Mướp đắng tốt nhất là ở thân và lá
Theo thông tin trên tờ Dân việt, chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (sinh năm 1981, quê Long An) là người đầu tiên sáng tạo ra phương pháp làm trà mướp đắng từ thân và lá, cho lợi nhuận cao.
Trước đó, các loại trà mướp đắng tại Việt Nam thường được làm theo mô tuýp thái quả mướp đắng thành lát mỏng rồi phơi khô, đun cùng nước uống.
Với cách làm mới, món trà mướp đắng "made in Việt Nam" này đã giúp chị thu tiền tỷ lợi nhuận mỗi năm.
Trước đó, chị Tuyết đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức tìm hiểu về toàn bộ cây mướp đắng và được biết, thân và lá của loại cây này có tác dụng chữa bệnh tiểu đường tốt hơn quả. Hơn thế, lượng đường trong các bộ phận đó gần như bằng không.
Theo nghiên cứu khoa học, thân và lá mướp đắng có hoạt chất sinh học ổn định đường huyết rất cao và lớn gấp 3 lần so với trong quả.
Không đi theo con đường làm trà mướp đắng từ quả như nhiều cơ sở sản xuất khác, chị Tuyết đã sáng tạo ra phương pháp làm trà mới bằng thân và lá mướp đắng cho hiệu quả cao.
Thế nhưng không đơn giản chỉ là ngắt lá để làm nguyên liệu cho trà là xong mà mỗi một thứ cấp của mỗi tầng lá sẽ chứa mức độ dược liệu khác nhau.
Cùng một thời điểm của một cây, chỉ nên thu hoạch từ 3 đến 4 lá và khoảng một tuần sau sẽ có một đợt lá mới để thu hoạch tiếp.
Vì khâu chọn lựa nguyên liệu tuân thủ kỹ đến từng chi tiết nên mỗi ngày một công nhân của xưởng sản xuất chỉ hái được 3kg lá mướp đắng tươi tương đương với 6gam lá khô.
Tương tự như thu hoạch lá, việc thu hoạch thân cũng cầu kỳ và rất tốn công. Người thu hoạch sẽ cắt hết lá xung quanh, chỉ lấy thân cây, khi đem về sẽ lựa chọn tầng lá mọc trên thân để xác định hàm lượng dược liệu chứa trong đó.
Sau khi thu hoạch, lá và thân mướp đắng sẽ được sơ chế, làm sạch với 7 lần nước lã và ngâm 2 lần trong nước muối trước khi đem đi xắt khúc và phơi sấy.
Quả mướp không dùng làm trà sẽ được chị Tuyết phân phối đến các siêu thị lớn trên khắp cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Hiện tại, mỗi tháng, công ty của chị Tuyết xuất đi 700 thùng trà với giá 110.000 - 150.000 đồng/hộp (12 gói). Nghĩa là, mỗi tháng có tương đương 50.000 gói trà được đưa đến nhiều quốc gia khó tính như: Nhật Bản, Singapo, Hà Lan, Anh, Thụy Sỹ...
Bên cạnh đó, công ty của chị Tuyết đang tạo công ăn việc làm cho 34 lao động thường xuyên với mức lương từ 3 - 4 triệu/tháng.
Cuộc sống bao kín bởi mướp đắng
Vốn ước mơ làm bác sỹ, rồi đi học đại học cũng như thạc sỹ, chị Tuyết đều theo khoa công nghệ sinh học với những nghiên cứu liên quan đến tai-mũi-họng.
Thế nhưng, mướp đắng mới chính là cơ duyên lớn nhất trong suốt cuộc đời của cô gái người Long An này.
Cuộc sống của chị Tuyết gần như bao kín bởi mướp đắng khi chồng chị là nhà nghiên cứu chuyên cung cấp hạt giống mướp đắng, chị học và làm đề tài thạc sỹ cũng liên quan đến lai tạo mướp đắng.
Theo thuật lại trên tờ Tuổi trẻ đời sống, trong lần thử nghiệm đầu tiên vào năm 2011, chị Tuyết chỉ đơn giản lấy thân và lá mướp đắng cắt khúc nhỏ rồi sấy khô và pha nước uống.
Chị Tuyết nhớ lại: " Lúc đó trà đắng ngắt lại có mùi ngai ngái rất khó chịu, chỉ cần uống một ngụm là phun ra ngay lập tức".
Sau lần đó, chị Tuyết nghĩ đến việc sử dụng hỗn hợp thảo mộc thay vì chỉ dùng một thảo mộc đơn là mướp đắng.
Thế rồi, trong một lần đi ngang qua phòng thí nghiệm của một người bạn, chị Tuyết thấy mùi bạc hà thơm mát tỏa ra, chính lúc ấy bài toán trị mùi cho trà mướp đắng có lời giải.
Mùi vị thơm chưa đủ, chị Tuyết lại nghĩ cách làm sao để trà được thanh mát, dễ uống.
Vì thế, chị sử dụng cỏ ngọt, cam thảo và hoa hòe để thử nghiệm riêng biệt với trà. Khi khi thử nghiệm và chọn lọc, cuối cùng chị chọn cỏ ngọt để phối trộn.
Cũng trên tờ này, PGS.TS Trần Công Luận (GĐ Trung tâm Dược liệu TP.HCM) chia sẻ: "Tham vấn và tham gia theo dõi, tôi thấy công ty sản xuất trà của Tuyết tuy còn non trẻ nhưng phần lớn anh em đều là những người có tâm huyết và tri thức.
Nhóm đã tuân thủ mọi quy trình sản xuất để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, không chỉ kinh đoanh để đạt lợi nhuận mà nhóm còn đầu tư không ngừng để sản phẩm sạch và đạt tiêu chuẩn cao hơn. Đây là một dòng sản phẩm rất tinh tế."
Đến nay, trà mướp đắng đã nhận được nhiều chứng chỉ quốc tế và được yêu chuộng tại nhiều nơi trên thế giới.
Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua được mệnh danh là loại quả đắng nhất trong các loại quả và có nhiều tác dụng.
Quả mướp đắng có thể phòng bệnh xuất huyết, kháng ung thư, nâng cao sức đề kháng, bào vệ tim...
Đặc biệt, quả mướp đắng được đánh giá cao nhất ở công dụng trị tiểu đường và cao huyết áp.
Trà mướp đắng thành công trong việc hỗ trợ chữa bệnh cho những người bị bệnhh tiểu đường.
Tổng hợp