TTK Quốc hội: "Là đại biểu QH thì không chỉ có mỗi hát hay..."

Hoàng Đan |

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc các văn nghệ sỹ tham gia ứng cử ĐBQH nhiều đã chứng tỏ các văn nghệ sỹ rất yêu quý Quốc hội.

Bầu mới các nhân sự cấp cao Nhà nước

Chiều nay 18/3, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổ chức buổi họp báo công bố dự kiến chương trình kỳ họp cuối cùng (thứ 11), Quốc hội khóa XIII.

Theo ông Lê Minh Thông, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, kỳ họp 11 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 21/3 và làm việc trong 19 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 12/4.

Tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015, kết quả 5 năm 2011-2015.

Cùng với đó là quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…

Về chương trình xây dựng luật, kỳ họp này Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, xem xét, thông qua 7 dự án luật gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi)...

Ông Lê Minh Thông.
Ông Lê Minh Thông.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian của kỳ họp này (từ 31-3 đến 12-4) để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước.

"Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhà nước không tái cử Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời Bộ Chính trị cũng đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư", ông Thông nói.

Ông Thông cũng cho biết thêm, Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Bộ Chính trị thống nhất cao việc cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Còn theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nhân sự được bầu lại lần này có rất nhiều, bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Riêng về các cơ quan Bộ, ngang Bộ thì sẽ chờ Thủ tướng Chính phủ trình.

"Một số chức danh sau Đại hội Đảng không tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa mới, trong khi chúng ta đang tiến hành bầu cử khóa mới và thời gian đến tận tháng 7/2016 chúng ta mới tiến hành kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.

Nhưng đây là năm đầu tiên thực hiện mục tiêu 5 năm của ĐH Đảng khóa XII (2016 - 2021) nên cần động lực mới, khí thế mới để thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ.

Đây cũng không phải là vấn đề mới, tại kỳ họp thứ 9 của QH cũng đã kiện toàn chức danh lãnh đạo Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Lúc đó, đồng chí Trương Vĩnh Trọng được QH phê chuẩn bầu chức danh Phó Thủ tướng, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng cũng vậy", ông Phúc nói.

Nhiều người đã đặt câu hỏi, đến thời điểm này Tổng Thư ký và Quốc hội đã nhận được bao nhiêu đơn từ nhiệm của các nhân sự chuẩn bị được bầu lại, đồng thời, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã có đơn từ nhiệm chưa?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: "Nhiệm kỳ của các chức danh là 5 năm nhưng trong 5 năm đó, chúng ta vẫn có quyền bãi nhiệm các chức danh.

Trong điều 10 của Luật Tổ chức Quốc hội quy định, người từ nhiệm phải có đơn nhưng điều 11 thì quy định theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền bầu chức danh đó thì Quốc hội có quyền miễn nhiệm.

Do đó, trình hay không thì đến chương trình làm việc về nội dung đó họ mới phải trình chứ không cần trình đơn trước".

Về việc dành 10 ngày rưỡi làm công tác nhân sự, theo ông Phúc là căn cứ vào quy trình miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

"Miễn nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH có quy trình, trong quy trình phê chuẩn thành viên Chính phủ cũng vậy, 1 người hay nhiều người cũng phải theo đúng quy trình này.

Đầu nhiệm kỳ chỉ bầu và phê chuẩn mới, còn kỳ này có cả miễn nhiệm rồi mới bầu. Miễn nhiệm cũng phải theo đúng quy trình về miễn nhiệm.

Có tờ trình, cho ý kiến, bỏ phiếu, kiểm phiếu… nên thời gian bàn nhân sự dài", ông Phúc nêu.

"Văn nghệ sỹ yêu quý Quốc hội"

Về thông tin, nhiều văn nghệ sỹ tham gia ứng cử ĐBQH, ông Phúc cho rằng, điều đó là rất tốt.

"Các văn nghệ sỹ tham gia ứng cử ĐBQH nhiều đã chứng tỏ các văn nghệ sỹ rất yêu quý Quốc hội nhưng chuyện các văn nghệ sỹ ứng cử vào Quốc hội, trở thành ĐBQH là chuyện khác.

Bởi làm ĐBQH không chỉ có hát hay mà ĐBQH phải hiểu biết rất nhiều lĩnh vực để tham gia vào các lĩnh vực khác nhau.

Phải biết về lĩnh vực lập pháp, kinh tế, xã hội... để có năng lực tham gia vào các dự án luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đi giám sát, tiếp xúc cử tri...

Đại biểu nào là văn nghệ sỹ mà có năng lực như thế thì rất hoan nghênh. Nếu chỉ hát không thôi thì vào làm ĐBQH rất khó còn Quốc hội không ngăn cản, các đại biểu cứ đủ tiêu chuẩn là có thể ứng cử và nhân dân sẽ lựa chọn...", ông nhấn mạnh.

Trước ý kiến kỳ bầu cử này ghi nhận sự gia tăng số lượng những người tự ứng cử, nhiều người chủ động đăng tải các thông tin vận động công khai lên mạng xã hội..., ông Phúc nêu rõ, quyền tự ứng cử là quyền của họ, còn khi đi vận động bầu cử phải đúng luật.

Giai đoạn hiệp thương lần 2 mới sơ bộ chọn danh sách, sau đó chuyển hồ sơ về lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

Đến vòng hiệp thương 3, chính thức chốt danh sách, lúc đó mới có chương trình vận động bầu cử. Vận động bầu cử phải đúng quy định, có tổ chức hướng dẫn, giám sát.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng thông tin thêm, đến thời điểm hiện tại, QH đã nhận được 90% hồ sơ của người ứng cử và tự ứng cử.

Qua ghi nhận, giữa người được cơ quan đưa ra ứng cử và người tự ứng cử đều kê khai như nhau, không có gì khác, đồng thời, QH luôn tạo điều kiện cho sự bình đẳng giữa 2 đối tượng.

Về dự án Luật Biểu tình, theo ông Phúc, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH vừa qua, Chính phủ có báo cáo chưa chuẩn bị đầy đủ, đủ điều kiện để trình tại kỳ họp này nên Thường vụ QH đã đồng ý lùi lại.

Sau khi Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng rồi khi đủ điều kiện mới trình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại