Nuôi loại cá hung dữ, kiếm nửa tỷ mỗi năm

B. Bình |

Nhiều hộ dân trong cả nước đã thành công với mô hình nuôi cá lóc, bỏ túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau khi trừ tất cả chi phí.

Theo miêu tả trên tờ Thủy sản VN, cá lóc là loài cá dữ, ăn tạp, có sức sống cao, có khả năng chịu đựng tốt với môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Do là loài cá dữ, sự tranh giành thức ăn trong ao rất lớn, cá lớn ăn cá nhỏ, nhất là tháng nuôi đầu vì vậy sự phân đàn rất lớn sau thời gian nuôi ngắn.

Có nhiều hình thức nuôi như nuôi trong ao, nuôi trên bạt, nuôi trong vèo đặt trong ao, đặc biệt hình thức nuôi trong vèo đặt trong ao là hình thức dễ chăm sóc quản lý, thích hợp cho người có ít diện tích đất sản xuất.

Lưu ý khi nuôi cá lóc trong vèo nên chọn ao ở gần nơi có nguồn nước sạch, nếu gần sông lớn để thu hoạch vận chuyển bằng ghe đục càng tốt. Diện tích ao 200 - 1.000 m2, độ sâu 1,2 - 2 m, mực nước trong vèo khoảng 1 m.

Cải tạo ao, vét bùn, bón vôi, lấy nước vào ao, xử lý nước, căng vèo vào ao cho thẳng 4 góc, đáy vèo cách đáy ao khoảng 30 cm.

Sau  4 - 5 tháng nuôi, cá đạt cỡ trên 700 g/con và cho thu hoạch.


Vèo nuôi cá lóc. Ảnh: Thủy sản Việt Nam

Vèo nuôi cá lóc. Ảnh: Thủy sản Việt Nam

Ông Lê Minh Thành (SN 1958, trú thôn Tất Viên, xã Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam) là một trường hợp điển hình thành công với mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt.

Theo ghi nhận trên tờ Dân việt, từ đầu năm 2013, ông Thành tích góp và vay mượn khắp nơi để có đủ 1,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng 15 bể nuôi cá, công trình nhà đông lạnh chứa thức ăn và hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường sau khi tự học hỏi kinh nghiệm trên mạng.

Sau khi tìm hiểu thị trường, ông Thành vào tận Đồng Nai để nhập cá giống. Nguồn thức ăn thường xuyên để nuôi cá lóc là cá vụn còn tươi được nhập từ các cảng cá ở Quảng Nam và Đà Nẵng.

Mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt. Ảnh: Dũ Tuấn/Dân việt
Mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt. Ảnh: Dũ Tuấn/Dân việt

Bể nuôi cá lóc của ông Thành có bề ngang 4m, dài 12m và được lót bạt cẩn thận vì nếu để nền xi măng thì cá rất dễ mắc bệnh, khó phát triển.

Trong tháng đầu tiên, ông Thành trộn thuốc phòng bệnh đường ruột cho cá vào thức ăn để tránh các bệnh thường gặp.

Bình quân giá bán từ 50 – 60 ngàn đồng/kg, với hơn 30 tấn cá lóc mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, lão nông này đút túi hơn 500 triệu đồng.

Để có nguồn thức ăn tươi, ông Thành đầu tư 550 triệu đồng xây nhà đông lạnh, nơi dự trữ thức ăn cho cá lóc.

Tình cờ, xem ti vi thấy nông dân các tỉnh phía Nam nuôi cá lóc cho thu nhập cao, anh Vũ Đình Quynh (Nam Định) đã vào Nam học hỏi và quyết định chọn giống cá lóc đầu nhím từ Đồng Tháp đem về quê nhà nuôi thí điểm.

Anh Quynh chăm sóc ao cá lóc đầu nhím. Ảnh: Dân việt
Anh Quynh chăm sóc ao cá lóc đầu nhím. Ảnh: Dân việt

Năm đầu tiên anh thả một vạn con giống. Nhờ chú trọng ngay từ khâu lựa chọn những con giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều nên đàn cá của gia đình anh sinh trưởng, phát triển nhanh.

Sau 6 tháng, anh xuất bán lứa cá đầu tiên, trừ chi phí, anh đã thu lãi 150 triệu đồng.

Năm 2015 là năm thứ 5 gia đình anh Quynh gắn bó với loại cá lóc này. 

Giá bán cá lóc đầu nhím dao động từ 50.000 – 55.000 đồng một kg, trong khi chi phí đầu tư cho 1kg cá từ lúc còn nhỏ đến bán chưa đầy 30.000 đồng.

Như vậy, chỉ với 1.000m2 diện tích mặt nước nuôi cá lóc đầu nhím, mỗi năm anh Quynh xuất bán trên 20 tấn cá thương phẩm, doanh thu một tỷ đồng, trừ chi phí, anh lãi hơn 200 triệu đồng, cũng theo thông tin trên tờ Dân việt.

Tổng hợp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại