sư phụ đều cho tôi đi đánh.

Võ sĩ khi đi đánh cho võ đường nào thì mang họ của võ đường ấy, nên tôi mang nhiều danh xưng khác nhau”.

Theo đó, khi đi đánh cho võ đường Lý Xuân Tạo ở các trận đài cánh bắc tỉnh Bình Định và Tây Nguyên thì ông mang tên Lý Quốc Long.

Từ tỉnh Phú Yên trở vào đến tỉnh Bình Thuận, người ta biết ông với tên Huỳnh Long vì đánh cho võ sư Huỳnh Tiền biệt danh “Cáo già miền Nam”.

Còn vùng Sài Gòn đi xuống miền Tây, ông mang tên Minh Long vì đánh cho võ sư Minh Cảnh, nhà vô địch quyền Anh Việt Nam trong những năm thập niên 40 của thế kỷ XX.

Ở võ đường Phi Long Thảo được 2 năm thì đến năm 1969, võ sư Phi Long được thầy Huỳnh Điểu cho phép xuất sư. Lúc này, ông quay về Đồng Phó, chính thức mở võ đường và lấy võ hiệu là Phi Long Long, gọi tắt là Phi Long.

Tên gọi Phi Long của võ sư trẻ tuổi lúc bấy giờ bắt đầu từ thời điểm này. Võ đường của ông đã đào tạo khá nhiều môn đồ khắp các tỉnh thành trong nước và ngoài nước.


Từng 87 lần thượng đài nhưng chưa một lần Phi Long thất bại.

Từng 87 lần thượng đài nhưng chưa một lần Phi Long thất bại.

Cũng trong thời gian này, ở huyện Tây Sơn có võ sư Đỗ Hược nổi tiếng giỏi võ, là học trò của võ sư Phan Thọ ở xã Bình Nghi.

Nghe tiếng tăm của Đỗ Hược nên quân Đại Hàn tìm cách loại trừ.

Một lần, quân Đại Hàn (lính Nam Triều Tiên) tìm cách dụ Đỗ Hược đến giữa cầu Nước Xanh (ở xã Bình Nghi) rồi lấy kẽm gai bao phủ xung quanh, sau đó hơn 20 tên lính lao vào đánh.

Với tài võ lược của mình, Đỗ Hược phá được vòng vây chạy thoát. Từ đó, tiếng tăm của võ sư này càng vang xa.

Năm 1970, võ sư Phi Long liền tìm đến Đỗ Hược thách đấu. Võ sư Đỗ Hược lâu nay đánh không có đối thủ nên khi được Phi Long thách đấu liền đồng ý ngay.

Hai bên ký giao kèo, hẹn đấu nhau tại Trường hát Hồng Lạc (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn).

“Khi nhận lời thách đấu, võ sư Đỗ Hược chỉ nghe tên chứ không biết đến thành tích thi đấu trước đây của tôi.

Tuy nhiên, khi biết tôi chính là người từng chính là võ sĩ… đánh thuê và thắng liên tiếp nhiều trận thì Đỗ Hược đã đến nhà xin hủy đánh”, võ sư Phi Long kể lại.

>> Xem thêm về bí kíp võ công của các cao thủ võ Việt

Suýt mất mạng vì… lỡ thắng

Trong khoảng thời gian ở võ đường Phi Long Thảo, võ sư Phi Long vẫn còn nhớ như in trận đánh vào năm 1968 ở võ đài Cam Phúc (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) suýt nữa những tên lính Ngụy đã lấy mạng ông.

“Năm đó, Tổng cục quyền thuật Việt Nam tổ chức một trận ở võ đài Cam Phúc. Khi ấy, lực lượng võ sĩ tham gia thi đấu ít lắm nhưng rất tên tuổi.

Chắc cũng nghe tên tôi từ trước nên võ sĩ Trần Trung người gốc Campuchia thuộc võ đường Trần Sin (ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thách đấu, nói là đại diện cho miền Nam đấu với đại diện miền Trung.

Theo quy định, trận đấu diễn ra 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Tuy nhiên, mới ngay phút đầu tiên của hiệp 2, tôi dùng sở trường đòn chân hạ gục đối phương”.

Dính đòn của tôi, Trần Trung ngã xuống, không gượng dậy được nên khi trọng tài công bố kết quả, cầm tay tôi đưa lên cao thì tôi nghe tiếng súng nổ.

Lúc ấy, tôi nhìn thấy dây rin đài trước mặt bị giãn ra, viên đạn trúng dây nên bay bẹt lên hướng trên, nếu không thì đã lấy mạng tôi”, võ sư Phi Long kể lại.

Sau khi thoát chết, võ sư vừa thắng trận liền chạy khỏi đài. Lúc này, đám lính Ngụy liền rút chốt lựu đạn ném. Phản xạ tự nhiên, ông nằm bẹp ngay xuống và may mắn thoát chết.

“Chúng ném 3 trái lựu đạn khiến nhiều người chết và bị thương, đám đông nháo nhào, hoảng loạn. Sau đó, tôi được ông trưởng Ty thanh niên ở đây lấy xe chở về nhà ổng trốn mới thoát thân”, võ sư Phi Long nhớ lại.


Sư phụ Huỳnh Liểu, người dạy võ thuật cho võ sư Phi Long.

Sư phụ Huỳnh Liểu, người dạy võ thuật cho võ sư Phi Long.

Võ sư Phi Long bảo, ở trận đánh này ông phối hợp giữa hầu quyền và linh miêu quyền, giữa cái nhanh nhẹn của khỉ với cái nhẹ nhàng, uyển chuyển của mèo thành ra tuyệt kỹ.

Theo võ sư Phi Long, khi lên đài ông luôn quan niệm, một cái đá bằng ba cái đánh. Nên tùy theo tình huống mà xuất chiêu đúng lúc để đối thủ gục ngã ngay lập tức. Như thế vừa có công dụng, vừa đẹp mắt, thỏa mãn thị hiếu người xem.

Bị đánh gãy chân sau 2 lần hạ đối thủ

Sau khi Đỗ Hược xin hủy trận đánh, võ sư Phi Long nghe tiếng võ sư Lưu Lễ nổi danh đất An Khê (tỉnh Gia Lai) nên tìm đến thách đấu.

Dịp ấy, đúng khi nhà hát Quang Trung ở An Khê khánh thành nên họ mở võ đài giao đấu. Tuy nhiên, Lưu Lễ tỏ vẻ coi thường Phi Long.

Võ sư Phi Long cho biết: “Hồi đó có võ sư Lưu Lễ, xuất thân từ võ cổ truyền An Thái (thị xã An Nhơn) và mở võ đường ở An Khê, rất nổi tiếng.

Là người lớn tuổi hơn và thành danh trước nên khi thấy tôi tìm đến thách đấu, ổng rất tự ái và coi thường tôi. Nhưng kết quả, tôi không thua mà còn thắng điểm nên ông càng tức giận hơn”.

Sau khi thua trận, võ sư Lưu Lễ tức giận trở về võ đường rồi mời võ sư nổi tiếng Hà Trọng Sơn đến nhà luyện tập, để mong ngày phục thù. Thời gian này, Lưu Lễ lĩnh hội được nhiều tinh hoa võ thuật từ võ sư Hà Trọng Sơn.

Một năm sau, nhà hát Hoa Mộc Lan (tỉnh Kon Tum) mở võ đài nên Lưu Lễ gặp Phi Long tiếp tục thách đấu để gỡ nợ.

“Lúc này, bằng sự chân tình nên tôi không muốn đấu tiếp vì biết quy luật con rùa là con rùa, con thỏ là con thỏ.

Dù có gì đi nữa thì cốt cách của người học võ ngay từ đầu đã thiếu cơ bản thì khó mà bù đắp nếu mong muốn đạt mục đích nhanh chóng.

Bởi thế, tôi biết sẽ chắc thắng và không muốn làm đàn anh quê nên không muốn đấu”, võ sư Phi Long nhớ lại.

Dù nói bằng sự chân tình nhưng Lưu Lễ không nghe nên ông phải miễn cưỡng đấu và tuyên bố sẽ đánh gục trong hiệp 1. Đúng như lời mình nói, khi hiệp đấu đầu tiên chưa kết thúc thì Phi Long đã hạ gục đối thủ bằng chân trái.


Tuổi đã cao nhưng võ sư Phi Long vẫn vô cùng rắn rỏi.

Tuổi đã cao nhưng võ sư Phi Long vẫn vô cùng rắn rỏi.

Võ sư Phi Long kể, một tháng sau trận đánh ấy, một số người dân ở An Khê mời ông lên dạy võ cho con họ. Thời gian này ông có quen với bà Nguyễn Thị Hường làm nghề may và thường xuyên qua lại nhà chơi.

Biết được điều đó Lưu Lễ cùng học trò phục kích tại con đường vào nhà bà Hường chặn đánh ông để trả thù.

“Hôm đó tôi và một học trò từ trong nhà bà Hường ra, nhưng may là học trò tôi đi ra phía sau để đi vệ sinh nên không bị đánh. Còn tôi đi thẳng ra đường liền bị 37 thầy trò Lưu Lễ phục kích đánh gãy chân trái.

Sau đó, học trò đưa tôi vào Bệnh viện An Khê, các bác sĩ nói phải tháo khớp chân nhưng tôi không đồng ý, vì nghĩ tháo khớp là cuộc đời mình bỏ đi. Sau đó, tôi về tự kê thuốc băng bó, phải điều trị rất lâu mới khỏi.

Hồi đó tôi dùng thuốc rất nhiều chứ không là chết”, võ sư Phi Long nhớ lại.

Đến năm 2002, võ sư Lưu Lễ nhờ một người bạn thân của võ sư Phi Long dẫn đến nhà xin lỗi.

“Thấy tôi không thù oán gì, ổng rất hối hận. Và dù lớn tuổi hơn, nhưng sau đó ổng rất tôn trọng tôi. Về sau tôi cũng lên nhà ổng thăm chơi”, võ sư Phi Long kể lại.

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại