Cảnh giác căn bệnh nguy hiểm khiến người bệnh dễ phải cắt chân

Tiểu Nhã |

80% các ca ung thư xương ở trẻ em gặp ở gần khớp gối hoặc khớp vai, lứa tuổi thường gặp nhất là thiếu niên và thanh niên từ 13 – 25 tuổi.

Mất chân vì đến viện muộn

Cháu Ngọ Viết Hưng trú tại hậu Lộc, Thanh Hóa đang điều trị tại Bệnh viện K trung ương cơ sở 3 vì bị ung thư xương.

Bố của bé Hưng cho biết cách đây vài tháng khi thấy con đau chân ở đầu gối anh nghĩ con bị đau chân do đá bóng về. Anh chỉ xoa dầu cho con nhưng càng ngày bé càng đau.

Chân con không sưng chỉ khi gập gối vào thấy hơi to hơn bình thường một chút. Bối rối không biết con bị làm sao, bố mẹ bé Hưng mua rượu gấc về xoa bóp đến khi con tập tễnh không đi nổi mới đưa con đến bệnh viện khám.

Tại đây, bác sĩ chụp CT phát hiện chân có ổ dịch và nghi ngờ tràn dịch khớp gối. Tuy nhiên, sinh thiết xương phát hiện ung thư xương đùi.

Em Hưng đã phải điều trị hóa chất để bảo tồn chân nhưng không được nên đã phải cắt bỏ chân trái của mình. Mất đi một bên chân, Hưng buồn vì từ nay em không thể đi lại được nữa.

Bố em cố động viên con cắt chân sau này sẽ lắp chân giả, đi lại như bình thường nhưng cậu bé 12 tuổi cũng lờ mờ hiểu được căn bệnh ung thư quái ác đang tàn phá em như thế nào.


Một bệnh nhân nhỏ tuổi bị ung thư xương (Ảnh: Tiểu Nhã)

Một bệnh nhân nhỏ tuổi bị ung thư xương (Ảnh: Tiểu Nhã)

Cố dấu đau đớn, Hưng đang tỏ ra là người mạnh mẽ nhưng em không thể cười mà khóe mắt cứ ực ực nước như muốn khóc hét lên. Hưng cũng giống như hàng chục bệnh nhi bị K xương đùi ở đây phải cắt bỏ chân.

Chị Hoàn quê Mai Châu, Sơn La đang chăm con gái 3 tuổi bị ung thư xương chỉ còn biết ôm con khóc. Bé Thanh Hiền con chị đã cắt chân phải vì bị ung thư xương đùi.

Nhớ lại khi phát hiện ra bệnh, chị Hoàn thấy nhanh lắm. Bé thường xuyên kêu đau chân. Cũng giống bao  ông bố bà mẹ khác, chị tưởng con bị ngã nên theo dõi càng ngày bé càng đau và phải đi tập tễnh.

Chị đưa con lên Hà Nội khám. Bác sĩ chẩn đoán viêm khớp, có dịch nghi ngờ ung thư xương nên cho làm sinh thiết.

Kết quả cháu bị ung thư xương giai đoạn 2, xương hoại tử rất nhanh nên phải cắt bỏ chân. Đứa trẻ 3 tuổi quá đau đớn chỉ còn biết khóc đòi mẹ xoa bóp vết khâu cắt chân.

Nhìn đôi chân con vài tháng trước còn đi lại, chạy nhẩy nay bé không đi đường, ngồi im đau đớn, đi lại phải do mẹ bế. Chị Hoàn chỉ khóc “đã cắt chân đi rồi, em chỉ mong con khỏe mạnh, sau này em kiếm tiền mua chân giả cho con”.

Ung thư xương triệu chứng như thế nào?

Theo Giáo sư Mai Trọng Khoa – Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, ung thư xương ở trẻ em là căn bệnh ung thư phổ biến, bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 13 đến 25 tuổi.

Ở thời kỳ này thời điểm cơ thể con người đang phát triển và dần hoàn thiện các cơ quan nên đối với riêng bộ xương, các tế bào sinh xương ở sụn tiếp hợp ở các đầu xương dài như xương tay, xương chân,… sẽ tăng trưởng nhanh chóng và giúp xương dài thêm.

Cũng chính vị trí đầu các xương dài là khu vực hay phát sinh các khối u ung thư xương.

Sarcoma xương là loại ung thư xương thường gặp nhất, chiếm khoảng 5% tổng số ca ung thư ở trẻ em, thường gặp chủ yếu ở trẻ nam (với tỷ lệ cao gấp đôi so với trẻ nữ).

80% các ca ung thư xương ở trẻ em gặp ở gần khớp gối hoặc khớp vai, lứa tuổi thường gặp nhất là thiếu niên và thanh niên từ 13 – 25 tuổi. Cho đến nay, nguyên nhân gây ra căn bệnh này vẫn còn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, một số bệnh lý di truyền do sai lệch gene như hội chứng Lififraumein, bệnh u nguyên bào võng mạc mắt hoặc tình trạng phơi nhiễm, tiếp xúc với tia phóng xạ trong thời gian dài,… là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xương ở trẻ em.

Triệu chứng của bệnh chủ yếu là dấu hiệu đau, sưng vùng gần khớp, nhất là quanh khớp gối và khớp vai.

Ít lâu sau, người bệnh sẽ đau nhiều hơn khi đi lại, cử động hoặc khi về đêm, kèm theo biểu hiện khối u sưng to, cơn đau ngày càng tăng nặng về cường độ và tần suất.

Trẻ sẽ có biểu hiện đi đứng khập khiễng và đôi khi bị gãy xương dù chỉ va chạm, chấn thương nhẹ.

Hiện nay điều trị ung thư xương vẫn là các phương pháp điều trị phẫu thuật, hóa chất và xạ trị. Cũng giống như các loại ung thư khác nếu phát hiện sớm việc điều trị dễ dàng, trẻ sẽ không phải cắt bỏ chân, bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn xương chân cho trẻ.

Theo số liệu của Khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương hiện nay bệnh ung thư xương có tiên lượng cao, theo tổng kết của Khoa Nhi Bệnh viện K, trẻ sống thêm không bệnh trên 5 năm đạt 85%.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại