ĐB Trương Trọng Nghĩa: 18 tuổi là trẻ em làm lùi bánh xe lịch sử

Hoàng Đan |

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nếu quy định từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em sẽ là sự quay lùi bánh xe lịch sử lại 26 năm về trước.

Liên quan đến dự thảo quy định mới trong Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em quy định từ 16 đến dưới 18 vẫn là trẻ em, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, công ước quyền trẻ em có hiệu lực năm 1990, là 26 năm về trước.

Công ước này nói rất rõ, trẻ em dưới 18 tuổi trừ trường hợp luật pháp các nước công nhận tuổi thành niên lớn hơn. Như vậy, nếu chúng ta quy định trẻ em dưới 16 tuổi, từ 16 -18 tuổi không còn là trẻ em nữa thì không hề vi phạm công ước này.

Theo ông Nghĩa, hơn nửa thế kỷ qua, ở nước VN này trẻ em dưới 16 tuổi, từ 16 - 18 là người chưa thành niên, từ 18 trở lên là thành niên.

Tất cả luật pháp của chúng ta xây dựng con người về mặt tuổi được phân chia 3 loại: Trẻ em, chưa thành niên và thành niên.

"Hơn nửa thế kỷ qua chúng ta sống trong tinh thần như vậy, sau khi có công ước 26 năm về trước ta vẫn sống như vậy và không hề vi phạm gì cả.

Tôi xin hỏi vì lý do gì vào năm 2016 của thế kỷ 21 chúng ta lại đem khái niệm trẻ em phải là dưới 18 tuổi áp dụng vào lúc này để đạt được cái gì. Tôi chưa thấy giải trình thỏa đáng", ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng cho hay, quy luật của con người phát triển nói chung, cho đến nay ở rất nhiều quốc gia là trẻ em ngày càng trưởng thành.

Do đó, tuổi trẻ em đặc biệt là tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tuổi chịu trách nhiệm dân sự tinh thần là tuổi chịu trách nhiệm hình sự trẻ dần. Trước đây 16, bây giờ 14, có quốc gia thì 11, 12 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nhưng ngược lại, năng lực trách nhiệm dân sự là 7 - 8 tuổi, năng lực hành vi dân sự hạn chế, cho đến 14 tuổi có hành vi dân sự hạn chế hơn, nhưng từ 16 - 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự nhiều hơn.

"Nếu chúng ta quy định từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em thì 1 loạt hành vi dân sự của các lứa tuổi thanh thiếu niên tuổi này là sẽ phải tính toán lại.

Như vậy chúng ta sẽ phải tính toán lại bộ luật Hình sự: Vấn đề kết hôn, giao cấu với trẻ em... chúng ta đang đi ngược lại xu thế các nước. Ngược lại về mặt dân sự chúng ta hạn chế rất nhiều, tuổi lao động, công ước lao động", ông Nghĩa nêu.

Thêm vào đó, theo ông Nghĩa, ở nước ta từ 16 - 18 tuổi không phải là trẻ em nên rất nhiều em được ký kết các hợp đồng lao động, nay chúng ta coi là trẻ em thì đã tính toán chưa?

Vị đại biểu Quốc hội này cũng bày tỏ thêm: "Không cần thiết quay lùi bánh xe lịch sử lại 26 năm về trước để làm cái điều mà hồi đó không làm.

Đất nước, con người VN phát triển, không có lý gì bắt thanh thiếu niên 16-18 quay trở về làm thân phận trẻ em. Như thế họ sẽ bị mất rất nhiều quyền lợi khác nhau, không phù hợp với thực tiễn phòng chống tội phạm.

Quy định này là lợi bất cập hại. Muốn chăm sóc cho lứa tuổi 16-18 cái gì thì chăm sóc cái ấy, không cần thiết biến họ thành trẻ em để chăm sóc".

Phân tích thêm việc tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, thực tế hiện nay trẻ em trưởng thành sớm hơn trước, chúng ta không hạ thì thôi, chúng ta lại tăng độ tuổi lên.

Khi tăng lên có 2 vấn đề là không tương thích luật khác, tạo nhiều vấn đề cho xã hội và lo sợ cho ngân sách nhà nước.

Thứ hai, theo phong tục vùng miền, nhất là đồng bào dân tộc phía Bắc, dưới 16 tuổi đã có nhiều em tảo hôn, và nêu dưới 18 nữa thì không thể giải quyết được và nhiều người lâm vào trạng thái kết hôn trái phép luật.

"Đối với Luật nghĩa vụ quận sự, nếu đất nước lâm nguy, phải tổng động viên, chúng ta tổng động viên cả trẻ em?

Điều đó cho thấy chưa phù hợp nếu áp dụng công ước quôc tế trong vấn đề này", bà Lan nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại